Những ai dễ mắc u dạ dày?

Nội soi dạ dày để xác định mức độ thương tổn, kích thước polyp (nếu có). Ảnh minh hoạ: Internet
Nội soi dạ dày để xác định mức độ thương tổn, kích thước polyp (nếu có). Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Polyp dạ dày (thường gọi là u dạ dày) là khối tế bào hình thành trên lớp lót bên trong dạ dày. Polyp dạ dày thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Bệnh thường được phát hiện ở các bệnh nhân khi nội soi đường tiêu hóa trên và chiếm tỷ lệ khá cao - đến 25%.

Rất ít triệu chứng để phát hiện 

Theo các BS, hiện tượng hình thành polyp bên trong dạ dày rất thường gặp nhưng rất ít người phát hiện được điều bất thường này. Lý do là bệnh có nhưng triệu chứng thì không hoặc rất mờ nhạt. Có những người chỉ cảm nhận cơn đau bụng thông thường, cảm giác buồn nôn. Nếu những khối polyp có gây viêm loét trên niêm mạc dạ dày dẫn đến chảy máu khiến bệnh nhân nôn hoặc đại tiện ra máu thì mới đi khám và phát hiện được.

Có thể nói trường hợp bị polyp dạ dày không nhiều và khả năng  đe dọa vì căn bệnh cũng không cao. Nhưng không phải ai cũng may mắn nằm trong trường hợp lành tính. Có những khối polyp sau khi phát triển đến kích thước đủ lớn sẽ bắt đầu gây nên những vết viêm loét dày làm rỉ máu. Khi đó bệnh nhân sẽ bị đau bụng, chảy máu nhiều thì làm mất máu, da dẻ tái bợt, hay bị chống mặt, hoa mắt; còn trường hợp chảy máu ồ ạt thì vô cùng nguy hiểm bởi khi đó bệnh nhân một lúc bị mất lượng máu lớn, tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng. Một trường hợp nguy hiểm khác cũng do bệnh polyp dạ dày gây ra đó là bệnh ung thư dạ dày –  căn bệnh gây ra rất nhiều đau đớn và hơn hết điều trị cũng gặp rất nhiều khó khăn.

 Nguy cơ khối u dạ dày tăng lên theo tuổi. Polyp dạ dày thường gặp hơn ở những người 50 tuổi trở lên; bị bệnh viêm loét dạ dày do vi khuẩn: Helicobacter pylori (H. pylori) vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến của viêm dạ dày góp phần tăng sản và polyp u tuyến; hội chứng ung thư ruột kết: bệnh polyp adenomatous gia đình là một hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết và các điều kiện khác, chẳng hạn như khối u dạ dày; sử dụng một số loại thuốc lâu dài: chất ức chế bơm proton (PPI), các thuốc dùng để điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) có liên quan đến khối u tuyến fundic. PPI bao gồm esomeprazole (nexium), lansoprazole (prevacid), omeprazole…

Dấu hiệu nhận biết

Polyp dạ dày không có những triệu chứng đặc hiệu. Nhưng khi phát triển to, polyp dạ dày có thể bị loét trên bề mặt gây xuất huyết, viêm nhiễm, đau tức. Trong một số trường hợp hiếm hoi, polyp làm bít tắc đường giữa dạ dày xuống ruột non.

Một số bệnh nhân có các triệu chứng tương tự như viêm loét dạ dày: tiêu chảy thường xuyên, tiêu ra máu, ăn không tiêu… Ngoài ra còn có thể có triệu chứng: đau bụng hoặc đau khi ấn vùng bụng; chảy máu; thiếu máu.

Lời khuyên bác sĩ

Điều trị phụ thuộc vào loại polyp dạ dày được phát hiện: Nếu khối polyp nhỏ mà không phải là u tuyến có thể không cần điều trị. Các khối u thường không gây ra các dấu hiệu và triệu chứng và hiếm khi trở thành ung thư. Bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên nội soi định kỳ để theo dõi polyp dạ dày.

Đối với polyp dạ dày kích thước lớn hơn 0,5cm, cần phải được cắt bỏ. Hầu hết các polyp dạ dày có thể được cắt bỏ bằng dụng cụ chuyên biệt trong khi nội soi ống mềm, việc cắt bỏ polyp đề phòng nguy cơ biến chứng chảy máu và ung thư hóa; u tuyến cũng thường được cắt trong khi nội soi; các polyp kết hợp với bệnh polyp u tuyến có tính chất gia đình cũng được cắt bỏ bởi nguy cơ có thể trở thành ung thư; Nếu bị polyp dạ dày có vi khuẩn H. pylori, cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Điều trị khỏi nhiễm H. pylori có thể làm cho polyp tăng sản biến mất và cũng có thể ngăn chặn khối u tái phát.

Vấn đề khó khăn trong điều trị polyp dạ dày là không thể phân biệt được polyp lành tính hay polyp tuyến có tiềm năng hóa ác qua việc nội soi dạ dày. Do đó, khi điều trị, cần cắt bỏ tất cả các polyp dạ dày, đặc biệt những polyp lớn hơn 1cm. Đối với những bệnh nhân có nhiều polyp nhỏ, nên cố gắng cắt ít nhất 5 polyp có kích thước lớn nhất. Một khi đã cắt bỏ polyp và quan sát bằng giải phẫu bệnh sẽ dễ dàng xác định được týp polyp. Bên cạnh đó, người bệnh nên theo dõi các polyp tăng sản lành tính bằng nội soi khi chúng có kích thước lớn 1-2cm thông qua việc tuân thủ khám bệnh định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Các polyp kết hợp với bệnh polyp u tuyến có tính chất gia đình cũng được cắt bỏ bởi nguy cơ có thể trở thành ung thư.

Điều trị nhiễm H. pylori: Nếu có viêm dạ dày do vi khuẩn H. pylori, bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc kháng sinh. Điều trị nhiễm trùng H. pylori có thể làm cho polyp tăng sản biến mất và cũng có thể ngăn chặn khối u tái phát. Nên có thể cần phải dùng kháng sinh trong một vài tuần theo phác đồ để tiêu diệt H. pylori.

MỚI - NÓNG