Nguy cơ ung thư từ tử cung lên… miệng “đối tác”

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ai cũng biết, HPV (HumanPapillomaVirus) là virus được xác nhận là nguyên nhân hàng đầu của ung thư cổ tử cung (UTCTC) với tỷ lệ 99,7% các trường hợp mắc ung thư này đều có sự hiện diện của nhóm HPV nguy cơ cao. Virus chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, kể cả hình thức “handjob” hoặc nhất là “blowjob”.

Đàn ông mắc virus gây ung thư… cổ tử cung?

Theo Hội Y học dự phòng Việt Nam, mỗi năm trên thế giới có khoảng 490.000 phụ nữ mắc UTCTC, với số tử vong lên đến 270.000 trường hợp. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5.300 ca mắc và 2.500 ca tử vong mỗi năm do căn bệnh này.

Bác sĩ Lê Thị Kiều Dung - khoa sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, virus HPV chỉ đặc biệt gây bệnh trên biểu mô da và màng nhầy ở người. Cho đến nay, có hơn 100 type đã được xác định, trong đó có 30-40 type thuộc vùng hậu môn, sinh dục. Tùy vào khả năng gây ung thư hay không, mà người ta chia các type HPV ra làm 2 nhóm. Nhóm một là HPV nguy cơ thấp, chỉ gây mụn cóc ở tay chân, mồng gà ở vùng hậu môn, sinh dục, u nhú đường hô hấp hay tăng sản biểu mô khoang miệng. Nhóm còn lại là HPV nguy cơ cao, có khoảng 15 type, gây UTCTC.

HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, kể cả tiếp xúc tay với bộ phận sinh dục (handjob), nhất là quan hệ tình dục đường miệng (blowjob). Như đã nói, vị trí HPV xâm nhập và khu trú đầu tiên là vùng thượng bì, chủ yếu ở lớp biểu mô da và niêm mạc, là những vùng niêm mạc ẩm ướt, nhầy. Tỷ lệ trung bình lây truyền HPV giữa nam và nữ qua giao hợp là 40%. Theo số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), ít nhất 50% dân số có hoạt động tình dục sẽ có nguy cơ bị nhiễm HPV nguy cơ cao vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Trong 10 năm đầu tiên sau giao hợp, tần suất lưu hành bệnh gần 25% và nguy cơ nhiễm HPV trong suốt cuộc đời có thể lên tới 80%.

Như thế, theo bác sĩ Dung, câu hỏi thường gặp đó là HPV có ở nam giới không đã rõ như ban ngày. “HPV chủ yếu lây qua đường tình dục thông qua các vết trầy xước hoặc vết loét vi thể trên biểu mô. Vì vậy các đối tượng có quan hệ tình dục không an toàn dễ có nguy cơ nhiễm HPV và nam giới cũng có nguy cơ bị nhiễm HPV tương tự như nữ giới”, bác sĩ Dung nói. Cũng như ở nữ, nam giới nhiễm các type HPV nguy cơ thấp sẽ bị mụn cóc hoặc mồng gà ở dương vật, hậu môn… Nếu nhiễm HPV nguy cơ cao sẽ bị ung thư dương vật, hậu môn, hầu họng - thanh quản…

Đáng lưu ý là HPV rất đề kháng với nhiệt và khi bị làm khô. Do đó, theo bác sĩ Dung, virus này còn có những đường lây truyền không qua tình dục như qua các dụng cụ cắt móng tay chân, kềm bấm sinh thiết, đồ lót… Vì vậy bao cao su cũng không bảo vệ 100% vì còn tiếp xúc da ở vùng âm hộ, hậu môn. Đặc biệt, HPV có thể lây truyền dọc từ mẹ sang con trong lúc sanh gây ra đa bướu gai đường hô hấp.

Nguy cơ ung thư từ tử cung lên… miệng “đối tác” ảnh 1 Chích ngừa virus HPV vẫn là giải pháp hiệu quả để ngừa ung thư cổ tử cung.

Ngừa HPV vẫn là một giải pháp hiệu quả

Bác sĩ Dung cho biết, nhiễm HPV nhóm nguy cơ cao lại thường không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, chỉ phát hiện nhờ vào xét nghiệm tìm HPV. Chưa có thuốc đặc hiệu để diệt virus HPV. Khả năng “sạch nhiễm” tự nhiên là 80% sau 6-8 tháng, có 20% nhiễm kéo dài. Và nguy cơ ung thư xảy ra ở các trường hợp nhiễm kéo dài hoặc tái nhiễm nhiều lần. Vì vậy để ngăn ngừa tái nhiễm, cũng như phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm UTCTC, giải pháp ưu tiên là chích ngừa HPV.

Về hiệu quả, vaccine kích thích sản xuất kháng thể đặc hiệu để phòng ngừa các type HPV đặc hiệu có trong vaccine. Các thử nghiệm lâm sàng trên vaccine tứ giá cho thấy phòng ngừa được 91% nhiễm mới và 100% nhiễm kéo dài. Thử nghiệm Future I-II sau tiêm ngừa 10 năm cũng trên vaccine tứ giá cho thấy có hiệu quả 99% để phòng ngừa tân sinh trong biểu mô cổ tử cung mức độ 2 và 3 (CIN 2 và CIN 3) gây ra bởi HPV 16 hoặc 18 ở phụ nữ không bị nhiễm 2 types HPV này trước khi chích ngừa. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ đạt 44% ở phụ nữ đã bị nhiễm trước khi chích ngừa. Thử nghiệm Patricia trên vaccine nhị giá cũng cho kết quả tương tự.

Hiện nay, vaccine HPV chỉ được chỉ định cho phòng ngừa. Tuy nhiên, nguyên tắc sử dụng sẽ tiếp tục thay đổi tùy theo nhóm tuổi, giới tính và chỉ định điều trị. Sự phát triển của các loại vaccine mới cũng có thể mở rộng phạm vi cho điều trị HPV.

Về tính an toàn, cho tới nay, sau hơn 10 năm lưu hành, đã có hơn 80 triệu liều vaccine HPV được chích tại Hoa Kỳ. Vaccine HPV tứ giá đã được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt với 29.000 nam và 15.000 nữ tham gia. Và hơn 15.000 người đã tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho vaccine HPV 9 giá. Tác dụng phụ được ghi nhận chỉ là đau, đỏ và sưng ở cánh tay nơi chích. Những tác dụng phụ khác bao gồm ngất xỉu, chóng mặt, sốt, nhức đầu và nôn ói. Sau 10 năm theo dõi, HPV được ghi nhận an toàn bởi các cơ quan uy tín của Mỹ, gồm CDC và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Ngoài chích ngừa, cách để phòng ngừa HPV tốt hơn chính là quan hệ tình dục an toàn. Bên cạnh đó, cần khám định kỳ, tầm soát  phát hiện và điều trị kịp thời các tổn thương tiền ung thư.

MỚI - NÓNG