Nam thanh niên 30 tuổi khớp gối đã 'long sòng sọc' vì lý do này

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Để mặc vết thương 'tự khỏi' khi đá bóng bị đau chân, nam thanh niên bị thoái hóa toàn bộ, các khớp gối lỏng lẻo như người 60-70 tuổi.

Bệnh nhân là thanh niên 30 tuổi do chơi thể thao bị chấn thương khớp gối hai bên. Nhưng bệnh nhân này đã không điều trị mà “để mặc cho tự khỏi”, thậm chí còn băng bó vết thương tạm thời và tiếp tục chơi tiếp. Khi đau quá  không đi lại được, bệnh nhân đến khám và có chỉ định mổ nội soi. Khi tiến hành nội soi khớp gối các bác sĩ phát hiện khớp gối đã bị thoái hóa toàn bộ, các khớp gối lỏng lẻo như người 60-70 tuổi. Điều này là hậu quả  của việc chấn thương không được xử trí kịp thời. Người bệnh khi bị đau nhưng vẫn chủ quan băng bó vết thương và tiếp tục chơi.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, trưởng khoa Y học thể thao, BV Việt Đức, những chấn thương mà các bác sĩ gặp tại BV không hề hiếm, có những “chấn thương” mà không ai ngờ tới  đó là môn thể thao vật tay.

Đáng nói là cứ 2-3 tháng lại có bệnh nhân nhập viện vì chấn thương do chơi vật tay. Sở dĩ môn thể thao tưởng như đơn giản và “khó” có khả năng gây ra chấn thương này  người chơi lại hay gặp chấn thương là do người chơi thiếu kiến thức vì nghĩ rằng môn thể thao này rất đơn giản.

Do đó, họ chỉ chú ý tập trung tập luyện phần cơ mà quên đi các tư thế đúng của vật tay và không quan tâm đến phần bổ sung dinh dưỡng cho xương dẫn đến các chấn thương xoắn cổ tay. Cùng với đó,  các bác sĩ cũng thường xuyên gặp những chị em phụ nữ tập Yoga bị chấn thương khớp gối, háng,.. do sai tư thế và  vận động quá mức hoặc trước khi tập không khởi động kỹ.

"Có đến 60-70% các chấn thương trong người chơi thể thao nghiệp dư gặp phải.  Nguyên nhân là do khởi động không đúng cách, khởi động chưa kỹ. Trước khi chơi thể thao người chơi cũng không hiểu biết sâu sắc về môn thể thao mà mình chơi, thường chơi theo cảm tính và bản năng. Cũng có những trường hợp “ham chơi” mà không phòng tránh, khi chấn thương rồi cứ cố chơi hoặc tự điều trị nên dẫn đến tình trạng như trên", PGS Khánh nói.

Phòng tránh chấn thương thế nào?

Theo đó, để phòng tránh chấn thương thể thao, hai chuyên gia y học thể thao PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh và BSCKI Y học thể thao Nguyễn Trọng Thủy khuyến cáo.

Phải khởi động kỹ trước khi tập luyện và thi đấu, khi tập xong thì thả lỏng căng cơ thật kỹ.

Bổ sung nước và điện giải để cung cấp nước và năng lượng đầy đủ.

Cần tìm hiểu kỹ các môn thể thao mình sẽ tham gia tập luyện và chơi tập trung

Nên điều trị chấn thương khỏi hẳn mới tiếp tục chơi thể thao tránh tình trạng các chấn thương cũ chưa khỏi lại "dính" thêm chấn thương mới sẽ gây khó khăn trong quá tình tập luyện và để lại hệ quả sau này.

Khi đã bị chấn thương cần phải dừng tập không cố chạy và cần được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa y học thể thao. Bác sĩ sẽ xem xét chấn thương ở các mức độ nào để có những chỉ định phù hợp.

MỚI - NÓNG