Người trọn đời nghiên cứu vắc-xin

Lãnh đạo nhà nước thăm phòng thí nghiệm
Lãnh đạo nhà nước thăm phòng thí nghiệm
TP - Cuối dãy hành lang khu nghiên cứu vắc-xin của Cty Vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế) có một căn phòng nhỏ, tôi biết phía trong đó là một người đã làm nên kỳ tích cho y học nước nhà. Nhưng rồi khi đối diện với nhân vật của mình, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi ở cái tuổi gần 80 bà vẫn minh mẫn nghiên cứu những chồng tài liệu dày cộp và trên môi luôn thường trực nụ cười khi trò chuyện.  

Những tháng năm khốc liệt 

Quá khứ như những thước phim quay chậm dần dần hiện ra qua lời tự sự của bà. Tôi dễ dàng hình dung ra hình ảnh năm 1963, cô sinh viên Huỳnh Phương Liên vừa học hết năm thứ 3 trường Đại học Y Hà Nội xung phong đi vào chiến trường B khốc liệt, bởi lúc đó đất nước cần những nhà khoa học tham gia chống “chiến tranh vi trùng” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hơn 2 tháng rưỡi vượt Trường Sơn, với bao gian khổ của những ngày hành quân nhưng chưa phút giây nào cô gái nhỏ nhắn ấy nao lòng, trong tâm trí cô chỉ tồn tại suy nghĩ mong sớm được vào đến trạm tập kết để nhận công tác.

Dẫu đã mường tượng ra những khó khăn mà chiến tranh mang lại nhưng ngày hồi hộp và vui mừng nhận công tác tại K15 (thuộc Ban Dân y Khu V tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), cô không khỏi ngỡ ngàng khi được dẫn đến căn nhà lá không thể đơn sơ hơn, nằm giữa khu rừng sâu heo hút, tịnh không thấy bóng người. Cán bộ giao liên giới thiệu đó là cơ quan của cô. Thì ra trước đó, một trận bom Mỹ đã phá sạch khu vực làm việc của các nhà khoa học. Sau này khi ở rừng một thời gian, Liên thấm cảnh chuyển cơ quan liên tục và coi đó là việc bình thường. Cùng với những đồng nghiệp, cô gái trẻ tự tay chặt tre, vác nứa, cắt lá cọ dựng nhà, tự thiết kế phòng thí nghiệm. 

Mãi trong ký ức của bà không bao giờ quên một ngày hè năm 1969, khi đang cùng mọi người cõng gạo về thì cả đoàn gặp máy bay địch đang hạ thấp độ cao rải chất độc hóa học lên nhà cửa, nương rẫy, khe suối. Thủ trưởng phát lệnh “cứu sắn”, ngay lập tức tất cả đoàn lao vào rẫy nơi những cây sắn đã rũ lá, họ vội vã nhổ củ trước khi nó ngấm hóa chất, mang về làm lương thực dự trữ. Chừng chục ngày sau, khi rừng rụng hết lá, máy bay Mỹ lại đến rải bom tọa độ. Thêm một lần nữa, cơ quan lại phải chuyển địa điểm và dựng lại phòng thí nghiệm, nghiên cứu để sản xuất vắc-xin tả, thương hàn và đậu mùa.

Hồi ấy dù các trang thiết bị như tủ cấy vi khuẩn vô trùng, lò sấy ướt, cân hóa chất, kính hiển vi... được vận chuyển từ miền Bắc vào nhưng vẫn không thấm vào đâu so với khối lượng công việc các cán bộ y tế làm. Không đủ thiết bị, họ phải dùng đèn dầu hỏa để chạy tủ ấm nuôi cấy vi sinh. Cái khó là làm sao điều chỉnh đúng nhiệt độ để vi khuẩn phát triển... Liên được phân công phụ trách chuyên môn của cơ quan. Với bao nỗ lực ngày đêm, bác sĩ trẻ Huỳnh Phương Liên đã thành công trong nghiên cứu và sản xuất vắc-xin tả, thương hàn, đậu mùa. Những vắc-xin này được đóng vào ống, dán nhãn kiểm định chất lượng chuyển ra chiến trường giúp các chiến sĩ có thêm sức khỏe để đánh giặc, giúp những người dân chống lại dịch bệnh để làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. 

Ngày vác ba lô vào chiến trường B, Liên là cô gái da trắng, tóc dài đen nhánh với nụ cười tỏa nắng. Nhưng 6 năm ăn dầm ở dề nơi rừng sâu núi thẳm, làm bạn với những cơn đói, những trận sốt rét ác tính, Liên như trở thành người khác với chỉ 31kg và nước da nhợt nhạt. Thứ có lẽ duy nhất không tệ đi chính là tình yêu của cô với công việc. Sức khỏe sa sút, Liên nhận lệnh ra Bắc chữa bệnh. Suốt 75 ngày vượt Trường Sơn ra Bắc, không ít lần cô nuối tiếc quãng thời gian được sống trong chiến khu. Nhưng cô hiểu, phía trước có một cuộc chiến mới đang đợi mình...

