Muôn kiểu 'trục lợi' Quỹ Bảo hiểm Y tế

Quỹ BHYT đứng trước nguy cơ mất cân đối lớn. Ảnh: Như Ý.
Quỹ BHYT đứng trước nguy cơ mất cân đối lớn. Ảnh: Như Ý.
TP - Với tốc độ tăng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay, chỉ khoảng 3 năm nữa, Quỹ BHYT sẽ hết dự phòng và xảy ra mất cân đối thu - chi. Ngành bảo hiểm xã hội đang nỗ lực từng ngày để kéo giảm bội chi hàng năm, nhưng việc này không dễ khi Quỹ BHYT trở thành “nguồn sống” của nhiều bệnh viện (BV) và một số cá nhân.

Từ BV tới người dân cùng trục lợi

Không chỉ các bệnh viện mới tìm cách trục lợi Quỹ BHYT, nhiều người dân cũng thông qua việc đi khám và lấy thuốc thanh toán bằng BHYT để tư lợi. Theo số liệu từ Hệ thống giám định BHYT, trong 11 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận hơn 5.400 người đi khám bằng thẻ BHYT từ 50 lần trở lên. Trong đó, đáng chú ý có bà M.B.N. (ở TPHCM) đi khám tới 256 lượt ở nhiều cơ sở y tế, với số tiền được Quỹ BHYT chi trả hơn 143 triệu đồng; một bệnh nhân khác khám tới 201 lượt và được thanh toán 57 triệu đồng từ Quỹ BHYT…

Theo Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), 5 năm qua (2012 - 2017), lực lượng Cảnh sát kinh tế cả nước đã phát hiện, điều tra, xử lý 70 vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, BHYT; khởi tố điều tra 46 vụ với gần 130 đối tượng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan tới trục lợi Quỹ BHYT.

Mới nhất, tháng 12/2017, Công an Hà Nội đã khởi tố bị can Nguyễn Thị Thu Thủy (42 tuổi), Trần Thanh Vân (38 tuổi), cùng là điều dưỡng của Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) để điều tra. Theo đó, Thủy và Vân đã cấu kết làm giấy chuyển viện giả bán cho người có nhu cầu, thực tế những trường hợp chuyển tuyến bị phát hiện đều không khám chữa bệnh ban đầu ở BV Xanh Pôn. Trước đó, tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Lương (Kiên Giang), 4 người cũng bị khởi tố vì mượn thẻ BHYT của nhiều người làm khống hơn 1.500 hồ sơ khám chữa bệnh để thanh toán BHYT, với số tiền hơn 183 triệu đồng. Hay tại Bắc Kạn, có nhân viên thuộc trung tâm y dược cổ truyền đã kê đơn thuốc cho người bệnh là thuốc Bắc, nhưng sau đó lại phát thuốc Nam, hưởng số tiền chênh lệch 274 triệu đồng…

Qua rà soát, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chỉ rõ một số vấn đề khiến Quỹ BHYT bội chi lớn. Trong đó, đáng chú ý là việc bác sĩ chỉ định rộng rãi các xét nghiệm cận lâm sàng không cần thiết, như: Tại BV Sản - Nhi Nghệ An, nhiều trẻ được chỉ định thực hiện gần 20 chỉ số xét nghiệm; chỉ định xét nghiệm không phù hợp; 100% trẻ được chỉ định nội soi tai mũi họng (tổng chi phí  hơn 5,9 tỷ đồng). Thậm chí một số khoa của BV này còn khắc sẵn tên các xét nghiệm rồi đóng dấu chỉ định cho tất cả các bệnh nhân nhập viện bất kể dấu hiệu bệnh. Còn tại BV Sản - Nhi Đà Nẵng đã chỉ định và kê thanh toán BHYT rộng rãi các xét nghiệm không phù hợp chẩn đoán, một bệnh nhân chỉ định nhiều lần một xét nghiệm (như xét nghiệm Dengue Virus). Có không ít BV lại tách các dịch vụ kỹ thuật thành nhiều dịch vụ khác nhau để thanh toán, dù thực tế chỉ cần thực hiện 1 lần (như BV Đa khoa TP Hà Tĩnh, Sản - Nhi Nghệ An); chỉ định xét nghiệm nhiều lần không cần thiết (BV Nội tiết Nghệ An, Đa khoa Tuyên Quang, Hà Tĩnh); bệnh nhân tới là cho nhập viện bất kể mắc bệnh hay không (BV Y học Cổ truyền Nghệ An, Phục hồi chức năng Nghệ An)…

