Người đàn ông Hà Nội bị khỉ cắn đứt toàn bộ gân cẳng tay

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhân nam bị khỉ nuôi tấn công.

Theo đó, chiều muộn ngày 4/8/2020, Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận bệnh nhân nam, 56 tuổi, trú tại Hà Nội, bị tổn thương nặng do khỉ tấn công. Bệnh nhân được chuyển đến từ Phòng khám Đa khoa Công ty CP Trung tâm Bác sỹ Gia đình Hà Nội.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ổn, tỉnh táo. Tuy nhiên, vết thương cổ tay phải phức tạp, đứt toàn bộ gân cơ cẳng tay trước, 2 động mạch quay và trụ cấp máu cho bàn tay, hệ thống dây thần kinh chi phối bàn tay. Ngoài ra còn nhiều tổn thương khác trên tay trái và chân.

Với tổn thương này, Các bác sỹ đánh giá cần được phẫu thuật kịp thời trong thời gian vàng cấp cứu (6-12h sau tai nạn) để phục hồi nuôi dưỡng cho bàn tay vì nếu để thiếu máu kéo dài sẽ dẫn hoại tử, nguy cơ phải cắt cụt bàn tay.

Bệnh nhân ngay lập tức được đưa lên phòng mổ. Bác sỹ Nguyễn Vũ Hoàng cùng ekip đã làm sạch tổn thương, khéo léo, tỉ mỉ sử dụng kỹ thuật Vi phẫu khâu nối lại mạch máu nuôi dưỡng cho bàn tay, khâu nối lại các dây thần kinh dưới kính hiển vi và nối lại hệ thống gân gấp. Việc xử lý tổn thương đã được làm một cach đầy đủ, đảm bảo phục hồi lại chức năng bàn tay sau này cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật thành công, kết thúc vào rạng sáng ngày hôm sau (5/7) sau hơn 7 tiếng phẫu thuật. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, tiên lượng khả năng hồi phục tốt. Dự kiến, vết thương phần mềm sẽ hồi phục trong khoảng 2 tuần tới. Gân sau nối sẽ tiếp tục được tập Phục hồi chức năng trong vòng 3 tháng tới để lấy lại chức năng gấp duỗi bình thường cho bệnh nhân.

Cách xử trí vết thương do bị động vật tấn công

Khi bị vật nuôi tấn công gây thương tích nặng, nạn nhân cần rửa kỹ vết thương bằng nước sạch và xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn như cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Những trường hợp tổn thương rộng quá nặng, bệnh nhân cần được vô cảm tại phòng mổ để đánh rửa sạch. Hạn chế làm dập vết thương và không nên khâu kín vết thương bẩn ngay thì đầu. Bệnh nhân sẽ được xử lí tùy theo cơ quan bị tổn thương theo từng chuyên khoa. Đồng thời sẽ cần tiêm phòng uống vấn, tư vấn tiêm phòng đại, sử dụng kháng sinh tránh nhiễm trùng.

Vì vậy, người bị súc vật cắn cần liên hệ và đến ngay cơ sở y tế gấn nhất để được sơ cứu, sau đó chuyển đến các cơ sở chuyên khoa phù hợp ( nếu cần).

MỚI - NÓNG