Người sản xuất vắc-xin cho đất nước

Người trọn đời nghiên cứu vắc-xin ảnh 1 GS.TS Huỳnh Phương Liên nghiên cứu khoa học khi còn trẻ

Sau khi hồi phục sức khỏe, Huỳnh Phương Liên được Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cử đi học nâng cao kiến thức ở Cộng hòa Dân chủ Đức để tiếp cận công nghệ mới sản xuất vắc-xin. Ngày về Việt Nam, chứng kiến những đứa trẻ ốm yếu, thậm chí mất mạng vì dịch bệnh, bà không khỏi xót xa. Suốt gần 20 mươi năm sau đó, công việc của bà gắn với phòng thì nghiệm để nghiên cứu về virus viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, sởi, rubella, cúm... 

Bà sẽ mãi là cán bộ mẫn cán và nhiệt huyết của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư như thế nếu không có công trình nghiên cứu vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản (VNNB) chính thức được công nhận và đưa vào sản xuất đại trà năm 1992. Đó được coi là công trình để đời của bà, đưa tên tuổi GS.TS Thầy thuốc Nhân dân Huỳnh Phương Liên vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.

Để rồi sau này có hàng triệu liều vắc-xin VNNB được bà nghiên cứu, chế tạo thành công xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Nhưng hơn cả, những lọ vắc-xin nhỏ bé nhưng có giá trị lớn lao khi giúp cho hàng chục triệu trẻ em Việt Nam và những nước khác thoát khỏi căn bệnh VNNB với những biến chứng nặng nề, thậm chí phải sống thực vật suốt đời. Cũng nhờ thành tựu của bà, Việt Nam đã đẩy lùi bệnh VNNB, tỷ lệ mắc bệnh hiện chỉ còn 5 - 10%.

Nhớ lại khoảng thời gian sang Nhật Bản tiếp nhận công nghệ mới cùng 1 nữ đồng nghiệp, bà chia sẻ: “Hai chị em chỉ có 1 tháng ở Nhật vì WHO muốn mình thâm nhập nắm sơ qua tình hình. Nhưng lúc bấy giờ cấp bách quá phải làm ngay. Họ nghĩ chúng tôi đi cưỡi ngựa xem hoa, nhưng tôi nghĩ khác và làm khác. Những cuốn tài liệu chuyển giao công nghệ họ cho mình, trong đó là quy trình từ đầu đến cuối nhưng nếu chỉ nhìn vào đó thì không thể làm được. Vì thế khi họ đưa mình đi tôi ghi chép rất tỉ mỉ những lời chuyên gia Nhật nói vào bên cạnh những minh họa của cuốn tài liệu. Chỉ nhìn vào tư liệu thì không có những thông tin đó.

Trong 1 tháng tôi nghiên cứu xong. Bốn loạt đầu là thử nghiệm đến loạt 5 thì có GS Suzuki người Nhật Bản là trưởng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại khu vực châu Á Thái Bình Dương sang làm việc. Một giáo sư ngỏ ý được gửi loạt vắc-xin thứ 4 và 5 sang Nhật kiểm nghiệm. Sau 3 tháng GS.TS Hoàng Thủy Nguyên (nguyên Viện trưởng Viện Dịch tễ T.Ư) nhận được thư chúc mừng vì vắc-xin của Việt Nam sản xuất đã đạt 10 tiêu chuẩn của Nhật Bản. Làm xong đáp ứng kháng thể 100%, an toàn rất tốt so với vắc-xin Nhật khiến người Nhật cũng bất ngờ và chúc mừng vì không ngờ Việt Nam làm được như thế. Tôi sung sướng lắm”. Bà nở nụ cười phúc hậu khi nhớ về cuộc đời đã cống hiến cho khoa học. 

Trước khuyến cáo của WHO thời gian tới, các nước cần chuyển sản xuất vắc-xin VNNB từ não chuột sang vắc-xin VNNB bất hoạt trên tế bào vero, bà đã đi tắt đón đầu, sau 5 năm đã nghiên cứu thành công. Và giờ đây, những thế hệ đồng nghiệp sau bà vẫn thấy ngày ngày, dù mưa hay nắng, GS.TS Huỳnh Phương Liên dẫu tóc đã bạc, da đã đồi mồi vẫn miệt mài đến căn phòng làm việc trên gác 2. Nơi đó, bà vẫn đang tiếp tục dự án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc-xin VNNB trên tế bào Vero”, dự kiến hoàn thành trong năm 2019. 

Hỏi bà đâu là động lực để bà làm việc đến tuổi này, người phụ nữ đã dành cả đời gắn bó với phòng thí nghiệm khẽ nghẹn lời: “Vì các anh, những người đã ngã xuống nơi chiến trường năm xưa và những thế hệ tương lai...”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.