Nhà mất vui từ khi có tiền

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Chuyện xảy ra như vậy, nếu bạn kịp suy nghĩ ra một điều: Vì sao chồng làm chuyện không có gì là xấu mà phải giấu diếm mình, có lẽ mọi việc đã ít buồn hơn?

Vợ chồng tôi đã sống với nhau 24 năm, có 1 con chung 23 tuổi chưa có gia đình. Lúc trước gia đình tôi nghèo ( 2 vợ chồng là công chức nhà nước sống bằng lương). 

Nghèo nhưng gia đình rất hạnh phúc. Cách đây 13 năm chồng tôi trúng số độc đắc với số tiền lớn. Tôi đã giúp 2 bên nội, ngoại đầy đủ, nhưng bên chồng tôi đòi hỏi quá mức theo suy nghĩ của tôi. Chồng tôi lo đám cưới cho em, xây nhà cho em, lo làm mồ mả cho cha mẹ và lo bệnh chu đáo khi ba mẹ chồng tôi bệnh. Ngoài ra chồng tôi cho bạn bè mượn tiền và giúp đỡ bà con bên chồng cũng nhiều.

Nhưng theo tôi thấy bên chồng tôi có biểu hiện lợi dụng chồng tôi vì có chuyện gì cứ điện thoại cho chồng tôi để đáp ứng mà không cho tôi biết, sau này nghe nhiều người kể lại cho tôi biết là chuyện đã rồi. Từ đó tôi không còn tôn trọng bên chồng và chồng tôi nữa nên tôi không có về thăm bên chồng (bên chồng ở xa).

Hiện nay tôi và chồng xài tiền riêng vì tôi không còn tin tưởng chồng. Chuyện con tôi đều lo hết từ ăn uống đến học hành, giáo dục và xin việc làm. 4 tháng nay chồng tôi không nói chuyện với tôi với lý do không thích nói và cho rằng không còn phù hợp với tôi. Chúng tôi việc ai nấy làm nhưng vẫn ở chung một nhà. 

Chồng tôi sống với tâm trạng buồn và đang lo tính làm một việc gì đó. Tôi đã nói với chồng là anh có buồn bực gì thì nói để em sửa chữa nhưng chồng kiên quyết không nói. Tôi đã 52 tuổi rồi cũng không muốn ly hôn nhưng sống cảnh trầm lặng thế này cũng chán lắm. Xin cho tôi lời khuyên, xin cám ơn!

Nguyễn Thị Kim Thanh - nguyenthikimthanh@

Thật đáng buồn là tình trạng gia đình khi nghèo thì vui vẻ, hạnh phúc, đến chừng giàu lại xung đột mâu thuẫn giờ đây không phải là hiếm. Dường như khi vật chất ít ỏi, khó khăn, con người ta xích lại gần nhau, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. 

Đến khi đồng tiền dư dả, những tranh giành, mâu thuẫn quyền lợi bắt đầu xuất hiện. Cho đến khi chỉ vì đống tiền ấy mà mất hết tình nghĩa, gia đình phải chia lìa, người ta mới giật mình tiếc nuối mà nhận ra rằng thật ra đồng tiền đó không đáng để đánh đổi hạnh phúc. Và nhiều cái “giá như” trong cách cư xử của chính mình bắt đầu vang lên…

Với chuyện gia đình bạn, như người ta nói, trong cái rủi có cái may. Trong nhiều gia đình khi ông chồng bắt đầu có tiền, họ chơi bời, nhậu nhẹt thậm chí bao nhân tình, vợ lẽ. 

Còn chồng bạn thì sử dụng đồng tiền đó để giúp gia đình, anh em, cha mẹ, bà con, bạn bè. Đúng ra, nếu nghĩ xa hơn một chút, bạn phải mừng vì chồng mình không sinh tật xấu vì tiền. Có lẽ chồng bạn vốn là người có cá tính xởi lởi, hào phóng, yêu thương người thân. 

Xưa nay nghèo không giúp được ai cũng là điều khiến anh ấy dằn vặt về vai trò của mình. Giờ đây có tiền, anh thực hiện những nghĩa vụ đó theo đúng suy nghĩ của mình. Lỗi của anh là đã không bàn bạc với bạn. Cái lỗi ấy liệu có đáng cho bạn dành cho anh ấy bán án “không còn coi trọng nữa” hay không?

Chuyện xảy ra như vậy, nếu bạn kịp suy nghĩ ra một điều: Vì sao chồng làm chuyện không có gì là xấu mà phải giấu diếm mình, có lẽ mọi việc đã ít buồn hơn? Nhưng bạn lại từ đó mà suy ra: nhà chồng lợi dụng chồng mình để rồi cuối cùng kết án họ bằng thái độ không tôn trọng cả chồng lẫn gia đình chồng mà biểu hiện rõ ràng nhất là không về thăm gia đình chồng nữa. 

Với một người yêu thương quý trọng gia đình mình như chồng bạn, điều đó có lẽ đã để lại vết thương quá lớn mà anh ấy đã âm thầm chịu đựng nhiều năm, cân nhắc và tính toán chuẩn bị làm một việc gì đó, một việc giờ đây đang khiến bạn phải lo lắng.

Bạn hỏi chồng: anh có buồn bực gì thì nói để em sửa. Chẳng lẽ thực sự bạn không biết mình đã làm gì?  Bạn có bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh chồng khi anh ấy phải giải thích cho những người thân biết vì sao vợ mình công khai từ bỏ nghĩa vụ làm dâu, coi khinh gia đình chồng chỉ vì chuyện tiền bạc hay không? 

Một người chồng bị vợ mình ra mặt coi thường suốt 13 năm liệu sẽ phải nghĩ gì? Giờ đây nếu quả thực điều đó đúng như Hạnh Dung dự đoán thì bạn có thể sửa sai được hay không và sửa bằng cách nào nếu như bạn vẫn còn giữ khư khư nỗi giận đó trong lòng và thật sự chỉ hoảng hốt vì “đã 52 tuổi” rồi, không muốn ly hôn, cũng chẳng muốn sống nhạt nhẽo bên nhau như thế?

Bạn xin lời khuyên? Hạnh Dung chỉ biết khuyên bạn một điều: hãy nhìn lại 13 năm qua từ vị trí của chồng mình, kiểm điểm lại cái sai cái đúng của chồng và chính mình để từ đó hiểu được tất cả nỗi buồn, đau, giận của anh ấy mà thương, thông cảm, chia sẻ. Chỉ có tình cảm chân thành may ra mới cứu vãn được mọi điều.

Theo Phunuonline
MỚI - NÓNG