Những dấu hiệu đặc biệt lưu ý khi trẻ mắc sởi

BS khám cho bệnh nhi mắc sởi. Ảnh: Internet
BS khám cho bệnh nhi mắc sởi. Ảnh: Internet
TPO - Lời khuyên của các bác sỹ trực tiếp điều trị bệnh nhi mắc sởi sẽ giúp ích cho các bậc cha mẹ trong tình cảnh “nước sôi lửa bỏng” này.

Theo các bác sỹ, điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhi có biến chứng viêm phổi nặng, thậm chí tử vong song lại không điển hình về đặc điểm bệnh. Thống kê gần nhất được ngành y tế công bố đã có hơn 7000 trẻ mắc sởi và 111 trẻ đã tử vong vì căn bệnh này.

Bác sĩ Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, dễ lây thành dịch trong cộng đồng. Mùa xuân là thời điểm dịch sởi xảy ra và lan rộng nhiều nhất. Bệnh sởi nguy hiểm là do virus gây bệnh làm suy giảm miễn dịch của bệnh nhân, khiến có nguy cơ xảy ra các biến chứng nặng như: viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy kéo dài, lao...

Để tránh những biến chứng nặng của mắc sởi và đảm bảo sức khỏe cho trẻ, cha mẹ nên lưu ý những dấu hiệu sau:

1. Theo dõi sát, tránh để con tiếp xúc với nguồn lây bệnh, chú ý các triệu chứng đặc trưng của sởi, Khi mắc bệnh thường có các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sau đó sốt cao 39-40 độ C, mệt mỏi kèm viêm kết mạc, chảy nước mũi, ho. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Đặc biệt, một trong những triệu chứng rất hay gặp ở trẻ bị sởi, trẻ sẽ khóc khàn tiếng do viêm thanh quản.

Ngoài ra khi có biểu hiện sốt phát ban cần đưa trẻ đến khám chuyên khoa để được tư vấn về chăm sóc, điều trị tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.

2. Đối những trường hợp mắc sởi nhẹ không cần phải nhập viện mà được hướng dẫn điều trị tại nhà nên cha mẹ đừng quá lo lắng, không nên nhập viện trong thời điểm này khi các khoa truyền nhiễm đều rất đông bệnh nhân sởi và nguy cơ lây nhiễm các nhiễm trùng bệnh viện làm nặng hơn tình trạng của trẻ là rất cao. Cần cách ly, hạn chế tiếp xúc, người lớn chưa được miễn dịch với sởi cũng có nguy cơ cao mắc bệnh nên vẫn phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc.

3. Nếu không có các biến chứng thì điều trị sởi quan trọng nhất là chăm sóc cho trẻ, đảm bảo vệ sinh da, mắt, miệng, họng… đảm bảo đủ dinh dưỡng nâng sức đề kháng cho trẻ, dùng vitamin A tránh biến chứng về mắt do sởi gây nên, cung cấp đủ dịch và cách ly chặt chẽ trong suốt giai đoạn có viêm long đường hô hấp cho đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban.

BS Huy khuyến cáo, ngay cả với các bác sỹ, việc phân biệt sởi với các dạng phát ban khác không đơn giản. Bởi vậy, phụ huynh khi thấy con có các biểu hiện trên, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhà để được khám, xác định nguyên nhân và tư vấn điều trị, không nên tập trung ngay ở cơ sở tuyến trên, tránh lây chéo. Đồng thời, nên hạn chế giao lưu, hội họp bởi người lớn nhiễm virus sởi có thể lây cho trẻ. Cần đeo khẩu trang. Ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng.

MỚI - NÓNG