Những giọt nước mắt...

Những thiên thần chào đời trong ngày Bệnh viện Bạch Mai cách ly
Những thiên thần chào đời trong ngày Bệnh viện Bạch Mai cách ly
TP - Đã 10 ngày từ thời điểm Bệnh viện Bạch Mai thực hiện lệnh cách ly phòng chống dịch COVID-19, người đàn ông 54 tuổi đảm nhiệm vị trí thuyền trưởng luôn ở tư thế sẵn sàng xử lý các tình huống bất trắc có thể xảy ra. Ở đó, PGS.TS Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Phụ sản đã chứng kiến những điều kỳ diệu khi đón những thiên thần tí hon chào đời và chứng kiến cả những giọt nước mắt buồn vui mà 29 năm làm nghề lần đầu anh tận thấy trong hoàn cảnh quá đặc biệt…

Sáng thứ 7 ngày 28/3, điều dưỡng Nguyễn Xuân Quỳnh chuẩn bị kết thúc ca trực để về nhà với 2 con nhỏ. Cùng thời điểm đó điều dưỡng Vũ Thị Lệ Mỹ bước vào khoa Sản nhận bàn giao ca trực từ Quỳnh. Bất ngờ cả 2 cô gái trẻ nhận lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” từ cấp trên. Cũng như hơn 20 nhân viên y tế trong khoa lúc ấy, Quỳnh và Mỹ không tránh khỏi cảm giác bàng hoàng dù trước đó họ và các đồng nghiệp khác đã chuẩn bị tinh thần như “bước vào trận đánh lớn”, sẵn sàng cho mọi tình huống.

PGS.TS Phạm Bá Nha chia quân thành 2 đội, lên kế hoạch trực chiến. Mỗi đội 12 người gồm 3 bác sĩ và các điều dưỡng, hộ lý cùng kỹ thuật viên phôi học thuộc Trung tâm hỗ trợ sinh sản của khoa làm việc liên tục 12 giờ mỗi ngày để chăm sóc và điều trị cho hơn 40 sản phụ và một số bệnh nhân mắc bệnh lý sản khoa…

Chiều tối, cái se lạnh len lỏi, tôi lắng nghe Quỳnh kể về niềm vui khi được đón những em bé chào đời trong 10 ngày cách ly với thế giới ngoài kia. Trong giọng nói, tiếng cười của cô gái trẻ có cả niềm thương, nỗi nhớ vời vợi muốn gửi gắm về ngôi nhà thân yêu, nơi có 2 thiên thần đang mong mẹ về từng ngày.

Đã 10 ngày trôi qua, đứa con gái bé bỏng mới 13 tháng tuổi của Quỳnh khát sữa mẹ. Những lúc bầu ngực căng lên vì tức sữa, bất chợt những giọt nước mắt rơi xuống, nóng hổi nơi gò má, chất chứa niềm thương cảm và ăm ắp tủi thân. Cô nhớ đôi môi con gái bú mớm từng dòng sữa, nhớ đôi bàn tay bé xíu bấu víu vào bầu ngực mẹ đầy nương tựa. Quỳnh nghẹn lại khi nhắc đến 2 con nhỏ. Như thường lệ, kết thúc ca trực Quỳnh về nhà với gia đình.

Nhưng hôm đó đợi mãi không thấy mẹ về, cậu con trai lớn mới 3 tuổi, chưa xa mẹ dài ngày bao giờ, vừa nhìn mẹ qua màn hình điện thoại đã mếu máo hỏi: “Mẹ ơi mẹ về đi, mẹ đi lâu thế”. Lúc ấy lòng cô chùng xuống, nhớ con, thương chồng bận công việc, thương ông bà đã già phải vất vả chăm 2 đứa bé non nớt. Nhưng đầu bên kia điện thoại, giọng nói ấm áp của người cha dặn dò con gái đừng lo lắng gì nhiều, cố gắng hoàn thành công việc, giữ gìn sức khỏe lại khiến cô vững lòng hơn.

Quỳnh thú nhận, khoảng cách từ bệnh viện đến nhà chỉ 8km mà cô thấy xa vời vợi. Có những chiều chạng vạng, rảnh chút việc, người mẹ trẻ đứng bần thần ở cửa khoa, trong cô lúc ấy chỉ muốn bứt phá mọi quy định nghiêm ngặt của bệnh viện để lao về nhà với con. Chưa bao giờ Quỳnh phải đấu tranh tâm lý với bản thân mình dữ dội đến vậy…

Tiếng trẻ khóc vang, kéo cô lại với thực tại. Quỳnh bảo: “Những ngày đầu trôi qua trong cảm giác hụt hẫng, lo lắng. Nhưng mọi thứ dần qua bởi mọi người động viên nhau cùng cố gắng chị ạ. Có trải qua những ngày thế này mới thấm thía tình đồng nghiệp, mới gần gũi bệnh nhân hơn”.

