Người cao huyết áp có nên dùng sâm?

Người cao huyết áp có nên dùng sâm?
Mua sâm phải biết cách lựa để chọn sâm "đúng tuổi", dùng cũng phải có quy trình nếu không muốn có "tác dụng phụ".

>> Dùng nhân sâm, tam thất thế nào cho đúng?

Người cao huyết áp có nên dùng sâm? ảnh 1

Ngoài hình thức đẹp trong gói quà, nhân sâm còn là vị thuốc kỳ diệu giúp tăng cường thể lực, bồi bổ cơ thể, chống mỏi mệt, cải thiện chức năng não ở người lớn tuổi, chống lão hóa, ung thư, tiểu đường. Nhưng mua cũng phải biết cách lựa để chọn sâm "đúng tuổi", dùng cũng phải có quy trình nếu không muốn có "tác dụng phụ".

Bảo quản và sử dụng nhân sâm

Mua sâm phải chọn những địa chỉ tin cậy để tránh mua phải hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng. Theo Viện Dược liệu (Bộ Y tế), sâm non thường củ nhỏ và không đủ 6 năm. Màu sắc củ non nhìn như củ cải. Sâm già phải là sâm củ to, từ 2 - 3 củ/kg. Rửa củ sâm, nếu là sâm già thì dai, sâm non thì mủn ra.

Nhân sâm là vật phẩm quý nên rất dễ bị làm giả
Nhân sâm là vật phẩm quý nên rất dễ bị làm giả.

Theo BS Lê Hùng, Phó Viện trưởng Viện Y học dân tộc TP HCM, người tiêu dùng nên mua loại sâm sau khi nhập về có giấy kiểm định chất lượng để tránh mua phải nhân sâm rút dược chất, "tút" lại bằng cách mua tinh dầu nhân tạo về ướp.

Anh Ngô Tiến Vũ (Công ty Cổ phần Tập đoàn Tacy, chuyên nhập khẩu sâm Hàn Quốc) cho biết, từ Hàn Quốc về Việt Nam sâm tươi thường đóng hộp nguyên củ, rễ và đất (có cả rong biển) nên rất tươi. Tuy nhiên cũng chỉ bảo quản được 7 - 10 ngày trong tủ lạnh. Vì thế, loại sâm rẻ, có sẵn trong tủ lạnh đưa ra bán rất dễ là sâm Trung Quốc, hoặc sâm chất lượng không đảm bảo.

Nhân sâm đựng trong hộp sắt hàn kín, dù ít nhưng vẫn có tình trạng hộp hở làm mốc sâm. Muốn nhân sâm không bị mốc mọt, có thể sấy hoặc rang khô ở 60 - 80 độ (từ 40 phút đến 1 giờ) rồi cho vào lọ cất, nhưng 15 - 20 ngày phải kiểm tra. Nếu lắc lên mà tiếng kêu không giòn là phải thay chất hút ẩm (có thể rang gạo đến vàng làm chất hút ẩm). Quên kiểm tra, thay chất hút ẩm là sâm sẽ hỏng.

Bạn cũng có thể cắt sâm thành miếng nhỏ 1 - 3 gam, bỏ vào lọ rộng miệng, sạch, khô, có nắp đậy kín...Đổ mật ong (loại tốt không lẫn nước) ngập miếng sâm rồi đậy nắp lại. Giữ kiểu này cả năm nhân sâm cũng không hỏng, không mốc, mọt, biến chất.

Cũng theo anh Tiến, sâm ngâm rượu thường dùng sâm Hàn Quốc 6 tuổi, rễ phụ to mới là hàng tốt. Rượu ngâm sâm phải là rượu nếp trắng, có nồng độ cao, trong suốt, uống dịu, không đau đầu. Sâm sau khi phơi sấy, sao tẩm sẽ được ngâm rượu cùng với một số vị thuốc khác để dẫn chất kích thích cơ thể hữu hiệu. Rượu sâm ngâm 100 ngày là thơm và lên màu vàng óng. Uống thấy vị ngọt mát của sâm tươi.

Ai không nên dùng nhân sâm?

"Sau khi uống sâm không nên ăn củ cải, đồ biển. Theo Đông y cổ truyền, củ cải và đồ biển đại hạ khí, còn nhân sâm thì lại đại bổ khí, hai thứ triệt tiêu lẫn nhau, gây hại cho người sử dụng", BS Lê Hùng tư vấn.

