Người đi tập thể dục buổi sáng cẩn thận đột quỵ vì thời tiết “giở giăng giở đèn“

BS Bệnh viện E TƯ khám cho bệnh nhân đột quỵ
BS Bệnh viện E TƯ khám cho bệnh nhân đột quỵ
TPO - Thời tiết "giở giăng giở đèn" sáng lạnh, trưa nóng của miền Bắc những ngày giữa đông khiến khá nhiều người phát bệnh. Điều đặc biệt nguy hiểm là số lượng bệnh nhân đột quỵ tăng lên đột biến, trong đó có nhiều ca bệnh đột quỵ khi tập thể dục buổi sáng.

Theo thống kê của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E TƯ, chỉ trong 2 ngày nghỉ cuối tuần qua, các bác sĩ ở đây đã tiến hành cấp cứu thành công cho 8 bệnh nhân nhồi máu cơ tim và 3 bệnh nhân đặt máy tạo nhịp do rối loạn nhịp chậm BAV III.

 Cách đơn giản nhất là để nhận biết dấu hiệu của đột quỵ là yêu cầu người thân cười, nói, chào và quan sát. Hãy chú ý xem khuôn mặt người đó có bị mất cân đối không? Có tay bên nào bị yếu, liệt bằng cách bảo người đó giơ tay lên. Giọng nói của họ có thay đổi không, bảo người đó lặp lại những từ đơn giản. Nếu thấy có những dấu hiệu bất thường trên thì nghi ngờ đến 90% là đột quỵ cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để được nhân viên y tế hỗ trợ đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E trong những ngày qua, thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm là nguyên nhân chính của số lượng bệnh nhân gia tăng tại các bệnh viện.

Những người dễ bị đột quỵ "hỏi thăm"

GS Thành khuyến cáo những người mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường..., khi có các biểu hiện triệu chứng như: đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi, đau lan lên vai, cổ, hàm, hoặc lan dọc theo cánh tay, đặc biệt là tay trái… cần được đưa đi cấp cứu tại các bệnh viện có chuyên khoa can thiệp tim mạch để được chẩn đoán và điều trị nhanh nhất, hạn chế nguy cơ tử vong.

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân là người trẻ do bị tai biến, có thể họ mắc bệnh lý dị dạng mạch máu, khi gặp yếu tố thời tiết tác động gây hiện tượng co mạch làm tai biến.

Nhóm thứ hai là các bệnh nhân đã được chẩn đoán đột quỵ lần 1, nguy cơ tái phát lần 2 là rất cao. Tỉ lệ đột quỵ tái phát trong 5 năm đầu tiên là 25%, tức là cứ 100 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ sẽ có 25 trường hợp tái phát sau đó, do đó phải chú ý điều trị tích cực để phòng ngừa.

Đối tượng này cần quan sát chặt chẽ, khám định kỳ điều trị các yếu tố nguy cơ, thay đổi lối sống, có chế độ ăn thích hợp và cần vận động hàng ngày mỗi ngày 30-45 phút.  

Đáng nói, nhiều người chủ quan vì các dấu hiệu đột quỵ, chỉ nghĩ đơn giản trúng gió, nghỉ ngơi, hoặc cạo gió là khỏi. Trong khi đó, theo GS. Thành khi bị đột quỵ, người bệnh sẽ xuất hiện một trong các dấu hiệu như: Đột ngột yếu, liệt, tê bì tay, chân hoặc đột ngột khó nói, bất thường về giọng nói, hoặc không nói được. Cũng có những bệnh nhân bỗng nhiên mất thị lực, hoặc nhìn mờ có thể một hoặc hai mắt. Ngoài ra, bệnh nhân có thể chóng mặt, thường kèm theo mất thăng bằng, mất phối hợp động tác…

Cần tránh lạnh đột ngột khi ra khỏi nhà vào sáng sớm và buổi tối

Thời tiết lạnh là yếu tố nguy cơ cực cao với các bệnh nhân đã có tiền sử bệnh cao huyết áp, tiền sử tai biến mạch máu não. Đặc biệt đối với những người có thói quen dậy sớm tập thể dục hay đi bộ vào buổi tối muộn cần phải hết sức lưu tâm đến việc phòng chống nhiễm lạnh đột ngột.

Các bác sỹ lý giải “sự thay đổi nhiệt độ trong tích tắc khi mở cửa, gió lùa vào ngay lập tức có thể khiến cơ thể phản xạ, gây co mạch, huyết áp lên cao ngay lập tức khiến người bệnh lên cơn đột quỵ. Khi ngủ dậy cần ra khỏi giường một cách từ từ, ra khỏi chăn là phải khoác thêm áo ấm để sẵn trong giường; đi ra ngoài mở hé cửa để cơ thể tiếp xúc từ từ với cái lạnh; không nên dậy vào lúc 4-5 giờ sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng; không đi tiểu ngoài trời giá rét, người già có thể đi tiểu vào bô trong nhà để phòng nguy cơ tai biến.

Ở người trẻ tuổi nếu chưa có bệnh lý gì cũng cần khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì…

Những điều nên làm với bệnh nhân đột quỵ

Theo GS Thành, thời gian vàng để điều trị đột quỵ là trong vòng ít nhất 4 - 5 giờ đầu. Vì thế không được trì hoãn gọi xe cấp cứu, không nên vội vã sử dụng xe máy để chở người bệnh vì gió lạnh có thể khiến tình trạng đột quỵ càng trở nên nặng nề.

Tốt nhất trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu, hãy đặt bệnh nhân ở tư thế nằm trong phòng ấm, kín gió, gối đầu hơi cao. Tiếp đến cần nới rộng quần áo người bệnh và quan sát nhịp thở của bệnh nhân. Nếu thấy bệnh nhân ngừng tim thì phải cấp cứu ngừng tuần hoàn, kêu gọi sự hỗ trợ của người xung quanh.

Trong trường hợp người bệnh kèm theo nôn, thì cần nghiêng người bệnh sang một bên, tránh nguy cơ sặc chất nôn khi nằm ngửa.

Còn nếu bệnh nhân lên cơn co giật, để tránh người bệnh cắn vào lưỡi, hãy dùng các dụng cụ tại nhà như đũa, thìa quấn vải đặt ngang miệng bệnh nhân.

Trong lúc cấp cứu, tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn, uống dễ gây sặc.

Với bệnh nhân đột quỵ, thời gian là vàng nên khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có khả năng điều trị chuyên sâu trong vòng ít nhất 4 - 5 giờ đầu, cùng lắm là trong 6 giờ đầu để được điều trị tối ưu.

Tuy nhiên trên thực tế, có không ít gia đình do chủ quan, thiếu hiểu biết đã không đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu nhanh chóng lại để bệnh nhân ở nhà, dùng các thuốc không rõ nguồn gốc, sử dụng phương pháp truyền miệng không đúng, vài ngày sau mới đưa đi cấp cứu thì lúc đó đã muộn. Thậm chí có trường hợp cho bệnh nhân đột quỵ ăn uống, nhét thuốc vào miệng khiến họ sặc, đến khoa cấp cứu thường có tình trạng là suy hô hấp do viêm phổi, nhiều trường hợp ngừng tim trước khi đến bệnh viện.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.