Nhờ facebook giáo dục chồng

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Chị thường chọn các bài báo, câu chuyện trên mạng có nội dung tình yêu, giới tính, gia đình, đặc biệt là các bài viết về tính cách xấu của đàn ông mà chồng có “dính dáng” đưa vào trang facebook của mình nhằm cho anh đọc.

Chị cảm thấy thích thú và cho rằng đó là cách “giáo dục” chồng hiệu quả.

Tất nhiên là anh đọc tất cả những gì chị đưa lên nhưng không “thích” cũng chẳng “bình”, dù biết thừa những gì chị muốn nói với anh.

Cái hôm chị đắc ý cái bài “Đàn ông về nhà chỉ biết ăn, tắm, ngủ thì khác gì con lợn” thì anh khó chịu ra mặt, bảo rằng so sánh như thế là thiếu tôn trọng con người nói chung, nếu đàn ông là con lợn thì đàn bà là con gì? Anh bảo chị đừng a dua với những thứ vớ vẩn, hạ nhục con người.

Vài hôm sau lại thấy cái người phụ nữ có câu nói “bất trị” kia phát biểu đàn bà là “con ong, cái kiến”, chị hớn hở: “Thấy chưa, anh có câu trả lời rồi đấy!”.

Anh bảo mọi so sánh đều là khập khiễng nhưng trường hợp này thì quá khập khiễng, một đằng là “trích xuất” thói xấu đàn ông và gọi họ là con lợn, một đằng là nói về thân phận “con ong, cái kiến” của đàn bà, đó không phải câu trả lời cân bằng giá trị.

Vài ngày sau, anh chỉ cho chị đọc một bài viết vẫn của tác giả nữ ấy kể về một trường hợp người phụ nữ lấy phải anh chồng yếu sinh lý, chị ta kiếm được bồ trẻ sung sức, vừa muốn có con nhưng cũng muốn chưa có để tận hưởng khoái cảm tình dục, vừa muốn ngoại tình lại duy trì hôn nhân êm ấm...

Tác giả nữ thẳng thừng với chị ta rằng chị là con người ích kỷ, tham lam, nhất là việc đánh đổi đứa con với ham muốn nhục dục... Anh bảo sao không chia sẻ bài này trên "phây"?

Chị tỏ vẻ giận để che giấu sự xấu hổ của mình, anh biết thừa là chị đã đọc nhưng lờ đi.

Tuy nhiên, cái việc ấy làm chị suy nghĩ và nhìn nhận lại bản thân, xem mình có “tham lam, ích kỷ” không. Chị lấy anh khi là cô gái nông thôn vừa tốt nghiệp đại học, anh lúc đó đã là tiến sĩ, tốt nghiệp ở nước ngoài về, giảng viên của trường. Về sau, nhiều lần chị hỏi tại sao anh lấy chị, trong khi anh có rất nhiều cô gái “xứng đáng, vừa đôi, phải lứa” hơn để lựa chọn, bao giờ anh cũng trả lời ngắn gọn: “Vì em đẹp dịu dàng”.

Bây giờ, chị đã là thiếu phụ hai con mà còn đẹp hơn cả thời thiếu nữ, nhưng trái với ngày xưa, anh luôn tỏ ra nguội lạnh với chị. Mọi cố gắng của chị, trong đó có sự “giáo dục” bằng facebook, xem ra không mấy hiệu quả. Chị quyết định phải có cuộc nói chuyện nghiêm túc với anh.

Dịp may đến một cách tình cờ. Hôm đó, sinh nhật đứa con đầu lòng, cả nhà đợi mà mãi anh chưa về. Gọi điện thì anh tắt máy, chị không chịu được, nhắn tin liên tục vào máy anh với những lời lẽ cay nghiệt nhất. Lúc anh trở về, mệt mỏi và thẫn thờ xin lỗi cả nhà vì người bạn thân nhất của anh vừa đột ngột ra đi, anh lo chuyện hậu sự cho bạn giờ mới về được.

Anh rút chiếc điện thoại bị hết pin từ bao giờ cắm sạc và bật máy, những tin nhắn liên tục hiện ra. Anh nhìn chị thương hại lắc đầu. Chị quá giận bản thân mình, thốt lên: “Em xin lỗi anh!”. Anh không giấu nổi ngạc nhiên: “Em xin lỗi ư, đây là lần đầu tiên anh được nghe câu ấy từ miệng em!”.

Và, họ đã có một cuộc chuyện trò đúng nghĩa vợ chồng trút bầu tâm sự. Nguyên nhân chính của mọi sự là chị đã đánh mất sự dịu dàng từ lâu mà chính chị cũng không nhận ra

Theo Theo Pháp luật Việt Nam
MỚI - NÓNG