Mùa xuân, cẩn thận dị ứng với phấn hoa và côn trùng

Mùa xuân, cẩn thận dị ứng với phấn hoa và côn trùng
Tết đang đến gần, chị em thường bận rộn dọn dẹp, chăm sóc cây cảnh, cắm hoa, trang hoàng nhà cửa. Những công việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây dị ứng, trong đó, phổ biến nhất là bụi, côn trùng và phấn hoa.

Viêm da do côn trùng

Gần đây, ThS-BS Lê Thái Vân Thanh, giảng viên bộ môn Da liễu, Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám do viêm da kích ứng. Bệnh nhân (BN) phát hiện bệnh sau khi đi biển, dọn dẹp nhà cửa, hoặc vừa cắm hoa, chăm sóc cây cảnh.

BS Thanh kể: “Có ngày tôi tiếp nhận bốn-năm trường hợp cùng bệnh cảnh. Ví dụ, một nhóm học sinh ở Long An, da, tay, chân bị nổi mẩn, vệt nổi mẩn có hình dáng kỳ lạ, ngoằn ngoèo”. Sau khi thăm khám, BS Thanh xác định những BN này bị viêm da kích ứng do chất xuất tiết từ côn trùng. Vệt ngoằn ngoèo mẩn đỏ trên da là bởi đường đi của côn trùng tạo nên.

Có rất nhiều loại côn trùng mà chất xuất tiết từ chân, nước bọt và phân của chúng. Phổ biến và có biểu hiện rõ ràng nhất là kiến ba khoang.

BN bị kiến ba khoang đốt, ban đầu có thể chỉ ngứa rát, đỏ nề một vùng da. Ở một số người, bệnh trở nặng, vùng da đỏ xuất hiện mụn nước, các mụn nước phồng to, vỡ ra và lên mủ. Thậm chí BN còn sốt, nổi hạch cổ, bẹn.

Kỳ nghỉ Tết đến gần, BS Thanh lưu ý mọi người khi đi nghỉ mát, tắm biển. Trong nước biển có những động vật thân mềm, chẳng hạn sứa biển nếu đụng phải sẽ khiến chúng ta bị viêm da. Hoặc, khi đi du lịch, tiếp xúc với côn trùng, một số loại lá cây, vùng da sẽ bị đỏ lên, nổi mụn nước li ti, thậm chí có bong tróc. Từ một-ba ngày sau, vết sang thương trên da gặp ánh nắng sẽ bị tăng sắc tố, chuyển thành màu sậm.

Điều trị bệnh viêm da do côn trùng hay phấn hoa không phức tạp, nhưng BN phải đi khám đúng chuyên khoa để được chẩn đoán, đưa ra phác đồ chính xác.

Nhiều BN tự ý mua thuốc bôi, hoặc đắp đậu xanh (chữa bệnh giời leo theo dân gian) khiến bệnh chẳng hết mà vết loét còn rộng thêm, nhiễm trùng. Tuy tình trạng bệnh không đến mức nguy hiểm tính mạng, nhưng khi chữa khỏi, có thể để lại vết sẹo, gây mất thẩm mỹ.

Để phòng tránh bị viêm da tiếp xúc do côn trùng, phấn hoa, mọi người nên mặc quần áo dài tay khi vào vườn cây; đeo găng tay, bịt khẩu trang trong lúc chăm sóc cây cảnh. Tối ngủ nhớ mắc mùng, mặc quần áo dài để tránh bị côn trùng đốt.

Dị ứng phấn hoa qua đường hô hấp

Mùa xuân là điều kiện phát triển lý tưởng của hệ thực vật. Con người không chỉ bị dị ứng với côn trùng, phấn hoa qua tiếp xúc ngoài da mà còn qua đường hô hấp. Khoảng một tháng nay, thời tiết trở lạnh, lượng BN tới khám chuyên khoa tai - mũi - họng tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM gia tăng. Trong số đó, khá nhiều BN bị viêm mũi dị ứng do hít phải phấn hoa.

Trong các loại hoa, hoa lys rất đẹp nhưng phấn của hoa này có nguy cơ gây viêm da tiếp xúc rất cao. Người có tiền sử hen suyễn hít phải phấn hoa lys lập tức lên cơn ngay. Vì vậy, khi cắm loại hoa trên, mọi người nên cẩn thận cắt bỏ các túi phấn trong nhụy hoa.

Theo TS-BS Đỗ Trọng Minh, phụ trách Phòng khám Tai - mũi - họng Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ thể con người có thể dị ứng với khói bụi, chất ô nhiễm, thức ăn, hóa chất, lông thú, bọ mạt, mùi, phấn hoa và thời tiết (gọi là dị nguyên)…

Khi dị nguyên vào cơ thể bằng đường hô hấp, kháng nguyên và kháng thể gặp nhau tạo thành phức hợp kích hoạt cơ thể phóng thích ra chất có thể gây dị ứng. Có nhiều hóa chất được phóng thích gây nên dị ứng, tiêu biểu là histamin.

Những chất này khiến cơ thể phản ứng, BN sẽ xuất hiện các triệu chứng như nhức đầu, sổ mũi (nước trong), ngứa mũi, hắt xì hơi, thậm chí ngứa cả các vùng liên quan ở phần mặt như tai, mắt và họng, nặng thì nổi mề đay, có thể gây khó thở do niêm mạc đường hô hấp bị phù nề.

Một số trường hợp viêm mũi dị ứng mạn tính kéo dài, có thể gây ảnh hưởng đến khứu giác (giảm hoặc mất khả năng nhận biết mùi tạm thời) hoặc ngủ ngáy do viêm phù nề niêm mạc họng, thanh quản hoặc viêm amiđan quá phát.

BS Đỗ Trọng Minh khuyên những người có tiền sử bệnh viêm mũi dị ứng không nên nằm máy lạnh, nếu nằm máy lạnh phải điều chỉnh nhiệt độ vừa phải. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi ngày cũng rất hữu ích cho việc phòng ngừa, hạn chế bệnh.

Khi bệnh viêm mũi dị ứng khởi phát, BN nên đi khám chuyên khoa để được bác sĩ kê thuốc kháng dị ứng ngay, tránh tình trạng bệnh kéo dài, bội nhiễm, gây nguy hiểm.

Theo Phụ nữ Online 

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG