Những ông bố sẵn sàng nghỉ việc ở nhà chăm con

Ở Mỹ, có những ông bố không đi làm, chỉ ở nhà chăm con và họ làm rất tốt.

Chia sẻ việc chăm con với vợ

Kẩm Nhung, tác giả cuốn sách “Con là khách quý”, hiện đang sống cùng chồng và con gái nhỏ tên Xoài ở Chicago, Mỹ cho biết ở nơi chị đang sống, việc chăm sóc con cái được chia đều cho cả bố và mẹ.

“Các ông bố hoàn toàn có thể làm tốt như mẹ trong việc chăm con và dạy con. Ở Mỹ, mình vẫn thấy trẻ con đi chơi riêng với bố, đặc biệt là khi tập thể thao. Các ông bố ở Mỹ cũng thường tranh thủ trông con, ví dụ khi họ tập chạy trên đường phố hay công viên, họ cũng đẩy xe đẩy của con (loại xe đẩy dành riêng cho tập chạy). Ở Mỹ, còn có những người bố không đi làm, chỉ ở nhà chăm con và họ làm rất tốt, đặc biệt bởi bố thường không chăm bẵm trẻ quá nên đứa trẻ thường “dạn” hơn”, chị chia sẻ.

Khi chị sinh bé Xoài, hai vợ chồng chị phải đảm đương hết việc chăm con, trông con vì sống xa gia đình nội ngoại. Lúc đó chị đang đi làm, còn chồng đang hoàn thành nốt chương trình học. Chị bảo, một tay chồng chị tự chăm sóc con rất chu đáo. “Những tuần đầu, chồng mình tắm cho con, đến khi mình hồi phục thì cũng tham gia tắm cho con”, chị nói.

Theo một khảo sát năm 2011, các ông bố Mỹ ngày nay dành gần 7,5 giờ một tuần cho con, gấp ba lần so với 2,5 giờ năm 1965. Và gần một nửa số ông bố này muốn có thể dành thêm thời gian cho con họ.

Trong các câu chuyện chăm con, dạy con mà Kẩm Nhung chứng kiến ở bên Mỹ, vai trò của các ông bố cũng hiện lên rõ nét, thậm chí có vẻ “áp đảo” các bà mẹ.

Những ông bố sẵn sàng nghỉ việc ở nhà chăm con ảnh 1
 

Chị kể: “Một lần mình được chứng kiến một người đàn ông xử lý tình huống với hai đứa bé. Lúc đó ở trong công viên, một đứa bé gái mặc chiếc váy hồng có đính nơ sau lưng, vươn hai tay lên “Con muốn một quả bóng thật to! Thật to!” Người đàn ông phù hơi, thổi thật chậm để tạo thành một quả bóng lớn cho bé gái đó.

Nhưng ông vừa thổi xong thì một đứa bé trai nhảy lên để tranh quả bóng. Người đàn ông liền từ tốn nói: “Felix, ta đang thổi quả bóng to này cho Carrie. Con có thể đợi tới lượt, phải không nào?” Cậu bé gật đầu. Nhưng lúc ông thổi xong quả bóng thì cậu bé này lại nhảy lên tranh. Ông quay sang cậu bé và nói: “Ta hiểu, con muốn có quả bóng đó. Nhưng bây giờ là lượt của Carrie. Con có thể đợi tới lượt mình, phải không nào?” Lần này thì cậu bé đứng im, không nhảy lên tranh nữa. Sau khi thổi xong, người đàn ông quay sang bảo “Cảm ơn con, Felix. Giờ thì ta sẽ thổi cho con một quả bóng thật to nhé.”

