Nguy hại khôn lường do thừa vitamin

Chúng ta đều biết vitamin không sinh ra năng lượng cho cơ thể, song lại là yếu tố có vai trò vô cùng quan trọng giúp cho hoạt động sống của cơ thể, là chất xúc tác giúp thực hiện các phản ứng sinh học xảy ra trong cơ thể.

Chúng ta đều biết vitamin không sinh ra năng lượng cho cơ thể, song lại là yếu tố có vai trò vô cùng quan trọng giúp cho hoạt động sống của cơ thể, là chất xúc tác giúp thực hiện các phản ứng sinh học xảy ra trong cơ thể. Bởi vậy cơ thể không thể thiếu vitamin. Nhưng nếu lạm dụng vitamin sẽ gây nên nhiều bất lợi cho sức khỏe, làm phát sinh bệnh do dư thừa các vitamin.

Không phải tất cả mọi người đều có nhu cầu bổ sung vitamin là thuốc tân dược, bởi vì trong các bữa ăn hàng ngày chúng ta đều ăn các thực phẩm đã có đầy đủ các vitamin trong các khẩu phần ăn, do vậy khi vào cơ thể sẽ được tiêu hóa và hấp thu tại ruột thì nhu cầu bổ sung vitamin là không cần thiết. Do vậy chỉ các trường hợp mắc bệnh chứng tại đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, làm cho khả năng hấp thu tại ống tiêu hóa bị hạn chế hay không thực hiện được. Cũng có thể gặp trong những trường hợp bị rối loạn hấp thu hay nhu cầu cơ thể tăng trong phụ nữ có thai, sau đợt bệnh kéo dài, nhiễm khuẩn hoặc các trường hợp đặc biệt như ăn kiêng khem theo chế độ bệnh lý lâu ngày, khẩu phần ăn đơn điệu không đa dạng thực phẩm, nghiện rượu, sinh sống lâu ngày tại các vùng núi đá nơi có hoàn cảnh khắc nghiệt như cán bộ địa chất, đi biển lâu ngày... mới cần bổ sung vitamin.

Nhưng mỗi khi không có nhận thức như vừa nói trên nhiều người đã lạm dụng vitamin do uống thuốc bổ sung quá liều kéo dài, không tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc, hay tự ý mua để sử dụng cho bản thân và gia đình có thể dẫn tới ngộ độc, nhất là trẻ em.

Thừa vitamin A: Chúng ta đã biết vitamin A có tác dụng trong tạo sắc tố thị giác, tạo da, niêm mạc, tăng sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn. Nhưng khi thừa vitamin A do uống dầu cá hay các chế phẩm đa vitamin và khoáng chất, hay gặp ở trẻ nhỏ do bố mẹ ép uống có thể gây phồng thóp, co giật, tăng áp lực nội sọ. Ngay cả người lớn và trẻ lớn khi dùng quá nhiều cũng gây nên khô da, nứt môi, viêm răng lợi, đau khớp, đau xương, rụng lông tóc... phụ nữ đang mang thai nếu lạm dụng cũng có thể gây ra quái thai. Ngoài ra, còn gây sưng gan lách, thiếu máu nhược sắc, chán ăn, mẩn ngứa, to đầu, chóng mặt, buồn nôn... Ngoài ra, lượng vitamin A tăng cao trong cơ thể sẽ gây ảnh hưởng đến gan, làm mỏng xương, khiến tăng rủi ro bị khuyết tật khi sinh. Do vậy khi cần sử dụng, mỗi ngày với trẻ em chỉ liều 20.000UI, người lớn liều 100.000UI, mỗi đợt chỉ kéo dài từ 1 - 2 tháng, sau 4 - 5 tháng mới tiếp tục đợt khác.

Thừa vitamin B6: Là loại vitamin quan trọng vì nó tham gia trong quá trình chuyển hóa đạm, lipid và làm giảm cholesterol máu, cũng như vitamin B2 và vitamin PP tham gia trong quá trình ôxy hóa khử của cơ thể. Vitamin B6 còn giúp đề phòng biến chứng trong khi điều trị bằng kháng sinh và sulfamid. Tuy nhiên mỗi khi lạm dụng vitamin B6 gây dư thừa có thể gây rối loạn thần kinh cảm giác. Liều sử dụng thông thường cho mỗi ngày từ 50 - 100mg. Từng đợt là 15 - 20 ngày.

Thừa vitamin B12: Vitamin B12 điều hòa chuyển hóa đạm, tăng cường tạo hồng cầu, làm hạ tỷ lệ cholesterol. Ngoài ra còn tác dụng chống dị ứng, giảm đau. Thiếu B12 và acid folic làm tổn thương đến sự tổng hợp acid nucleic, ảnh hưởng tới chức phận tạo máu và hệ thần kinh. Nhưng khi lạm dụng gây dư thừa vitamin B12 có thể gây tăng sản tuyến giáp, làm tăng hồng cầu quá mức, bệnh cơ tim... Có khi xảy ra tác dụng thứ phát gây nôn nao, choáng váng, nổi mày đay. Đối với người cảm ứng coban có thể gây dị ứng. Liều trung bình là từ 100 - 500mcg mỗi ngày. Sử dụng liều cao cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Thừa vitamin D: Vitamin D có vai trò tham gia chuyển hóa và hấp thu calci dưới dạng phosphat tại ruột. Calci đọng ở xương răng làm cho răng, xương được cứng chắc. Ngoài nguồn vitamin D hấp thu được từ thực phẩm, vitamin D còn có nguồn được tạo ra nhờ tác dụng của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời mà ergosterin chuyển thành vitamin D2 dưới da. Đặc biệt hơn với nhiều kết quả nghiên cứu gần đây (trên tạp chí Reuters Health) cho thấy vitamin D đạt ngưỡng từ 22 nanogram/ml máu trở lên tới ngưỡng 32 nanogram/ml trong máu sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú, ung thư kết tràng và ung thư buồng trứng nhờ khả năng chống ôxy hóa mạnh.

Vậy về mùa đông do thiếu ánh nắng mặt trời đã làm cho giảm khả năng tổng hợp vitamin D trên da, khiến tác dụng ngăn cản các tế bào ung thư phát triển bị thoái giảm. Do vậy mùa đông khi lượng vitamin D trong máu là 15 - 18 nanogram/ml cần được bổ sung thêm thông qua con đường ăn uống hay uống bổ sung vitamin D. Với người lớn liều không quá 2.000 UI mỗi ngày. Với trẻ nhỏ khỏe mạnh dưới 1 tuổi đã cho ăn các hỗn hợp thay thế sữa mẹ, việc bổ sung vitamin D cũng không quá 400UI/ ngày. Nếu như lạm dụng vitamin D sẽ gây ra ngộ độc cho cơ thể, làm tăng hàm lượng calci trong máu, phát sinh hiện tượng buồn nôn, giảm cân, mệt mỏi, suy thận đọng calci ở thận, dẫn tới tử vong. Ngoài ra, thừa vitamin D còn gây ra tỷ lệ phospho máu giảm, kết hợp tăng calci máu gây nôn, chán ăn, tiêu chảy, đau các khớp, sốt cao, chảy máu võng mạc, rối loạn tâm thần, co giật dạng động kinh.

Thừa vitamin C: Là loại vitamin có khả năng chống ôxy hóa rất cao nên có thể chống các phần tử tự do, giúp phòng chống ung thư. Ngoài ra, còn làm tăng sức đề kháng, làm tăng tác dụng của histaminaza (có tác dụng kháng histamine rõ rệt), làm trơn thành mạch, làm đẹp da... chính vậy mà vitamin C đã bị lạm dụng thông qua con đường tiêm tĩnh mạch với liều cao thường xuyên nên đã gây ra những tác hại nguy hiểm như sỏi thận, làm toan máu, tiêu chảy hay viêm loét đường tiêu hóa, viêm đường tiết niệu, giảm sức bền hồng cầu, giảm thời gian đông máu.

Theo Theo Sức khỏe đời sống
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.