Nhiễm bệnh vì không biết sợ

Nhiễm bệnh vì không biết sợ
TPO-Trong khi dịch tiêu chảy cấp có khuẩn tả tái phát tại miền nam thì ở phía Bắc, vẫn ghi nhận những ca mắc liên cầu khuẩn lợn. Đáng lo ngại nữa là nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, cúm A/H5N1. Tất cả các dịch bệnh nguy hiểm này đều bắt nguồn từ việc coi thường an toàn vệ sinh thực phẩm…

Nhiễm bệnh vì không biết sợ

TPO-Trong khi dịch tiêu chảy cấp có khuẩn tả tái phát tại miền nam thì ở phía Bắc, vẫn ghi nhận những ca mắc liên cầu khuẩn lợn. Đáng lo ngại nữa là nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, cúm A/H5N1. Tất cả các dịch bệnh nguy hiểm này đều bắt nguồn từ việc coi thường an toàn vệ sinh thực phẩm…

Nhiễm bệnh vì không biết sợ ảnh 1
Tuyệt đối không giết mổ, ăn thịt gia cầm ốm chết ể tránh nhiễm bệnh nguy hiểm. Ảnh minh họa.

Tuần nào cũng có bệnh nhân liên cầu khuẩn lợn

Bệnh viện Nhiệt đới trung ương những ngày cuối năm, nhiều khoa phòng vẫn kín mít bệnh nhân. BS Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: “Dù trong thời gian qua, cơ quan chức năng, báo chí liên tục cảnh báo về bệnh liên cầu khuẩn ở lợn chủ yếu lây qua con đường ăn uống mất vệ sinh. Vậy mà nhiều người vẫn rất chủ quan, coi thường mạng sống của mình trước dịch bệnh nguy hiểm này. Từ đầu năm tới nay, chỉ riêng tại bệnh viện đã phải tiếp nhận hàng trăm trường hợp mắc liên cầu khuẩn từ lợn và nghi nhiễm. Còn từ đầu tháng 12 tới nay, tuần nào cũng có vài người nhập viện với các biểu hiện của nhiễm liên cầu lợn và không ít ca bệnh đã diễn biến khá nặng”.

Đặc biệt hiện ở Khoa Điều trị tích cực vẫn đang có 3 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn nặng đang được điều trị, trong đó 1 trường hợp phải thở máy, lọc máu và 1 trường hợp bệnh nhân quá nặng, cao tuổi đang được người nhà xin cho về.

Nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, giữa chằng chịt máy móc theo dõi là trường hợp của bệnh nhân N.T.V ở Phủ Lý, Hà Nam bị nhiễm liên cầu lợn đã điều trị hơn 2 tuần mà bệnh tình vẫn chưa thuyên giảm.

Người nhà của anh N.T.V cho biết, trong gia đình không nuôi hay giết mổ lợn, anh N.T.V bị nhiễm bệnh là do thường xuyên ăn nhậu cháo lòng, tiết canh ở chợ nên bị nhiễm bệnh.

Khi gia đình phát hiện đưa vào viện thì bệnh tình của bệnh nhân N.T.V đã rất nặng, sốt liên tục, huyết áp tụt, đau đầu, buồn nôn, trên vùng da ở chân, tay đã xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử, sốc nhiễm khuẩn và rối loạn đông máu.

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực cho biết, qua điều tra nghiên cứu về số bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn, có tới 70% trường hợp mắc bệnh là do có tiếp xúc với lợn ốm chết hoặc ăn thịt lợn chưa chế biến kỹ, bao gồm cả tiết canh, nem chua, nem chạo.

Dịch bệnh chết người “treo” lơ lửng

Nhiễm bệnh vì không biết sợ ảnh 2
Nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A/H1N1, cúm A/H5N1 là rất lớn. Ảnh minh họa.
 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2010, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt các bệnh cúm A(H5N1), tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác.

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận 7 trường hợp mắc cúm A(H5N1) ở 6 địa phương trong cả nước, trong đó 2 trường hợp tử vong tại Tiền Giang và Bình Dương.

 Ngoài ra, còn nhiều dịch bệnh khác lưu hành ở các mức độ khác nhau như cúm A(H1N1) đại dịch làm 11.247 người nhiễm bệnh ở 63 tỉnh/TP, 61 người tử vong.

Sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở mức độ cao tại các tỉnh phía Nam, tăng cả về số ca mắc và số ca tử vong so với năm 2009, đặc biệt tăng đột biến ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ước tính đã có 99 ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay.

Trong năm 2010, dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả cũng được ghi nhận tại 18 tỉnh/TP với 310 ca mắc.

Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang quay trở lại và việc buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia cầm, thủy cầm sẽ tăng cao từ nay đến Tết Nguyên đã khiến cho nhiều chuyên gia y tế lo ngại sẽ lại tái phát cúm A/H5N1 ở người.

PGS, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho rằng, đây là thời điểm mà chúng ta cần phải cảnh giác cao độ với dịch cúm, nhất là cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1. Bởi lẽ thời tiết lạnh, ẩm ướt vào cuối năm là điều kiện thuận lợi để virus cúm lây lan nhanh sang người.

Hơn nữa, hiện nay một số quốc gia trên thế giới và khu vực như: Ai Cập, Anh, Indonesia đã ghi nhận trở lại bệnh nhân mắc cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1. Hiện nay, hệ thống giám sát cúm quốc gia vẫn duy trì giám sát tại các địa phương cho thấy chưa có sự biến đổi gen của virus cúm A/H5N1 ở nước ta.

Theo ông Hiển, không nên chủ quan vì bệnh cảnh ban đầu của cúm A/H5N1 ở người cũng khá giống với các bệnh cúm thông thường khác là ho, sốt, mệt mỏi nên bệnh nhân nhập viện thường trong giai đoạn muộn, nguy hiểm tới tính mạng. Vì vậy, để phòng tránh cúm A/H5N1, đơn giản nhất là không giết mổ, vận chuyển, sử dụng gia cầm, thủy cầm ốm chết.

Khánh An

Theo Viết
MỚI - NÓNG