Nhộn nhịp du lịch chữa bệnh

Du lịch chữa bệnh trở thành xu thế toàn cầu. Ảnh abcnews
Du lịch chữa bệnh trở thành xu thế toàn cầu. Ảnh abcnews
TPO - Ngành công nghiệp du lịch chữa bệnh phát triển trên quy mô toàn cầu với sự góp mặt của hơn 50 quốc gia đến từ các châu lục nhưng vị trí dẫn đầu lại thuộc về một vài quốc gia ở châu Á, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đặc biệt, nhóm các nước trong khu vực Đông Nam Á đã nhanh tay chớp cơ hội trở thành dẫn đầu ngành công nghiệp không khói đầy tiềm năng này.

Dịch vụ du lịch chữa bệnh đang bùng nổ trên toàn thế giới với tốc độ tăng trưởng mà nhiều ngành kinh tế khác phải ngưỡng mộ, trung bình 30% mỗi năm, theo thống kê ước tính trên website MedicalTourismResourceGuide.

Brazil, Costa Rica, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ là những điểm đến hàng đầu của các du khách khi đi du lịch chữa bệnh tại nước ngoài. Trong số đó, các nước châu Á hiện được coi là điểm đến lý tưởng bởi dịch vụ và chất lượng chữa trị tốt với giá rẻ.

Mảnh đất màu mỡ

Tại Mỹ, các thủ tục về bảo hiểm y tế hiện hành bị cho là rào cản khi dân chúng khi khám chữa bệnh. Có khoảng 50 triệu dân Mỹ không mua bảo hiểm y tế trong nước mà sẵn sàng đi du lịch chữa bệnh ở nước ngoài với chi phí rẻ hơn nhiều. Theo một thống kê khác, năm 2003, khoảng 1,29 triệu dân Anh trong độ tuổi 16-64 điều trị nha khoa bên ngoài lãnh thổ chính quốc.

Ấn phẩm Patients Beyond Borders (những bệnh nhân không biên giới) ước tính quy mô thị trường du lịch chữa bệnh tạo ra giá trị 24 triệu USD đến 40 triệu USD dựa trên số liệu khoảng tám triệu bệnh nhân sử dụng dịch vụ du lịch chữa bệnh, với khoản chi trung bình từ 3.000 USD đến 5.000 USD. Ấn phẩm này cũng dự đoán năm 2013 có khoảng 900 nghìn người Mỹ thực hiện các chuyến du lịch chữa bệnh ở các quốc gia khác.

Khách du lịch từ châu Âu Trung Đông, Bắc Mỹ, Australia tìm tới châu Á để vừa du lịch vừa chữa bệnh. Họ chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng lượng khách du lịch hằng năm. Người du lịch chữa bệnh có thể tìm kiếm những dịch vụ y tế như chữa trị ung thư, nha khoa, giảm cân, phẫu thuật cấy ghép cũng như phẫu thuật thẩm mỹ.

Sự phát triển của du lịch và hàng không giá rẻ khiến việc di chuyển giữa các quốc gia trở nên dễ dàng và ít tốn kém hơn. Do đó, lượng bệnh nhân chọn hình thức du lịch chữa bệnh ở nước ngoài ngày càng tăng. Toàn cầu hóa và phát triển công nghệ thông tin là chất xúc tác để thúc đấy sự phát triển của ngành dịch vụ này.

Chất nhưng rẻ

Chi phí một ca điều trị tại châu Á với chất lượng tương đương ở các nước phát triển chỉ bằng 20-30% mức phí bệnh nhân phải trả ở các bệnh viện tại Anh hay Mỹ. Theo Deloitte, một mạng lưới dịch vụ nghề nghiệp lớn nhất thế giới về nguồn thu và về số lượng chuyên gia, phẫu thuật thay van tim ở Mỹ có giá 160.000 USD/ca.

Trong khi đó, bệnh nhân sẽ chỉ phải trả trên dưới 10.000 USD nếu điều trị ở Thái Lan. Hay một ca ghép gan tại Mỹ có mức giá không dưới 300.000 USD trong khi, nếu thực hiện tại Đài Loan, chỉ phải bỏ ra 91.000 USD.

Patients Beyond Borders đưa ra bảng so sánh chi phí mà một bệnh nhân có thể tiết kiệm nếu thực hiện du lịch chữa bệnh tại các quốc gia so với chi phí chữa bệnh ở Mỹ.

