Người lớn có cần tẩy giun?

Người lớn có cần tẩy giun?
Thưa bác sĩ, em thấy trẻ em thường hay tẩy giun nhưng người lớn thì rất ít khi tẩy giun. Có nhiều người 10-20 năm cũng không tẩy giun. Vậy xin hỏi bác sĩ người lớn có cần tẩy giun không?

Tất cả mọi người trẻ em cũng như người lớn đều có thể nhiễm giun và tác hại do giun gây ra là như nhau. Giun sống trong ruột, tiết ra chất độc, chiếm lấy thức ăn, hút chất dinh dưỡng, vitamin, protein, chất sắt… , gây nên tình trạng choáng váng, mệt mỏi, kém ăn, suy dinh dưỡng… Đối với loại giun đũa có thể gây nên tắc ruột, lồng ruột, thủng ruột và có thể dẫn đến giun chui ống mật. Giun móc có thể gây thiếu máu, suy tim, mề đay… Hoặc giun tóc thường gây tổn thương niêm mạc ruột, rối loạn tiêu hóa, thiếu hụt vitamin, thiếu máu... Phụ nữ mang thai mà nhiễm giun nặng có thể bị thiếu máu, thiếu chất, dẫn đến nguy cơ sẩy thai. 

Trẻ em nhiễm giun nặng thường gầy ốm, suy dinh dưỡng, rối loạn thần kinh, chậm phát triển trí tuệ. Do đó, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng cần phải tẩy giun định kỳ để bảo vệ sức khỏe. Nên tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần. Nên tập thói quen tẩy giun định kỳ cho cả gia đình ít nhất 6 tháng/lần vào cùng một thời điểm để đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, đối với các vùng dịch tễ cao có thể tẩy giun 3 lần/năm. Thông thường, trẻ 24 tháng tuổi trở lên là nên cho uống thuốc tẩy giun.

Khi sử dụng thuốc tẩy giun phải theo chỉ định của bác sĩ. Tốt nhất khi đến định kỳ tẩy giun, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để bác sĩ khám và chỉ định loại thuốc, liều thuốc, thời điểm uống cho phù hợp. Trước đây, người ta thường nhịn đói để uống thuốc, nhưng với một số thuốc tẩy sán thì nhịn đói uống có thể tăng tác dụng, còn với những thuốc tẩy giun thông thường tốt nhất nên uống sau khi ăn. Sau khi dùng thuốc trẻ có thể bị đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua. 

Những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi. Một số ít trẻ có các triệu chứng dị ứng, phát ban, nổi mề đay. Khi đó cần đưa trẻ đi khám để được các bác sĩ tư vấn và có hướng xử lý phù hợp. Người đang bị sốt, bị viêm họng, viêm gan, viêm thận, bệnh cấp và mãn tính thì không nên dùng thuốc tẩy giun. Phụ nữ có thai cũng không nên dùng thuốc tẩy giun.       

Bên cạnh việc dùng thuốc tẩy giun đúng cách cần tạo thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thực hiện đúng quy trình làm sạch thực phẩm trong quá trình chế biến; rau quả cần được ngâm với nước muỗi loãng; đồ ăn phải được nấu chín để hạn chế mầm bệnh, đảm bảo sức khỏe cho bản thân.

Theo Theo An ninh thủ đô
MỚI - NÓNG