Nong tách bao quy đầu cho trẻ thế nào để khỏi nhiễm bệnh?

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Mấy ngày qua, thông tin về hàng chục bé trai bị sùi mào gà nghi do nong cắt bao quy đầu tại một phòng khám ở Hưng Yên khiến nhiều bậc cha mẹ "mất ăn mất ngủ". Vậy khi nào thì cần đưa con đi nong cắt bao quy đầu và nên thực hiện việc này ở đâu?

Hẹp bao quy đầu là gì?

Bao quy đầu là phần da che phủ quy đầu. Hẹp bao quy đầu (phimosis) là tình trạng bao da bó chặt quy đầu, không thể lộn hoàn toàn ra khỏi quy đầu được. Khi mới sinh, đa số trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý, nhưng cùng với thời gian, bao quy đầu sẽ tách khỏi quy đầu.

 Khác với hẹp bao quy đầu sinh lý, hