Những tác dụng phụ đáng sợ của que cấy tránh thai

Khi chị em cần cấy que tránh thai, cần đến các cơ sở y tế để tư vấn và đặt đúng kỹ thuật.
Khi chị em cần cấy que tránh thai, cần đến các cơ sở y tế để tư vấn và đặt đúng kỹ thuật.
Với tác dụng tránh thai trong 3 năm, nên que cấy tránh thai đang được nhiều phụ nữ ưa chuộng. Tuy nhiên, những tác dụng phụ của que cấy tránh thai đang khiến nhiều chị em lo ngại.

Truy tìm que cấy tránh thai sau 3 năm

Chị Ng.H ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) sau khi sinh con thứ nhất được 3 tháng đã đến một phòng khám sản tư nhân ở quận Hà Đông để tư vấn biện pháp tránh thai. Được bác sĩ (BS) giới thiệu phương pháp tránh thai mới rất tốt là cấy que tránh thai có tác dụng tránh thai trong 3 năm, chị H. chấp nhận ngay và BS đã cấy dưới da cánh tay chị 1 que cấy tránh thai. Hơn 2 năm sau, vợ chồng quyết định sinh thêm con, chị đã trở lại phòng khám để lấy que ra. Nhưng BS không tìm thấy que cấy tránh thai ở vị trí trước đây đã cấy. Lo lắng, chị H. đến BV sản, được BS giải thích: Do cấy que tránh thai ở cơ sở không đủ trình độ chuyên môn nên đã cấy que quá sâu, trong quá trình vận động của cơ thể, que đã di chuyển đến vị trí khác. Do vậy, BS đã phải dùng siêu âm để truy tìm que cấy lưu lạc mới có thể can thiệp. Sau lần đó, chị H đã sở hữu thêm một vết sẹo to ở cánh tay. Và khi sinh con thứ 2 xong, chị H không dám dùng đến que cấy tránh thai.

Rất nhiều chị em đã dùng phương pháp cấy que tránh thai vì nghĩ sẽ hiệu quả, an toàn. Nhưng không ít chị đã “hết hồn” khi phải hứng chịu những tác dụng phụ không hề nhẹ. Chị B.L (ở quận Ba Đình) đã rất bất ngờ khi đi khám sức khỏe định kỳ, được BS kết luận có thai. Đi khám lại BS sản, cũng có kết luận tương tự và được giải thích, không phải ai cũng thích hợp với cấy que tránh thai. Một số chị em khác lại điêu đứng với những tác dụng phụ sau khi cấy que tránh thai như bị ngứa, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, chóng mặt, chảy máu thường xuyên... Đặc biệt, có chị vô kinh hoàn toàn. Chị M.B (ở quận Đống Đa) sau khi dùng que cấy tránh thai, 9 tháng sau không thấy có kinh. Sau đó có có kinh trở lại thì bị rong đến 2 tháng chưa hết. Đi khám, BS kết luận do rối loạn nội tiết và kê thuốc uống, nhưng vẫn dầm dề, khiến cơ thể luôn mệt mỏi.

Cấy que tránh thai tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo quy định, trước khi cấy que tránh thai, người dùng phải đến BV có chuyên khoa sản, cơ sở y tế để khám tổng thể sức khỏe. Các BS thực hiện việc cấy que tránh thai vào người phải được học về kỹ thuật cấy nhằm đảm bảo que cấy chỉ nằm dưới da, không nằm quá sâu. Đặc biệt, chị em cần phải nắm được các tác dụng phụ có thể xảy ra sau đó.

Việc đặt que cấy tránh thai cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ với phụ nữ như: Vô kinh, tăng cân, mụn nhọt lên đầy người, tính nết trở nên thất thường, người mệt mỏi, thường đối mặt với stress, ham muốn tình dục giảm... Một trong những sai lầm mà nhiều người thường mắc là không chú ý đến thời hạn sử dụng của que cấy dưới da, hoặc lơ là việc khám định kỳ. Ngoài ra, còn phải kể đến việc chị em tự đặt que tránh thai hoặc chọn cơ sở y tế không uy tín, que cấy không an toàn, kém chất lượng, kỹ thuật cấy không đúng... sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe.

Phương pháp cấy que tránh thai là dùng 1 hay các que nhỏ như que diêm có chứa hormone progesterone cấy vào dưới da. Sau đó, các que cấy sẽ phóng thích dần dần lượng hormone vào cơ thể tạo ra tác dụng ngừa thai kéo dài có thể tới 5 năm. Thông thường, số lượng que cấy thường từ 1-6 que tùy loại. Loại lâu nhất là 6 que tác dụng trong 5-7 năm; 2 que tác dụng 5 năm; 1que tác dụng 3 năm...

Theo Lao Động
MỚI - NÓNG