Sáng đó chào bố mẹ, tạm biệt chồng và ôm hôn hai con nhỏ, điều dưỡng Vũ Thị Lệ Mỹ đến bệnh viện nhận ca trực mới. Như thường lệ chỉ 24 tiếng sau cô sẽ có mặt tại nhà khi công việc kết thúc. Nhưng không ngờ lần này Mỹ có chuyến công tác bất đắc dĩ dài ngày.

Ra trường 29 năm đây là lần đầu tiên trong đời hành nghề y, PGS.TS Phạm Bá Nha sống những ngày làm nghề đặc biệt đến vậy. Không chỉ anh, mà các đồng nghiệp trẻ cũng đang cùng nhau đi qua giai đoạn khó khăn khi vừa đảm nhiệm công việc vừa lo phòng chống dịch bệnh.

Đã 10 ngày nay, cậu con trai 15 tháng tuổi thèm sữa mẹ, quấy khóc nhưng chỉ có bố và ông bà nội vỗ về. Cô còn bận rộn với những em bé mới chào đời tại khoa Phụ sản. Rảnh chút gọi điện về nhà, người mẹ trẻ trấn an cậu con trai lớn đã 7 tuổi “mẹ đang đi làm nhiệm vụ giống như những bác sĩ mà con nhìn thấy trên tivi đó, mẹ chăm sóc các em bé mà”.

Sau những hờn dỗi ban đầu đúng với lứa tuổi, cậu bé đang học lớp 2 trở nên mạnh mẽ và động viên lại mẹ: “Con ở nhà học bài, cho mẹ vui để khi nào mẹ về mẹ thấy con hoàn thành tốt bài tập, mẹ giao bài con sẽ làm hết để mẹ nhanh về với con”. Mỗi lần nhìn cậu con trai bé qua màn hình điện thoại, nước mắt ngắn dài lòng người mẹ trẻ lại quặn thắt. Nhìn nỗi vất vả hiện trên gương mặt cha mẹ già vì chăm cháu quấy đêm Mỹ chỉ ước những ngày cách ly trôi qua thật nhanh…

Công việc hằng ngày của những điều dưỡng như Quỳnh và Mỹ là chăm sóc sản phụ và những em bé mới sinh. Cùng chung hoàn cảnh có con nhỏ, họ thấu hiểu và coi nhau như chị em một nhà. Quỳnh bảo nhiều lúc thấy sản phụ bế ẵm, cho con bú, trái tim cô nghẹn lại. Cô thèm cảm giác được âu yếm, chăm bẵm những đứa con của mình. Nhưng rồi chính những người như Quỳnh, như Mỹ lại là người động viên các sản phụ vượt qua những áp lực tâm lý.

Những giọt nước mắt... ảnh 1 Điều dưỡng Xuân Quỳnh với thiên thần chào đời

Khoa Phụ sản là nơi có đông bệnh nhân nhất với 50 ca đang điều trị, 40 em bé sơ sinh và 44 người nhà. Khối lượng việc nhiều nên bác sĩ và nhân viên y tế nơi này luôn tất bật. Sản phụ và em bé may mắn đều khỏe mạnh. Nhưng bác sĩ Nha cũng lo lắng vì quá đông nếu không được giải tỏa mà vẫn nằm đây lại trở thành vấn đề lớn. Với gia đình bệnh nhân thực sự là nan giải vì dù bệnh viện đã cung cấp bỉm, sữa, đồ ăn nhưng vẫn không thể như ở nhà được nên họ cũng muốn xin về.

Trong một tuần cách ly kể từ ngày 28/3, khoa Phụ sản đã đón 5 em bé chào đời, trong đó 2 trường hợp sản phụ là nhân viên của bệnh viện, 3 sản phụ là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai do kèm theo bệnh lý nền. Hiện tại, khoa còn gần 10 thai phụ đang chờ sinh. Ngoài ra nhiều nhân viên y tế của bệnh viện đang mang bầu trong khu cách ly chuẩn bị đến ngày sinh cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đảm bảo an toàn cao nhất cho cả mẹ và con.

Khối lượng công việc bộn bề nhưng với những con người nơi đây đã đồng lòng, nương vào nhau, trở thành đồng đội trên cùng chiến tuyến để sát cánh vượt qua mọi khó khăn. Trong những ngày cách ly đặc biệt bác sĩ Nha vô tình chứng kiến những giọt nước mắt thầm rơi của những cô gái trẻ. Anh bảo, nhìn thấy nhưng coi như không thấy, để họ khóc cho vơi nỗi nhớ con, nhớ nhà. Nói vậy thôi, nhưng trong thanh âm của người đàn ông đã đi qua mấy chục năm khoác trên mình tấm áo blouse tôi biết anh đã thấu hiểu, thương cảm những người đồng đội biết bao.

Những câu chuyện tôi được biết, những tiếng cười tôi được nghe từ phòng bệnh cho tôi hiểu vì sao những chiến binh ấy lại mạnh mẽ đến vậy trong cuộc chiến chưa có hồi kết này. Dẫu khó khăn chất chồng, họ vẫn kiên trì bám trụ, miệt mài làm việc bởi từng khoảnh khắc đón các thiên thần chào đời mãi là món quà trân quý nhất mà họ nhận được từ cuộc đời… 

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.