Nhiều trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải đang khám cho bệnh nhi mắc TCM. Ảnh T.Hà.
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải đang khám cho bệnh nhi mắc TCM. Ảnh T.Hà.
TP - Thời tiết thay đổi, không khí ẩm tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển, tăng nguy cơ gây bệnh cho trẻ. Tuần qua, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư), tiếp nhận hàng chục bệnh nhân mỗi ngày đến khám bệnh Tay-chân-miệng (TCM). Một số trẻ mắc bệnh nặng phải nhập viện điều trị.

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, ngày 18/4, khoa tiếp nhận 7 bệnh nhân mắc TCM vào điều trị nội trú. Đây là những bệnh nhi mắc bệnh độ 2, sốt cao liên tục không hạ sốt được, trẻ co giật, giật mình… Trước đó vào giữa tháng 3, theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội thống kê, trong hơn 3 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 176 ca mắc TCM rải rác tại 19 quận, huyện, thị xã.

Những trẻ thể bệnh nhẹ thường được bác sĩ kê đơn thuốc về nhà uống. Đây là bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa nên phần lớn trẻ mắc bệnh thường chủ yếu dưới 5 tuổi, nhiều nhất là nhóm trẻ 3 tuổi đang đi học mẫu giáo, mầm non. Các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn vì khả năng miễn dịch thấp. Có nhiều tuýp virus gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp khác nhau. Trong đó, EV71 là một chủng virus gây bệnh TCM nguy hiểm vì dễ biến chứng nặng- lưu hành ở phía nam phổ biến hơn phía bắc…

Bác sĩ Hải cho biết, trẻ mắc TCM thường diễn biến trong khoảng 7-10 ngày sẽ tự khỏi. Vì vậy những trẻ bệnh  nhẹ, có thể theo dõi, điều trị tại nhà để tránh lây chéo. Việc điều trị chủ yếu là giảm đau, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, hạn chế vận động, vệ sinh răng miệng. Nếu trẻ sốt cao thì hạ sốt bằng paracetamol, cho trẻ ăn nhiều bữa, ăn lỏng, uống nhiều nước, không cần uống thuốc kháng sinh. Với các nốt ở ngoài chân, tay  không cần thiết phải bôi thuốc, chỉ rửa sạch bằng xà phòng vài ngày, nốt sẽ tự bay. Cha mẹ cần lưu ý không lau miệng cho trẻ vì động tác này vô tình chỉ làm vết loét nặng hơn, thậm chí có thể gây bội nhiễm vi khuẩn. 

Thời gian ủ bệnh thông thường từ khi nhiễm bệnh tới khi khởi phát triệu chứng là 3-7 ngày. Bệnh thường bắt đầu với các biểu hiện như sốt (kéo dài 24-48 giờ), chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng. Sau đó, khoảng 1-2 ngày, người bệnh xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, lợi và niêm mạc má.

Ngoài ra, bệnh nhân TCM còn bị phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ, đôi khi còn có hiện tượng rộp da. Phát ban thường nằm trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hoặc ở cơ quan sinh dục. Đặc biệt, người bị bệnh TCM có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ có phát ban, loét miệng. Nhiều trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp, viêm cơ tim dẫn đến tử vong.

Nếu thấy trẻ giật mình chới với, sốt cao liên tục, đi đứng lảo đảo, ngồi không vững, run tay khi cầm vật dụng, yếu tay chân… cần  đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Dễ nhầm với bệnh khác

Đáng lưu ý, bệnh TCM trong giai đoạn khởi bệnh rất dễ nhầm với một số bệnh khác như: viêm da, thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm đường tiêu hóa, sốt virus, viêm màng não… Bệnh TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ.

Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Để ngăn ngừa dịch bệnh này, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo cả người lớn và trẻ em phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát...

Đặc biệt, trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. 

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

MỚI - NÓNG