Nguy cơ năm 2020 hết quỹ dự phòng

Theo tính toán của Bộ Tài chính, từ nay Quỹ BHYT sẽ bội chi lớn. Cụ thể, năm 2017, bội chi Quỹ BHYT khoảng 11.300 tỷ đồng, năm 2018 bội chi khoảng 22.900 tỷ đồng, năm 2019 bội chi khoảng 23.400 tỷ đồng, năm 2020 bội chi khoảng 28.000 tỷ đồng. Trong khi, hết năm 2016, Quỹ BHYT dự phòng chỉ còn hơn 37.300 tỷ đồng. Hiện trên 82% dân số tham gia BHYT, số thu hàng năm cũng chỉ tăng bình quân 10%, trong khi tốc độ tăng chi hàng năm luôn ở mức trên 20% (năm 2016 tăng 40%, dự kiến năm 2017 tăng gần 30%).

Bộ Tài chính đánh giá, số bội chi trên sẽ tăng thêm nữa (vượt dự báo) khi đưa chi phí quản lý vào giá viện phí. Cùng đó, sau khi thực hiện thông tuyến huyện, đã có tình trạng trục lợi chính sách thông tuyến từ cả BV và người bệnh. Thậm chí, một số cơ sở y tế xin xuống hạng để được tiếp nhận bệnh nhân có thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu. Bộ Tài chính dẫn báo cáo của cơ quan kiểm toán cho thấy, một số cơ sở y tế thu gom người bệnh thông qua việc tặng quà, miễn phí tiền xe đưa đón, chỉ định tăng xét nghiệm, chụp X-quang… (như tại một số bệnh viện ở Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang…); chỉ định thuốc không hợp lý, xét nghiệm tràn lan, không phù hợp với bệnh án… Ngoài ra, các BV thực hiện liên doanh, liên kết để lắp đặt máy móc, thiết bị y tế theo hình thức xã hội hóa không đúng quy định. Có BV được lắp đặt máy miễn phí nhưng phải cam kết mua vật tư, hóa chất của bên cung cấp thiết bị; ràng buộc số lượng vật tư, hóa chất sử dụng trong kỳ, nên bác sĩ phải tăng xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật và tăng chi phí BHYT…

Để giảm bội chi Quỹ BHYT, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế đẩy nhanh tăng giá khám chữa bệnh ngoài BHYT, để khuyến khích người dân tham gia BHYT, hạn chế người dân khi ốm đau mới mua bảo hiểm. Đồng thời, Bộ Y tế khẩn trương ban hành “gói dịch vụ y tế cơ bản” do Quỹ BHYT chi trả, phù hợp với khả năng cân đối của Quỹ BHYT. Đồng thời, việc Bộ Y tế bổ sung danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật do BHYT chi trả cũng phải phù hợp với khả năng cân đối Quỹ BHYT; gắn chất lượng dịch vụ với giá dịch vụ để đảm bảo quyền lợi người bệnh.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm thực hiện liên thông các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng giữa các BV; tăng cường quản lý, thanh kiểm tra tại các cơ sở y tế để ngăn chặn lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, thuốc đắt tiền, trục lợi Quỹ BHYT.

(còn nữa)

Năm 2017, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thực hiện tổng rà soát chi Quỹ BHYT tại các tỉnh thành, qua đó đã từ chối thanh toán (xuất toán) số tiền lớn tại một số bệnh viện làm sai quy định, như: Các bệnh viện tại Đà Nẵng bị từ chối thanh toán hơn 63 tỷ đồng; Hải Dương bị từ chối thanh toán gần 60 tỷ đồng; Nghệ An từ chối thanh toán hơn 46,2 tỷ đồng; Đồng Nai từ chối thanh toán hơn 12,2 tỷ đồng; Hà Tĩnh từ chối thanh toán hơn 4,9 tỷ đồng…

MỚI - NÓNG