Nhà thuốc là ‘nơi tiếp tay’ cho tình trạng bệnh nhân bị kháng kháng sinh

Người dân dễ dàng mua kháng sinh tại nhà thuốc mà không cần toa
Người dân dễ dàng mua kháng sinh tại nhà thuốc mà không cần toa
TPO - Tại Việt Nam, 90% kháng sinh bán tại nhà thuốc không có đơn thuốc; 50% thuốc sử dụng cho người là kháng sinh bán ở nhà thuốc; 1/3 bệnh nhân dùng kháng sinh thiếu chỉ định…

Đây là thông tin do Ths.Ds Huỳnh Phương Thảo, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TPHCM chia sẻ tại hội thảo “Chương trình hành động phòng chống kháng thuốc tại TP HCM” ngày 21/11.

Theo Ds Thảo, kháng thuốc kháng sinh diễn ra khi vi khuẩn thay đổi và trở nên kháng với kháng sinh đã sử dụng để chữa trị lây nhiễm do chúng gây ra.

“Về thực trạng sử dụng kháng sinh tại Việt Nam, 50% thuốc sử dụng cho người là kháng sinh bán ở nhà thuốc; 90% kháng sinh bán tại nhà thuốc không có đơn thuốc; 1/3 bệnh nhân dùng kháng sinh thiếu chỉ định.

Nhà thuốc là ‘nơi tiếp tay’ cho tình trạng bệnh nhân bị kháng kháng sinh ảnh 1 Các chuyên gia y tế cho rằng tình trạng kháng kháng sinh đã trở nên đáng báo động

Nguyên nhân chủ yếu là các BV thiếu năng lực và nhân viên để phân lập và xác định nhạy cảm với vi sinh. Bên cạnh đó, các bệnh nhân thường khi có bệnh thường muốn tự điều trị hoặc điều trị tại phòng mạch tư rẻ hơn điều trị tại hệ thống công” – Ds Thảo nói.

Ds Thảo cũng cho rằng, kháng sinh là nhóm thuốc bắt buộc phải được mua theo toa của bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay, các thống kê cho thấy tỉ lệ sử dụng kháng sinh không đúng đơn lên tới 91% ở khu vực nông thôn, 88% ở khu vực thành thị.

PGS.TS Ngô Thị Hoa, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (đặt tại TPHCM) thì nhấn mạnh việc sử dụng kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi, nhất là với mục đích tăng trọng, là 1 trong 10 nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở người.

TS Hoa cho biết, khi nghiên cứu, khảo sát trong cộng đồng về chăn nuôi, colistin được sử dụng rất mạnh.

“Trong quá trình chăn nuôi, do sử dụng kháng sinh colistin nên gần 1/3 những người chăn nuôi có mang chủng vi khuẩn ecoli có gen kháng thuốc. Vi khuẩn mang gen kháng thuốc này đã lan từ người chăn nuôi trực tiếp đến người không chăn nuôi trực tiếp ở nông thôn, thành thị” – TS Hoa nói.

Nhà thuốc là ‘nơi tiếp tay’ cho tình trạng bệnh nhân bị kháng kháng sinh ảnh 2 Người dân cần dừng ngay việc tự ý dùng kháng sinh khi có bệnh

Liên quan đến vấn đề này, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới cho biết, thỉnh thoảng, tại Khoa hồi sức cấp cứu của BV có những trường hợp bệnh nhân viêm phổi nặng đã kháng lại colistin. Bệnh viện phải cách ly những bệnh nhân này tại phòng áp lực âm để điều trị, nhằm tránh không cho vi khuẩn lây sang người khác.

“Nhân viên y tế vào chăm sóc cũng rất cẩn thận. Đối với các bệnh nhân này, mối quan ngại của nhân viên y tế không phải là nhiễm con colistin mà bàn tay hoặc những nhân viên này sẽ mang con vi khuẩn và chuyển qua cho bệnh nhân khác;hoặc nếu tiếp xúc nhưng không được bảo vệ thì chính nhân viên y tế cũng có thể bị lây vi khuẩn và trở thành nguồn lây cho những người khác” – BS Châu nhấn mạnh.

Mặc dù kháng kháng sinh đang trở thành vấn đề đáng báo động, tuy nhiên quá trình nghiên cứu, sử dụng kháng sinh hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Từ rất nhiều loại thuốc kháng sinh mới đến nay còn rất ít loại có thể đặc trị bệnh. Với loại kháng sinh mạnh nhất hiện nay gần như đều hết tác dụng (kháng khoảng 80%).

“Nếu như trước đây vòng đời kháng sinh kéo dài nhiều thập niên, nay vòng đời ngày càng ngắn, chỉ còn khoảng 5 năm và có xu thế ngày càng ngắn lại. Trong tương lai các quốc gia có thể đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Do đó, phải có giải pháp cấp bách làm chậm lại quá trình kháng thuốc hiện nay để giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay lại thời kỳ chưa có kháng sinh” - BS Châu khuyến cáo.

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tính trạng kháng thuốc tại Việt Nam như mua bán, sử dụng thuốc không có hóa đơn (88% người dân sử dụng thuốc không cần kê toa); sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết, không đúng hướng dẫn của cán bộ y tế; kê đơn thuốc không hợp lý; lây truyền vi khuẩn kháng thuốc từ người sang người ở các cơ sở khám chữa bệnh; từ vật nuôi qua người do sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện gây tồn dư thuốc.

Theo nghiên cứu từ năm 2008, tỷ lệ kháng kháng sinh ở Việt Nam chiếm 40%, đứng thứ 4 về tỉ lệ kháng thuốc ở các nước tại châu Á - Thái Bình Dương.

MỚI - NÓNG