Nhiều nàng dâu mất tiền oan vì không rạch ròi với nhà chồng

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Góp tiền xây nhà trên mảnh đất bố mẹ chồng "cho", nhưng khi vợ chồng mâu thuẫn chia tay, chị Nhung đắng cay nhận ra căn nhà vẫn đứng tên mẹ chồng.

Chị Nhung quê Hưng Yên, kết hôn với người chồng ở ngoại thành Hà Nội. Khi mới cưới, bố mẹ chồng có cho anh chị một mảnh đất để xây nhà. Mặc dù lúc đó không được sang tên chủ sở hữu nhưng vốn tính thoải mái, chị Nhung nghĩ thôi mình cứ làm nhà an cư lạc nghiệp đã, rồi thế nào ông bà cũng cho. 

Vì chồng chị làm nghề tự do nên thủ tục vay ngân hàng một mình chị lo tất, vay thế chấp lương rồi vay mượn từ bạn bè, đồng nghiệp. Cuối cùng, chị cũng xây được ngôi nhà khang trang. Hai vợ chồng sắm dần từng đồ đạc, sau hai năm mọi thứ cũng đã khá đầy đủ. Những tưởng từ nay cuộc sống đã ổn định thì sóng gió bắt đầu ập đến khi chị phát hiện chồng ngoại tình.

Đứa con còn chưa đầy một tuổi, chị đắng cay níu kéo anh quay về nhưng chỉ được một thời gian, anh lại chứng nào tật đấy. Đau đớn bỏ về bố mẹ đẻ hai tuần, khi quay lại lấy đồ đạc chị thấy bố mẹ chồng đã chuyển đến sống trong nhà từ lúc nào. Họ nói đồng ý cho hai người ly dị nhưng chị sẽ không có bất cứ quyền hạn gì với ngôi nhà này, bởi giấy tờ vẫn đứng tên mẹ chồng chị. Tiền nợ chưa trả hết, giờ lại không có nhà để ở, chị Nhung bẽ bàng nhận ra mình đã quá sai lầm khi ngay từ đầu không kiên quyết đòi đứng tên ngôi nhà.

Không quá thiệt thòi như chị Nhung, song chị Hồng Vân (Quang Trung, Hà Nội)  cũng đang rơi vào cảnh khó xử về tiền nong với nhà chồng. Cưới được một tuần nhưng chị Vân không biết phải làm sao để lấy lại khoản tiền mừng cưới nhà gái đang nằm trong tay mẹ chồng.

Khi tổ chức cưới, nhà chị làm ở quê, còn nhà anh làm trên Hà Nội. Nhiều đồng nghiệp, bạn bè và họ hàng bên nhà chị không thể về quê chị vì xa xôi, vì thế chị bàn với chồng cho chị ghé 5 mâm nhà gái trong tiệc cưới phía nhà trai. Để sòng phẳng, bố mẹ chị đã đưa luôn cho mẹ chồng số tiền 5 mâm đó trước đám cưới, hai bên đều rất vui vẻ về việc này.

Thế nhưng khi kiểm phong bì, mẹ chồng không hề đả động gì đến việc đưa lại cho chị số tiền mừng nhà gái. Trong khi đó, chị nghe thấy giọng bà vui vẻ kể với họ hàng rằng đám cưới này đã lãi được mấy chục triệu đồng. Không dám nói thẳng với mẹ chồng vì bà vốn không ưa chị, chị có nhờ chồng đánh tiếng nhưng bà nói cứ từ từ chưa kiểm xong.

Một tuần trôi qua, không thấy mẹ nói gì về việc hoàn trả tiền mừng nhà gái, chị mới thỏ thẻ thưa chuyện. Chẳng ngờ, bà nói với chị là tiền cỗ nhà trai bị thâm hụt nên phải cộng tiền mừng nhà chị vào nữa mới đủ tiền trả nợ. Bà còn ngọt nhạt giờ tiền hai vợ chồng như nhau, có nợ thì cùng chung tay vào trả. Chị Vân vâng dạ mà lòng ngổn ngang trăm nỗi lo, số tiền ấy bố mẹ chị cũng phải đi vay mượn để lo tiền cỗ bàn cho con. Tự dưng sau đám cưới, chị lại ôm cục nợ phải trả mà chẳng biết làm sao.