Công nghệ hiện đại, cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn là điều kiện tiên quyết tạo tính bền vững cho ngành du lịch chữa bệnh châu Á. Nhiều bệnh viện khu vực Đông Nam Á, nhất là Singapore, Thái Lan, và Malaysia được cả chính phủ và khối tư nhân mạnh tay đầu tư và áp dụng các công nghệ y học mới nhất và tiên tiến nhất, nhằm đem đến cho các bệnh nhân sự phục vụ tốt nhất.

Chiến lược các bệnh viện nơi đây đưa ra phải kể đến việc thuê đội ngũ bác sĩ, y tá có kinh nghiệm, tay nghề cao từ Mỹ và châu Âu; áp dụng công nghệ điều trị, chẩn đoán tiên tiến, khoa học; chú trọng chăm sóc bệnh nhân cả trước và sau điều trị.

Chứng nhận quốc tế cũng được các cường quốc du lịch chữa bệnh chú ý săn đón bởi du khách sẽ coi đây là tiêu chí quan trọng để lựa chọn bệnh viện điều trị khi ra nước ngoài du lịch chữa bệnh.

Nhộn nhịp du lịch chữa bệnh ảnh 1 Cụm từ "xin chào" nằm giữa các từ cùng nghĩa trên cửa phòng đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Raffles, Singapore. Ảnh QD
Chạy đua chứng chỉ hút khách

Tại Mỹ, Uỷ ban Phối hợp Quốc tế (Joint Commission International - JCI) là tổ chức thực hiện giám định chất lượng bệnh viện, có hoạt động mở rộng trên 80 quốc gia, kể từ năm 1994. Bộ tiêu chí giám định của JCI lấy bệnh nhân làm trung tâm, tập trung đặc biệt vào sự an toàn, chất lượng chăm sóc y tế và hệ thống quản lý chất lượng.

Ngoài ra, bộ tiêu chí còn xem xét toàn diện đến quyền và nghĩa vụ, giáo dục, truyền thông, tâm lý, văn hóa của cả bệnh nhân, thân nhân lẫn nhân viên y tế. Hiện, nhiều bệnh viện quốc tế xem chứng nhận JCI như là cách để thu hút bệnh nhân quốc tịch Mỹ tới điều trị.

Trong khi đó ở Anh và Hồng Kông, tổ chức Kế hoạch Tư vấn Quốc tế Trent (Trent International Accreditation Scheme - TIAS) giữ vai trò chính. Rất nhiều bệnh viện đang hướng đến trang bị cho mình bằng công nhận quốc tế kép bao gồm cả JCI để phục vụ khách hàng Mỹ và TIAS dành cho đối tượng khách tiềm năng từ Anh và Châu Âu.

Chất lượng phục vụ luôn là điều mà bệnh nhân trông đợi. Những nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe thường có các tiêu chuẩn khắt khe đến mức mất thời gian cho những ca không khẩn cấp. Thời gian chờ đợi để thực hiện một ca phẫu thuật thay thế khớp hông có thể kéo dài một năm hoặc hơn ở Anh và Canada.

Tuy nhiên ở Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Philippines hay Ấn Độ, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật ngay hôm sau khi họ đến nơi. Ở Canada, số người chờ đợi cho những ca phẫu thuật dạng này khoảng 800.000 người, theo số liệu năm 2005.

Ấn Độ đông dân chớp cơ hội

Du lịch chữa bệnh của ba nước: Ấn Độ, Singapore và Thái Lan lớn nhất châu Á, chiếm 90% thị phần khu vực năm 2008, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ấn Độ định hướng xây dựng trở thành điểm đến cho những chuyến du lịch chăm sóc sức khỏe lý tưởng với dịch vụ cao cấp đạt chuẩn quốc tế, giá rẻ. Chính phủ Ấn Độ cũng tiến hành giải quyết các vấn đề cơ sở hạ tầng cản trở sự phát triển của ngành du lịch chữa bệnh nước này. Ngành du lịch chữa bệnh Ấn Độ đạt mốc tăng trưởng hằng năm là 30%.

Theo thống kê của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, năm 2005, khoảng 150 nghìn lượt khách đã tới nước này du lịch chữa bệnh. Đến năm 2008, lên đến 200 nghìn lượt khách. Một nghiên cứu khác của Phòng Thương mại & Công nghiệp Ấn Độ (Associated Chambers of Commerce and Industry of India – ASSOCHAM) cho biết, quốc gia Nam Á này đón khoảng 850 nghìn lượt trong năm 2011. Dự kiến, năm 2015, con số này tăng lên ba triệu 200 nghìn lượt khách, và tạo ra giá trị kinh tế khoảng hai tỷ USD.

Hàn Quốc là một trong những điểm nóng du lịch chữa bệnh. Năm 2009, Hàn Quốc đón 60 nghìn khách nước ngoài tới du lịch chữa bệnh. Năm 2010, tăng lên 80 nghìn lượt. Bộ Y tế Hàn Quốc đặt mục tiêu sẽ có 300 nghìn lượt khách tới Hàn Quốc vừa du lịch vừa chữa bệnh trong năm 2015.

Tại Malaysia, số bệnh nhân nước ngoài tăng ba lần từ 2001 đến năm 2006, với 300 nghìn lượt người, tạo doanh thu khoảng 59 triệu USD vào năm 2006. Đến 2007, Malaysia đón tiếp gần 700 nghìn lượt người tới du lịch chữa bệnh.

Sing, Thái nườm nượp

Trong khi đó, Singapore có khoảng 410 nghìn du khách tới du lịch với mục đích tiến hành các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tăng 28% trong giai đoạn 2004 - 2006. Singapore là địa chỉ du lịch chữa bệnh có nhiều liệu pháp chữa trị mới, cung cấp những dịch vụ y tế tốt nhất trong những lĩnh vực cấy ghép bộ phận, tim, sản, phẫu thuật chỉnh hình, ung thư, tiết niệu, giải phẫu thần kinh, mắt. Tuy nhiên giá chữa bệnh có cao hơn chút so với các thị trường cạnh tranh khác. Khách du lịch đến đây hy vọng sẽ vượt một triệu lượt khách vào năm 2015.

Thái Lan là một trong những điểm đến được ưa chuộng nhất châu Á với dịch vụ khám chữa bệnh đa dạng, đặc biệt thực hiện các cuộc giải phẫu với giá cả phải chăng. Đất nước này được xem là cường quốc về du lịch chữa bệnh bởi quốc gia sở hữu nền tảng du lịch tốt cộng thêm đội ngũ bác sĩ được đào tạo ở nước ngoài.

Du khách chủ yếu đến Thái Lan để thực hiện kiểm tra y tế, phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật chuyển giới tính, phẫu thuật chỉnh hình, chăm sóc răng miệng và phẫu thuật tim. Thái Lan cũng nổi tiếng là trung tâm spa hang đầu châu Á, cung cấp các gói dịch vụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe luôn thu hút sự quan tâm của lượng lớn khách du lịch.

Những năm gần đây, lượng khách tới du lịch chữa bệnh ở Thái Lan trung bình khoảng 1,5 triệu lượt, đem lại cho đất nước này nguồn doanh thu lớn. Trong năm 2008, du lịch chữa bệnh đã mang lại nguồn thu 46-52 tỷ baht cho Thái Lan. Năm 2012, có 22 triệu du khách tới Thái Lan, trong đó, 2,5 triệu người đi du lịch chữa bệnh. Năm 2013, con số này tăng lên 26 triệu du khách. Dự kiến, năm 2015, đất nước Chùa Vàng sẽ thu về 100 tỷ baht (3,3 tỷ USD) từ ngành du lịch chữa bệnh.

Mục tiêu của chính phủ Thái Lan là biến đất nước này sẽ trở thành trung tâm y tế lớn nhất châu Á trong ba năm tới.

 Phẫu thuật thay van tim ở Mỹ có giá 160.000 USD/ca. Trong khi đó, bệnh nhân sẽ chỉ phải trả trên dưới 10.000 USD nếu điều trị ở Thái Lan. Hay một ca ghép gan tại Mỹ có mức giá không dưới 300.000 USD trong khi, nếu thực hiện tại Đài Loan, chỉ phải bỏ ra 91.000 USD.

Theo Deloitte Touche Tohmatsu Limited

Theo Tri Thức Trẻ
MỚI - NÓNG