Nỗi lo tàn phế do đột quỵ

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Sau chấn thương sọ não, đột quỵ do thiếu máu não là bệnh hiểm thứ hai gây tàn tật. Di chứng sau đột quỵ thường là nạn nhân bị liệt nửa thân.

Trung tuần tháng 4 vừa qua, anh Hoàng Ngọc Nguyên 42 tuổi, ở Khương Đình, Hà Nội là nhân viên kinh doanh của môt một công ty buôn bán bất động sản, đã phải nhập viện trong tình trạng liệt nửa người, mất khả năng nói khi đang ngồi làm việc trong văn phòng. Trước đó, anh Nguyên có tiền sử về bệnh cao huyết áp.

Trước ca bệnh của anh Nguyên, các bác sĩ điều trị đánh giá bệnh nhân bị tổn thương thần kinh ở mức độ trung bình. Tuy nhiên, do bệnh nhân được đưa cấp cứu muộn nên khả năng hồi phục hoàn toàn sẽ rất khó.

Bi đát hơn trường hợp anh Hoàng Ngọc Nguyên, chị Nguyễn Thị Huyền Trang 52 tuổi, ở Nguyễn Du, Hà Nội đang nấu cơm tối cho gia đình thì bỗng dưng cảm thấy đầu choáng váng, tay chân tê cứng, toàn thân lên cơn co giật, có dấu hiệu tụt huyết áp và chị ngất xỉu, chìm vào hôn mê. Dù gia đình đã vội vàng đưa chị đi cấp cứu và các bác sĩ đã hết lòng cứu chữa nhưng di chứng để lại vẫn khá trầm trọng. Chị Huyền bị liệt nửa người và mất khả năng kiểm soát hành vi.


Đột quỵ - lời giải cho bài toán khó

Bác sĩ Nguyễn Văn Thông (Khoa Đột quỵ, Bệnh viện TW Quân đội 108, Hà Nội) cho biết: Nguyên nhân dẫn tới đột quỵ của anh Nguyên và chị Huyền là do sự cung cấp máu cho não bị rối loạn (tắc mạch hoặc chảy máu não) dẫn đến tổn thương hoặc chết tế bào não. Có hai dạng đột quỵ:

1. Thứ nhất là đột quỵ thiếu máu não xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp vữa xơ động mạch.

2. Thứ hai là đột quỵ chảy máu não xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh não. Khi bị đột quỵ, một số nguy cơ khác như bệnh tim sẽ làm tăng mức độ trầm trọng của đột quỵ.

Các triệu chứng của đột quỵ đều xuất hiện đột ngột, thuờng cùng một lúc từ hai hay vài triệu chứng trở lên. Trong đó, thường có những biểu hiện như tê cứng chân tay, khó nói, mồm miệng lắp bắp, thị giác có vấn đề, đi đứng khó khăn, hoa mắt chóng mặt, mất thăng bằng hay rối loạn phối hợp vận động, nhức đầu, ói và kèm theo các triệu chứng khác…

Bệnh thường gặp nhiều ở người trung niên và cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên). Người càng nhiều tuổi thì nguy cơ đột quỵ não càng cao và hậu quả để lại càng nguy hiểm như: liệt nửa thân, tứ chi, mất thăng bằng, khó nói, không giao tiếp được… Đặc biệt bệnh nhân bị hội chứng sau đột quỵ, sa sút tâm thần, liệt, mù hay đi lại không vững.

Loại bỏ nguy cơ đột quỵ

Bác sĩ Nguyễn Văn Thông khuyến cáo: Muốn tránh được nguy cơ đột quỵ, bạn nên phát hiện sớm và theo dõi điều trị các bệnh tăng huyết áp, tăng lipid máu, đái tháo đường, bệnh mạch vành. Chú trọng phát hiện tiếng thổi tâm thu của động mạch cảnh ở cổ, một triệu chứng đặc hiệu của hẹp động mạch cảnh là nguy cơ đe dọa nhồi máu cơ tim và đột quỵ não. Ngoài ra, để phòng tránh nguy cơ đột quỵ, mọi người cần lưu ý những điều sau:

Không nên ăn nhiều chất béo như các loại thịt mỡ động vật, dầu ăn gây béo phì, đồ ngọt, tránh tăng cân đột ngột.

- Nên vận động ít nhất tuần 2 lần, thiếu vận động sẽ gây nhiều hậu quả có hại, nhất là người trung niên và người cao tuổi.

- Tránh các chấn động thần kinh, lo âu, buồn rầu và đời sống cô đơn. Có chế độ vui chơi, giải trí thích hợp và điều độ.

- Ngủ là yếu tố rất quan trọng trong quá trình tuần hoàn máu lên não, tránh các tác nhân gây mất ngủ, nên ngủ đủ giấc từ 6-8 tiếng/ngày.

- Những người có tiền sử về bệnh huyết áp nên giảm các yếu tố gây tăng hoặc giảm huyết áp quá mức.

- Không hút thuốc lá, thuốc lào, uống đồ uống có cồn và các chất caffein.

- Sinh hoạt trong môi trường lành mạnh, tránh các kích thích quá mức của âm thanh và ánh sáng.

- Tránh sự thay đổi khí hậu và thời tiết có tác động rất nhạy cảm, khởi phát cơn thiếu máu não nhất là khoảng thời điểm giao mùa, thay đổi đột ngột từ môi trường không khí giữa lạnh và nóng với khoảng cách quá cao cũng là yếu tố thuận lợi gây tái phát cơn thiếu máu não.

Cấp cứu đột quỵ kịp thời

Bước 1: Sơ cứu tại nhà

Đột quỵ não là một tình trạng khẩn cấp, cần gọi cấp cứu. Trong khi chờ xe cấp cứu, người nhà cần để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở. Nếu bệnh nhân nôn cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân.

- Nếu bệnh nhân co giật, cũng cần để bệnh nhân nằm nghiêng, đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi bằng cách dùng khăn vải quấn quanh một chiếc đũa đặt giữa hai hàm răng của bệnh nhân, để bệnh nhân không cắn vào lưỡi và thở dễ hơn.

- Tất cả các bệnh nhân cần được theo dõi ở khu săn sóc tích cực có sẵn các phương tiện hồi sức cấp cứu.

Bước 2: Cấp cứu tại viện

Quá trình đưa máu cho não bị ngưng trệ cứ mỗi phút 2 triệu tế bào thần kinh chết. Vì vậy, thời gian điều trị đột quỵ do nhồi máu não tốt nhất là trước 3 giờ đồng hồ.

Sau cơn thiếu máu não, điều quan trọng nhất là điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu dựa trên kết quả xét nghiệm cholesterol, triglycerid, có tác dụng làm tăng glycerid với liều 5-12mg/ngày. Thuốc điều trị phục hồi chức năng nhằm điều trị rối loạn thị giác và thính giác, căn nguyên bệnh lý mạch máu và rối loạn chức năng vỏ não (trí nhớ, trí tuệ...).

Các loại thuốc để điều trị đột quỵ gồm có: thuốc chống nghẽn mạch hay thuốc kháng đông giúp ngăn cản hoặc giảm khả năng hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn các động mạch não hay dòng máu.

Ngoài ra phẫu thuật cũng là phương cách để phòng ngừa đột quỵ như mổ nhằm loại bỏ những mảng xơ vữa gây hẹp lòng động mạch, sửa chữa mạch máu bị tổn thương hay bị dị dạng tại não hay ngoài não.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.