Mỹ phẩm xách tay: Vừa dùng, vừa lo

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Làm sao chắc chắn loại mỹ phẩm xách tay bạn vừa mua là hàng chuẩn? Nếu đó là hàng nhái, chắc chắn rằng, làn da của bạn sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Nhập nhằng hàng giả

Chỉ cần gõ 4 từ “mỹ phẩm xách tay” trên hệ thống tìm kiếm của Google, chỉ trong 0,33 giây đã có tới 957 nghìn kết quả. Con số không nhỏ đó đã phần nào cho thấy sự chiếm lĩnh thị trường của các sản phẩm gắn mác ngoại nhập này.

Dạo một vòng quanh các con phố lớn của Hà Nội như: Hàng Đào hay Cầu Giấy, Chùa Bộc..., không khó để tìm thấy các cửa hàng chuyên kinh doanh các loại mỹ phẩm xách tay. Hàng hóa ở đây đa dạng từ dầu gội đầu, kem dưỡng da, phấn má, son... và đều được giới thiệu là do tiếp viên hàng không trực tiếp xách về từ các nước Anh, Pháp, Nhật, Mỹ... Chỉ cần nhìn lướt nhanh một vòng trong cửa hàng, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các thương hiệu tên tuổi như: Shiseido, Kanebo, Kosé, Menard...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không chỉ có các cửa hàng lớn mới bán mỹ phẩm xách tay mà các shop online cũng luôn tìm cách khai thác mặt hàng này để kiếm lời. Có những người vừa bán cá, vừa bán hoa quả, lại kiêm thêm cả mỹ phẩm xách tay với lý do có người nhà ở nước ngoài nên không thể bỏ lỡ cơ hội.

Khi hỏi mua một lọ kem dưỡng da Shiseido được giới thiệu là xách tay của Hàn Quốc của một người kinh doanh online, PV đã được giới thiệu: “Hàng của em chuẩn đét, chị mua về dùng có vấn đề gì thì cứ địa chỉ này chị đến, em sẽ chịu trách nhiệm”.

Tuy nhiên, khi nhận được sản phẩm, PV có một chút hơi thất vọng khi thấy vỏ hộp kem chỉ được bọc một lớp nilong mỏng, không có tem bảo đảm hàng thật của hãng cũng như của các cơ quan chức năng ở nước bạn. Bên trong hộp kem không có tờ hướng dẫn sử dụng. Bản thân hộp kem cũng không bất kỳ dấu niêm phong nào để chứng minh là hàng thật. Nếu đúng là lọ kem nguyên bản của nhà xuất chỉ có vậy thì đương nhiên việc làm giả không hề khó.

Băn khoăn về chất lượng của sản phẩm mình vừa nhận được, PV đặt câu hỏi nghi ngờ về nguồn gốc với người bán hàng. Chị này nhanh nhảu: “Nếu chị muốn em sẽ gửi cho chị hóa đơn mua hàng của tiếp viên để chị yên tâm. Em bán mỹ phẩm đã được vài năm rồi, toàn bán cho khách quen. Nếu là hàng giả thì đâu tồn tại được đến bây giờ. Người tiêu dùng giờ thông minh lắm, làm sao lừa được”.

Khi PV hỏi: “Có khi nào tiếp viên vì không biết đã mua phải hàng giả ở nước ngoài không?”, chị này vẫn khẳng định chắc nịch: “Bây giờ phải tin tưởng nhau là chính thôi. Chị hỏi thế em chẳng biết phải trả lời thế nào cho phải. Tiếp viên người ta làm nghề này bao nhiêu năm rồi mà lại nhầm lẫn. Chính tiếp viên người ta cũng dùng các sản phẩm này mà chị”.

Nguy cơ nhiễm độc, phá hủy da

Với những người tiêu dùng bình thường, phân biệt hàng thật, giả bằng cảm quan là một việc không dễ làm. Thế nên, chuyện mua phải mỹ phẩm xách tay là hàng nhái, hàng kém chất lượng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ghi nhận tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho thấy: hàng ngày ở đây tiếp nhận hàng chục ca bị nhiễm trùng da mặt do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Bên cạnh những người ưa chuộng các sản phẩm giá rẻ thì cũng có không ít bệnh nhân đã chi cả triệu bạc để mua mỹ phẩm xách tay.

Bàn về vấn đề này, TS. Bác sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết: “Khi đến đây, nhiều người mang theo cả những lọ kem nghi ngờ đã gây ra biến chứng cho làn da của mình. Có những lọ chỉ có chữ Trung Quốc, song không ít lọ là các thương hiệu nổi tiếng là hàng xách tay. Nếu không có chuyên môn, nhìn bằng mắt thường thì rất khó phân biệt thật giả”.

Thực tế, nguồn tin từ cơ quan quản lý thị trường cho biết, đầu tháng 02/2015 vừa qua, công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ một kho mỹ phẩm giả ở Móng Cái, thu giữ hơn 31.400 chai mỹ phẩm gắn nhãn mác một số thương hiệu nước ngoài, 200kg nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm, 40kg tem chống hàng giả và 200kg giấy giới thiệu sản phẩm... Kết quả khảo sát thị trường về hàng giả do Công ty Nielsen và Tổ chức Đặc quyền Sở hữu Trí tuệ tại Việt Nam thực hiện thậm chí còn ghi nhận có hơn 45% sản phẩm mỹ phẩm ở Hà Nội là giả, hàng nhái.

Trước tình trạng hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường như thế này, mua mỹ phẩm xách tay có khác gì đánh bạc? Và tất nhiên, khi mua phải hàng giả, đó sẽ là thảm họa cho làn da.

Theo TS Hùng, những loại mỹ phẩm làm giả nhãn mác, thương hiệu đều có nồng độ hóa chất lớn, thậm chí có cả chì, thủy ngân... nên nguy cơ gây nhiễm độc, phá hủy da, làm khô da, sạm da rất cao. Và một khi da đã bị tổn thưởng do hóa chất thì việc điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém.

Trước nay, mỹ phẩm xách tay vẫn được mua bán chỉ với một yếu tố duy nhất là niềm tin. Điều đó có nghĩa là sự an toàn của bạn đang do một người khác quyết định? Canh bạc này may, rủi khó lường. Thế nên, đừng đem sức khỏe của mình ra đánh cược. Thay vì hàng xách tay, hãy lựa chọn những sản phẩm đã được các cơ quan chức năng tại Việt Nam kiểm định là an toàn, rõ nguồn gốc.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.