Ngày hội chung tay hành động giảm thiểu mất cân bằng giới tính

PGS.TS. Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại “Ngày hội chung tay hành động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Ảnh: Thế Dương
PGS.TS. Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại “Ngày hội chung tay hành động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Ảnh: Thế Dương
Ngày 17/10/2015, tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, đã diễn ra “Ngày hội chung tay hành động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” với chủ đề “Không phân biệt giới, Không lựa chọn giới tính thai nhi”.

Ngày 17/10/2015, tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) - Bộ Y tế, phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức “Ngày hội chung tay hành động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” với chủ đề “Không phân biệt giới, Không lựa chọn giới tính thai nhi”.

Tham gia ngày hội có gần 1.000 đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế, đại diện 10 bộ ngành đoàn thể, 11 Chi cục Dân số -KHHGĐ thuộc tỉnh có MCBGTKS cao và Văn phòng UNFPA Hà Nội, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước tại Hà Nội, các đơn vị ủng hộ và phóng viên báo chí.  Ngày hội diễn ra lễ ký cam kết không cung cấp thực hiện dịch vụ sàng lọc giới tính thai nhi; giao lưu tại cộng đồng của các nhà lãnh đạo, các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng có 2 con gái và 500 sinh viên nhảy flashmob và thả bóng đưa các thông điệp của Ngày hội kêu gọi người dân để chung tay hành động giải quyết các mất cân bằng giới tính khi sinh.

Phát biểu tại “Ngày hội chung tay hành động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, PGS.TS. Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Giải pháp của vấn đề là cần được giải quyết trong bối cảnh rộng lớn của phát triển kinh tế, xã hội và quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em. Khi mà phụ nữ và các em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới, thì họ sẽ có thể phát triển tốt và làm được những gì mà nam giới và trẻ em trai được mong đợi cần phải làm, thậm chí họ có thể làm tốt hơn".

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng tăng tại một số quốc gia châu Á. Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai trên 100 bé gái năm 2000 lên 112,2 bé trai trên 100 bé gái năm 2014 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Hiện đã có 55/63 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh trên 108 bé trai trên 100 bé gái - đây là con số hết sức báo động.

Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn. Có nhiều bằng chứng ở châu Á và Việt Nam cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu là do việc lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới, ưa thích con trai và xem thường giá trị trẻ em gái đã ăn sâu bám rễ trong các quan niệm văn hóa. Những tư tưởng truyền thống lâu đời này đã tạo nên những áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai và ảnh hưởng cơ bản tới vị thế kinh tế, xã hội cũng như đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ liên quan tới sức khỏe cũng như sự sống còn của họ.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng: việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Có thể sẽ có sự gia tăng về nhu cầu mại dâm; dẫn đến việc gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ.

Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cần thiết phải tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái vốn đã ăn sâu bám rễ và là nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước khi sinh.

Cũng tại “Ngày hội chung tay hành động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, Bà

Ritsu Nacken - Quyền Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu: "Giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh không phải là công việc của một cơ quan đơn lẻ, đó là nhiệm vụ của tất cả mọi người! Cần phải có sự cam kết của tất cả các bên liên quan  cùng nỗ lực vì một Việt Nam nơi mà phụ nữ và nam giới, bé trai hay bé gái đều được đối xử công bằng; phụ nữ và trẻ em gái đều có những cơ hội để thành công trong cuộc sống như nam giới; bé gái và bé trái được tôn trọng như nhau; một Việt Nam tiến bộ, văn minh và vấn đề “trọng nam hơn nữ” là vấn đề của quá khứ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể đảm bảo một tương lai tương sáng cho Việt Nam".

Phân biệt đối xử đối với trẻ em gái dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này là mặt trái xã hội, là sự vi phạm quyền con người, cần phải được chấm dứt. Bé gái, cũng như bé trai, xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời mình. Bình đẳng giới là vấn đề cốt lõi của sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. 

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.