Anh Ngô Tiến Vũ cho biết, dịp Tết thường không có sâm tươi, chỉ có sâm đã sơ chế, sấy khô. Cách dùng dễ nhất là thái lát, hấp 3-5g/ngày và ăn. Chỉ ăn sâm khoảng 20 ngày rồi dừng 2 tuần rồi mới ăn tiếp. Nếu ai không sợ vị ngái thì có thể ngậm trực tiếp.

Theo BS Lê Hùng, dùng nhân sâm không đúng cách sẽ vô tác dụng, thậm chí không tốt cho cơ thể. Bạn cần lưu ý khi dùng nhân sâm là không được dùng đồ kim loại để nấu (kim loại hòa tan với nhân sâm thành một loại độc dược, hoặc triệt tiêu chất bổ của nhân sâm). Không uống trà chung với nhân sâm vì trà sẽ vô hiệu hoá bổ dưỡng của nhân sâm (nếu muốn có thể uống 2 thứ cách nhau 2-3 giờ). Không nên cho nhân sâm là thuốc bổ mà dùng quá nhiều.

Dùng nhân sâm làm quà biếu cho người cao tuổi rất phù hợp với dịp Tết cổ truyền
Dùng nhân sâm làm quà biếu cho người cao tuổi rất phù hợp với dịp Tết cổ truyền.

BS Lê Hùng cho biết, người bị thường phong, cảm mạo, phát sốt, viêm dạ dày, viêm ruột cấp tính, nôn mửa, đau bụng, đi ngoài, viêm loét dạ dày cấp tính, xuất huyết... không nên dùng nhân sâm vì ảnh hưởng đến hiệu quả trị liệu, kéo dài và làm nặng bệnh tình.

Những người bị bệnh gan mật cấp tính, giãn phế quản, bị lao, ho ra máu cũng không nên uống vì sâm có thể làm bệnh tình trầm trọng thêm. Những người cao huyết áp với các chứng: Đầu váng mắt mờ, mắt đỏ tai ù, nôn nóng hấp tấp, cuống cuồng, dễ nổi nóng, mạch huyền, đó là can dương lên cao, can hoả viêm tấy lên. Nhân sâm có thể làm nặng thêm triệu chứng can dương can hoả, người cao huyết áp nói chung không nên uống.

Thanh niên hay bị di tinh, bị xuất tinh sớm cũng không nên dùng vì sẽ nặng thêm. Những người có bệnh về hệ thống miễn dịch như: Ban đỏ, mụn nhọt, viêm khớp loại phong thấp, bệnh da cứng không nên dùng.

Phụ nữ ở thời kỳ mang thai cũng không dùng vì sẽ rất bất lợi cho thai nhi, có thể dẫn tới khó sinh. Trẻ dưới 14 tuổi cũng không nên dùng vì nhân sâm có thể thúc đẩy sự phát dục - điều rất nên tránh đối với trẻ nhỏ. Những trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 năm càng cần kỵ uống nhân sâm. Thanh niên cũng không nên uống nó nếu không có chỉ định của bác sĩ Đông y.

Cẩn thận với sâm rởm

Theo khảo sát của chúng tôi, sâm tươi Hàn Quốc xịn loại 3 củ/kg có giá khoảng 5.800.000đ. Loại 4 củ/kg khoảng 3.800.000đ, loại 6 củ/kg giá khoảng 2.490.000đ... Giá cao nên hay có của rởm, thường được làm từ đậu đũa dại, sâm đất, thương lục, niễng rừng, hoa sơn sâm (sâm đất), khéo tới mức người trong nghề cũng khó biết.

Thị trường sâm tươi nổi tiếng là hồng sâm, bạch sâm và Tây dương sâm. Bạch sâm màu trắng, rẻ hơn nhiều, không có "chân tay". Hồng sâm vàng hơn, tốt hơn, được dân trong nghề gọi là "sâm chính phủ" (là các sản phẩm do chính phủ Hàn Quốc quản lý sản xuất). Sâm này có đủ các loại: Củ khô, bột, trà, cao, viên... Tây Dương sâm nhập từ Mỹ, Canada, Pháp về, công dụng khá tốt nên cũng được ưa chuộng.

Theo Gia đình & Xã hội

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG