Những loại cây cảnh có độc

Đỗ quyên cũng là một loại cây cảnh có thể gây độc. Ảnh minh họa: Vietq
Đỗ quyên cũng là một loại cây cảnh có thể gây độc. Ảnh minh họa: Vietq
Đỗ quyên, loa kèn Arum, thiên điểu, thơm ổi, trầu bà tay phật, ngoắt nghẻo là những cây cảnh được khuyến cáo hạn chế hoặc thận trọng khi trồng trong nhà.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường, trường Đại học Công nghiệp TP HCM, cho biết có nhiều loại cây cảnh chứa chất độc có thể gây nguy hiểm cho người trồng nếu chạm phải nhựa, vô tình nhai lá, củ, quả, theo Khoa học và Đời sống.

Thơm ổi, hay còn gọi là hoa ngũ sắc, có tên khoa học là Lantana Camara L, quả có chất độc lantanin alkaloid hoặc lantadene A, gây bỏng rát đường ruột, giãn cơ, rối loạn tuần hoàn máu và có thể dẫn đến tử vong. Loại cây này bị liệt kê vào danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất thế giới do Cục Môi trường châu Âu đưa ra, là một trong những loài cây mà cơ quan nghiên cứu về môi trường đang tìm kiếm các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát.

Tất cả các bộ phận của cây đỗ quyên đều có chất độc andromedotoxin và arbutin glucoside. Người bị ngộ độc do loại cây này thường có triệu chứng buồn nôn, chảy nước dãi, ói mửa, uể oải, chóng mặt, khó thở, mất cân bằng. Một lượng 100 - 225g lá đỗ quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho trẻ em nặng 25 kg.

Hoa và hạt của cây thiên điểu có các chất gây ngộ độc đường ruột. Môn kiểng thì tất cả các bộ phận của cây đều có chất độc calcium oxalate và asparagine, ăn phải sẽ dẫn đến nguy cơ bị bỏng, ngứa rát vùng miệng, niêm mạc ruột. Hoa loa kèn Arum (Ý lan) trong lá và củ cây đều có chất độc đường ruột calcium oxalate. Nhựa cây xương rồng bát tiên có chất gây bỏng rát da khi tiếp xúc. 

Cây trầu bà tay phật rất độc nếu vô tình ăn phải, vì lá và thân cây có chất độc calcium oxalate gây tiêu chảy, buồn nôn, bỏng rát niêm mạc miệng. Trong củ và hạt cây của cây ngoắt nghẻo có chất kịch độc colchicine và một số alkaloid khác gây tê lưỡi, làm cơ thể mất cảm giác, nặng thì hôn mê.

Những loại cây cảnh có độc ảnh 1

Hoa cây thiên điểu.

Giáo sư Bá cho rằng biện pháp tốt nhất vẫn là tạo sự thông thoáng, hạn chế hoặc loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm trong nhà, kết hợp trồng một số loại cây cảnh có khả năng khử khí độc với mật độ theo khuyến cáo, với diện tích nhà rộng khoảng 160 m2 thì nên trồng khoảng 15- 18 cây cảnh trong các chậu có đường kính từ 12 đến 18 cm.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Hữu Đức, trường Đại học Y dược TP HCM, đa số cây cảnh có hoa, chùm quả rất đẹp, nhưng lại chứa những chất rất độc, phải tìm hiểu cây trước khi trồng tại sân nhà và trong nhà. Từng có trường hợp con trẻ bứt lá, quả cây cảnh để ăn, bị ngộ độc nguy hiểm tới tính mạng. Triệu chứng thường thấy là nôn mửa, tim mạch, hô hấp không bình thường, khó thở, cơ thể tím tái. Cha mẹ phải đưa con đi cấp cứu ngay khi có những bất thường nêu trên.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG