Nguy hiểm lớn trong những vật dụng nhỏ ở nhà bếp

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Một miếng rửa bát, một cái tay nắm tủ lạnh… cũng có thể khiến cả gia đình bạn nhập viện.

Thớt

Nghiên cứu của GS.TS Vi sinh học Charles Gerba, Đại học Arizona, Mỹ cho thấy số vi khuẩn ở bề mặt thớt nhiều gấp 200 lần so với bồn cầu, tức là khoảng gần 4.000 vi khuẩn/1cm2. Thông thường, thớt được dùng để thái thịt tươi, đồ sống… nên nguy cơ lưu lại những vi khuẩn như salmonella và campylobacter rất cao (các vi khuẩn này gây tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm).

Ngoài ra, thớt ẩm ướt và những vết xước trên bề mặt thớt… là nơi cư trú của nhiều vi khuẩn và nấm mốc gây bệnh. Ngoài ra, việc dùng thớt lâu ngày sẽ xuất hiện các vụn gỗ, vụn nhựa (với thớt nhựa) trên bề mặt sẽ lẫn vào thức ăn và đi vào cơ thể, gây nguy hại cho cơ thể như những vết mẩn ngứa, tiêu chảy, khó thở, thậm chí là sốc phản vệ…

=> Bạn nên dùng 2 loại thớt riêng cho thực phẩm chín và thực phẩm sống, dùng xong cần rửa sạch, để nơi khô ráo. Nên thay thớt khoảng 6 tháng-1 năm/lần.

Dao

Nguy hiểm lớn trong những vật dụng nhỏ ở nhà bếp ảnh 1

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm an toàn thực phẩm tại Đại học Georgia, Mỹ cho thấy dao rất dễ bị nhiễm vi khuẩn khi tiếp xúc với rau củ rồi truyền sang vật dụng bên cạnh. Các virus được tìm thấy ở dao dễ có norovirus gây ngộ độc, tiêu chảy, nôn mửa.

=> Nên rửa dao ngay sau mỗi lần dùng. Cắm dao vào ống đựng và tránh để chúng lộn xộn với các loại dao, vật dụng khác.

Miếng rửa chén bát

Miếng rửa chén, bát được coi là ổ chứa hàng triệu vi trùng, bởi chúng thường không được rửa sạch và phơi khô, lại dính đầy thức ăn thừa. Sự nguy hiểm càng trở nên nghiêm trọng khi bạn dùng miếng rửa chén để lau rửa bề mặt bếp, bồn rửa và những vật dụng khác trong bếp. Các loại vi khuẩn thường gây ngộ độc như E.coli, salmonella có trong miếng rửa chén sẽ có điều kiện lan rộng ra và lây nhiễm vào đồ ăn, thức uống.

=> Sau khi rửa bát bạn nên giặt sạch và phơi khô. Nên thay miếng rửa bát hàng tháng.

Cần gạt nước

Nguy hiểm lớn trong những vật dụng nhỏ ở nhà bếp ảnh 2

Khi bạn chế biến các loại thức ăn sống đồng thời bạn lại dùng tay để mở vòi nước rửa tay, vi khuẩn từ đồ sống sẽ di chuyển sang vòi nước. Theo Hội đồng Vệ sinh Anh, cần gạt nước trong nhà bếp là nơi chứa khoảng 2.000 vi khuẩn/ 1cm2. Những vi khuẩn độc hại được phát hiện là E.coli, salmonella và campylobacter.

=> Bạn nên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy ít nhất 20 giây trong và sau khi làm bếp. Bạn cũng nên thường xuyên làm vệ sinh ở cần gạt nước này bằng chất tẩy rửa.

Khăn nhà bếp

Khăn nhà bếp, hay miếng lót nồi là nơi ẩn chứa các chủng nguy hiểm của E. coli và các vi khuẩn khác do bạn thường lau tay và các vật dụng trong nhà bếp. Bên cạnh đó, nếu bạn vô ý hoặc có thói quen để gần bếp ga thì nguy cơ cháy nổ rất dễ xảy ra, đặc biệt là khi khăn có dính dầu mỡ.

=> Giặt sạch khăn sau khi lau các vật dụng. Không để khăn ở gần nơi có ngọn lửa.

Tay nắm tủ lạnh

Nguy hiểm lớn trong những vật dụng nhỏ ở nhà bếp ảnh 3

Tay cầm tủ lạnh là nơi có nhiều người tiếp xúc nên lưu giữ nhiều vi khuẩn. Đồng thời, nhiều người vừa chạm vào thực phẩm sống lại chạm tay mở tủ lạnh khiến vi khuẩn lây lan. Những loại vi khuẩn tiêu biểu là trực khuẩn đường ruột samonelle và listeria.

=> Nên vệ sinh tủ lạnh 2 tuần 1 lần đồng thời thường xuyên lau tay cầm tủ lạnh. Để tách riêng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín.

Bồn rửa bát

Nghiên cứu của Hội đồng Vệ sinh (Anh) cho biết, số lượng vi khuẩn tại bồn rửa bát là hơn 77.000 con/ 1cm2. Trong đó, vi khuẩn E.coli còn nhiều hơn trong bồn cầu sau khi đã xả nước. Nguyên nhân do đây là nơi luôn ẩm ướt, cũng là nơi bạn rửa thức ăn sống trước khi chế biến, chúng còn là nơi chứa thức ăn thừa sau khi rửa bát…

=> Hãy vệ sinh bồn rửa ngay sau mỗi lần rửa thức ăn tươi sống và rửa bát.

Chảo chống dính

Nguy hiểm lớn trong những vật dụng nhỏ ở nhà bếp ảnh 4

Bề mặt của nhiều loại chảo chống dính có chứa 2 hợp chất PTFE và PFOA, có tên thương mại là Teflon, đây là một loại polime chịu nhiệt. Khi đun nấu ở nhiệt độ cao, Teflon sẽ sinh ra khói độc, gây ra các triệu chứng ho, tức ngực, khó thở… thậm chí có nguy cơ gây ung thư hoặc sảy thai.

=> Không nên thường xuyên dùng chảo chống dính để chiên rán. Khi chảo bị bong tróc thì nên bỏ.

Dây dẫn điện

Nhà bếp thường có nhiều dây dẫn, ổ điện. Chúng gắn với những thiết bị như lò vi ba, lò nướng, máy xay sinh tố, máy đánh trứng, tủ lạnh… Nếu bạn không sắp xếp hợp lý thì có thể gây ra vấp ngã, dây dẫn bị hở sẽ gây điện giật.

=> Thường xuyên kiểm tra để tránh dây dẫn điện không bị ẩm ướt và phát hiện tình trạng xây xước đứt gãy. Nên rút phích cắm điện sau mỗi lần dùng.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG