Đắk Lắk:

Nguy hiểm sinh tại nhà, cắt rốn bằng dao lam

TP - Gần 2 tháng đầu năm 2017, tỉnh Đắk Lắk đã có 4 trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván rốn do cắt dây rốn bằng dao lam, trong đó 2 trẻ đã tử vong, 2 trẻ còn lại trong tình trạng nguy kịch đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Bệnh nhân nhập viện gần đây là Y Đa Phúc Byă, sinh ngày 10/2/2017, trú buôn Ea M’tá, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kiun. Y Đa Phúc nhập viện lúc 13h ngày 19/2 trong tình trạng nguy kịch với triệu chứng sốt cao, co giật toàn thân, bỏ bú. Bệnh nhân được xác định là bị uốn ván rốn đã ủ bệnh trước đó 7 ngày. Y Đa Phúc đã được tiêm huyết thanh chống uốn ván, thuốc chống co giật và nằm cách ly trong lồng ấp. Hiện, tình trạng co giật đã giảm, nhưng phản xạ kém, dịch nhầy nâu nhiều, thở bằng ô xi phải nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn. Theo người nhà bệnh nhân, Y Đa Phúc được sinh tại nhà và người thân trong gia đình dùng dao lam cắt rốn nên đã dẫn đến việc trẻ bị nhiễm trùng uốn ván.

Giữa tháng 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cũng tiếp nhận bé trai sinh ngày 2/2/2017 là con của chị H’Ngọc Byă ở xã Yang Réh, huyện Krông Bông. Con của chị H’Ngọc được chẩn đoán bị uốn ván rốn, hiện đang điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và trẻ sơ sinh. Người nhà bệnh nhân cho biết: H’Ngọc sinh tại nhà, được một bà mụ trong buôn đỡ đẻ, cắt rốn bằng dao lam.

Hai trường hợp trẻ bị uốn ván rốn đã tử vong trước đó là con của chị H’Năm Bdap, buôn Rung, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana và con của chị H’Mươn Ea Nuôl, xã Cư Ea Bur, thành phố Buôn Ma Thuột.

Ngày 20/2/2017, Ths.Bs Lê Đình Nhân, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Trẻ sơ sinh cho biết: Từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận 4 ca trẻ sơ sinh bị uốn ván do sinh đẻ tại nhà, cắt rốn bằng dao lam. Các ca uốn ván rốn thường có tỷ lệ tử vong hơn 90%. Các trường hợp này đều là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, không tiêm phòng trong thời gian mang thai và sinh đẻ tại nhà dùng dao lam cắt rốn. Ngoài uốn ván rốn, sinh đẻ tại nhà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác như bé bị ngạt, nhiễm trùng, bà mẹ bị tai biến sản khoa.

Hiện, Đắk Lắk có khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không tiêm phòng uốn ván, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu có tập quán sinh đẻ ở nhà hoặc nương rẫy trong những điều kiện dễ bị nhiễm trùng uốn ván.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.