Mình đã rất ngạc nhiên vì sự bình tĩnh của người đàn ông này. Ông ấy đã không tìm đường tắt: Ông không quay sang “ra lệnh” cho cậu bé “Đợi đến lượt đã!”. Không giận dữ vì cậu bé không nghe lời. Không thổi đại một quả bóng cho Felix trước cho xong chuyện. Ông cứ đi theo một con đường đã định, nhắc nhở cậu bé, thông cảm với mong muốn của cậu bé, nhưng vẫn kiên định nhắc cậu bé đợi, rồi khen ngợi khi cậu bé ngoan”.

Những tình huống bố dạy con tốt hơn mẹ

Vai trò của cha và mẹ là như nhau trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy con. Nếu các bà mẹ làm tốt việc cho con ăn, ru con ngủ thì những ông bố cũng có những việc làm tốt hơn mẹ như cùng con chơi các trò vận động mạnh, cho phép con chấp nhận thử thách…

Theo nhà tâm lý người Anh Larry Cohen, các ông bố có khả năng hoạt náo hơn cá bà mẹ trong các trò chơi thể chất và vận động thô cùng con. Đặc biệt, khi con ở tuổi thiếu niên, qua các hoạt động vui vẻ như cù nách hay ném gối, người cha có thể dạy trẻ rằng, thế giới này có vô vàn những loại tiếp xúc khác nhau rất thân thiện, vui vẻ và đáng yêu chứ không chỉ có gây gổ và tình dục.

Các ông bố sẽ giúp trẻ “dạn” hơn, tự tin và độc lập hơn khi không bao bọc con quá mức hay quá nuông chiều con như các bà mẹ. Khi con bị ngã hay xây xước, người cha sẽ không vồ vập như các bà mẹ và họ sẵn sàng để con tự chọn giải pháp xử lý. Điều này sẽ bồi đắp sự tự tin và khả năng phục hồi của trẻ. "Tôi có một người bạn, anh ấy thường nói với con rằng 'Đừng gọi bố trừ phi có ai đó bị chảy máu'", ông Cohen kể.

Các ông bố đọc sách cho con trước giờ đi ngủ tốt hơn mẹ. Theo Tiến sĩ Emyr Williams, giảng viên cao cấp môn tâm lý tại ĐH Glyndwr (North Wales) so với mẹ, người cha có thể tác động nhiều hơn đối với khả năng đọc và viết của trẻ. Người cha có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích bé trai đọc một cách độc lập. Các bé trai sẽ sớm tự đọc trong khi các bé gái vẫn thích được bố mẹ đọc cho lâu hơn. Một nghiên cứu mới đây của Học viện Làm cha (Anh) cũng nêu bật tầm quan trọng của người cha đối với khả năng học tập và phát triển của trẻ. Nghiên cứu phát hiện ra những đứa trẻ được cha đọc sách cho nghe thường xử sự tốt hơn, có khả năng tập trung hơn khi ở nhà trẻ. Bên cạnh đó, khả năng toán học của bé cũng tốt hơn. Lên 5 tuổi, những đứa trẻ này có vốn từ vựng lớn hơn, chúng có thể chọn từ một cách chính xác hơn và cũng có kỹ năng giải quyết vấn đề hơn.

Do quan niệm phụ nữ gắn bó đặc biệt với con cái theo bản năng làm mẹ mà nam giới không thể có, nhiều người cho rằng, các bà mẹ luôn chăm sóc con tốt hơn bố. Nhưng trong một nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu thấy rằng các ông bố cũng tốt như các bà mẹ trong việc xác định tiếng khóc của con - giúp họ trải nghiệm số thời gian bằng với người mẹ dành cho bé mới sinh.

Đặc biệt, theo nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Psychological Science, những người làm bố cho biết họ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn, nhiều cảm xúc tích cực hơn so với những người phụ nữ hay đàn ông độc thân. Điều này cho thấy, trong khi phụ nữ có con thường cảm thấy căng thẳng hơn trong việc chăm sóc con cái và làm việc nhà thì đàn ông lại ngược lại. Vai trò làm cha, chăm con, dạy con lại giúp họ hạnh phúc hơn.

Kim Minh

Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.