Từng đọc nhiều trường hợp gặp rắc rối tài chính khi về nhà chồng nên ngay từ những ngày đầu về làm dâu, chị Thảo đã rất rõ ràng trong khoản tiền nong. Bất cứ ai trong gia đình nhà chồng vay tiền chị đều bắt họ phải viết giấy nợ đàng hoàng. Lúc vay tiền, ai nấy đều tươi cười, nhưng ngay sau đó, chị biết họ lại đi nói xấu chị với hàng xóm rằng chị là người ky bo, đối xử với anh chị em chồng chẳng khác gì người dưng nước lã.

Cứng rắn là thế nhưng tiền người nhà chồng vay đến vài năm nay vẫn chưa ai trả gốc cho chị. Số tiền lãi hàng tháng, cô em chồng lúc trả lúc không, nhiều lúc lại mang đến nhà chị vài cân hoa quả rồi ngồi kể lể khó khăn, khổ sở ra sao. Thông cảm cho em nhưng khi nghe người khác kể lại, chị mới biết vợ chồng nhà họ vẫn tiêu xài hoang phí, chưa có ý định trả nợ cho chị dù đã ký giấy đàng hoàng.

Nói về những rắc rối tài chính khi về nhà chồng của những nàng dâu, tiến sĩ tâm lý Phan Thị Huyền Trân, người nổi tiếng với những khóa học "Nghệ thuật quyến rũ" cho phái đẹp, cho biết để tránh những việc không rõ ràng, tốt nhất ngay từ đầu chị em nên nói rõ với chồng để chồng giúp mình giải quyết. Chồng sẽ là người dễ nói chuyện và xử lý mọi việc bên phía nhà mình tiện hơn bạn, bạn cũng có thể tránh được những va chạm không đáng có với bố mẹ, anh em, họ hàng nhà chồng. Hãy nói cho chồng việc phải minh bạch, rõ ràng trong các khoản tài chính, đặc biệt khi cho vay nợ vì nó sẽ ảnh hưởng đến gia đình bạn, con cái bạn sau này.

Còn khi chính chồng bạn cũng không đồng ý vì lý do nào đó, hãy kể anh ấy nghe những câu chuyện về tranh giành tài sản khi người vợ, hay người chồng ly dị, vô tình bị tai nạn và qua đời, vì tài sản khiến tình cảm giữa vợ và gia đình nhà chồng trở nên căng thẳng. Hãy nói rằng bạn không muốn rơi vào hoàn cảnh đó.

Nếu chồng hay nhà chồng tìm đủ mọi cách để từ chối việc phân định tài sản rõ ràng, bạn nên tính đến chuyện mua tài sản riêng cho 2 vợ chồng hay chính bản thân mình. Còn phần nhà chồng cho, khi nào họ cho hẳn rồi hãy tính. Vì nếu bạn cứ đòi hỏi cũng không phải hay, họ sẽ nghĩ bạn tính toán và mưu kế. Bạn chỉ nên nói rõ với chồng và để anh ấy can thiệp, không tham những thứ không phải của mình.

Khi đã là vợ chồng, bạn nên nói rõ với chồng, thẳng thắn và rõ ràng trong cách chi tiêu, đóng góp các khoản, chia sẻ những chuyện đặc biệt về tài chính hay kế hoạch của mình, có cho người kia vay nợ hay đòi nợ ra sao. Vợ chồng cố gắng độc lập về chuyện tiền bạc, không phụ thuộc vào gia đình hai bên. Hãy thường xuyên nói với anh ấy rằng: "Em tin anh sẽ không tính toán với em, khơi gợi sự anh hùng của anh ấy, để anh ấy đứng về phía bạn".

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.