Nhiều người chảy máu không rõ nguyên nhân: Do chất độc?

Nhiều người chảy máu không rõ nguyên nhân: Do chất độc?
TP - GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, cho biết viện vừa tiếp nhận 9 bệnh nhân sống tại Bắc Giang bị xuất huyết kéo dài không rõ nguyên nhân. GS Trí nghi ngờ, các bệnh nhân này đã ăn hoặc tiếp xúc phải một loại chất độc nào đó.

> Nhiều người ‘tự dưng’ chảy máu nội tạng

Bệnh nhân bị chứng chảy máu kéo dài không rõ nguyên nhân
Bệnh nhân bị chứng chảy máu kéo dài không rõ nguyên nhân.

Bệnh nhân đầu tiên là bé 6 tuổi (ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) phải nhập viện điều trị vì chảy máu chân răng, chảy máu cam kéo dài không rõ nguyên nhân. Bác sĩ Ngô Hòa, Trung tâm Hemopholia, Viện Huyết học Truyền máu T.Ư cho biết, bệnh nhi này được điều trị ổn định và xuất viện về nhà, nhưng một thời gian sau bệnh lại tái phát.

Ngoài ra, Viện còn tiếp nhận bệnh nhân N.V.H. (51 tuổi, Lạng Giang, Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng xuất huyết dạ dày, đại tràng dài ngày không đỡ.

Trên cơ thể bệnh nhân cũng xuất hiện nhiều nốt đỏ bầm. Bề mặt da trên cơ thể bệnh nhân đóng vảy, khi vảy bong ra rất khó cầm máu. Được biết cách đây mấy tháng bệnh nhân này cũng phải nhập viện điều trị bệnh chảy máu dạ dày, chảy máu đại tràng dài ngày.

Đáng nói là cũng như bệnh nhi nói trên, ông H. sau khi điều trị ổn định được xuất viện về gia đình một thời gian ngắn lại xuất hiện các dấu hiệu tương tự nên phải đến bệnh viện.

Ngày 11/12, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư sẽ phối hợp Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tới Bắc Giang tìm hiểu nguyên nhân. Dự kiến đoàn công tác lấy cả mẫu đất, nước về xét nghiệm.

GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết thêm, các bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng xuất huyết nội tạng kéo dài hoặc xuất huyết dưới da không rõ nguyên nhân.

Riêng với bệnh nhi 6 tuổi nói trên, cả bố mẹ trẻ cũng có biểu hiện không cầm máu được khi bị xước da hoặc bị đỉa cắn.

Kết quả xét nghiệm cho thấy cả 9 bệnh nhân đều thiếu yếu tố đông máu. Do đó bác sĩ điều trị bằng cách cho các bệnh nhân bổ sung vitamin K để cơ thể tự tổng hợp yếu tố đông máu. Một vài bệnh nhân phải truyền huyết tương.

Theo nhận định ban đầu của bác sĩ Ngô Hòa nhiều khả năng những người này cùng tiếp xúc với chất độc gây ra hiện tượng chảy máu không cầm được. Bác sĩ Hòa cho hay: “Qua thăm hỏi ban đầu được biết, gần nhà bệnh nhi 6 tuổi cũng có một số người bị hiện tượng chảy máu không cầm được nên chúng tôi càng nghĩ đến yếu tố bệnh nhân tiếp xúc phải chất độc gây ảnh hưởng yếu tố đông máu trong cơ thể”.

GS.TS Nguyễn Anh Trí nhận định: “Rất có thể, những bệnh nhân này đã cùng ăn, tiếp xúc một loại thuốc hay loại chất độc nào đó. Những chất này gây nên tình trạng thiếu các yếu tố đông máu trong cơ thể, vì thế dẫn đến hiện tượng chảy máu không cầm được”.

Tiếp xúc thuốc trừ sâu

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, từ tháng 11/2012, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp nhận 9 bệnh nhân cư trú tại thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên và 1 bệnh nhân tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có biểu hiện rối loạn đông máu nặng, đều được chẩn đoán là “rối loạn đông máu do thiếu các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K”.

Các trường hợp tại Tân Yên xuất hiện khá rải rác. Đầu tiên là 2 chị em Nguyễn Mai Hương (SN 2004) và Nguyễn Huy Phúc (SN 2008) khởi bệnh ngày 8/11/2012 với các biểu hiện chảy máu bất thường như: chảy máu mũi, chảy máu chân răng, bầm tím dưới da, chảy máu sau vết xước, đi ngoài ra máu…

Đến tháng 6/2013, Bùi Quốc An (SN 2008) và Bùi Quốc Bình (SN 2010) phát bệnh. Sau đó 2 tuần, anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1982) cũng xuất hiện các triệu chứng này. Chị Nguyễn Thị Phương Liễu (SN 1981), vợ của anh Tuấn, cũng có triệu chứng chảy máu lâu cầm sau vết xước, được xác định ngày 30/9/2013.

Tất cả các trường hợp này đều được điều trị bằng cách bổ sung vitamin K và kết quả là các chỉ số đều tăng nhanh, đạt giá trị bình thường trong vòng 1-3 ngày. Tuy nhiên, khi giảm liều vitamin các chỉ số lại giảm. Bệnh nhân Hương, Phúc, Bình, An đã phải nhập viện nhiều lần do chảy máu.

Anh Nguyễn Văn Chiến, bố của hai bệnh nhân Hương và Phúc, cho biết, các con của anh vừa được xét nghiệm lại, các chỉ số đều bình thường. Ông Trần Thái Hồng, Trưởng Trạm Y tế thị trấn Cao Thượng, cho biết, các bệnh nhân đều có quan hệ họ hàng, gia đình với nhau: Hương và Phúc, An và Bình là những cặp anh chị em ruột, anh Tuấn là cậu của bệnh nhân Hương… Tuy nhiên, các gia đình này sống không gần nhau.

Cách đây vài tháng, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương về kiểm tra, lấy máu của những người xung quanh, kiểm tra môi trường, các chất độc có thể có quanh khu vực ở của các bệnh nhân này. Tuy nhiên, địa phương chưa nhận được kết quả cụ thể.

Trạm Y tế thị trấn nhận được báo cáo tóm tắt bằng văn bản của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Báo cáo này ghi nhận một số điểm lưu ý trong quá trình kiểm tra ban đầu môi trường ở nơi đây.

Gia đình Bình, An làm nghề trồng cây cảnh, nên sử dụng khá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích sinh trưởng. Cả ba gia đình nhiễm bệnh đều dùng nước giếng khoan. Cách đây một thời gian, gia đình bệnh nhân Bình lấp một chiếc giếng cũ bằng đất lấy từ nền của một kho thuốc trừ sâu cũ.

Hai năm nay, gia đình chuyển sang dùng nước ở giếng mới, cách giếng cũ khoảng 20m. Ông Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, cho biết, các cơ quan trung ương vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh trên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG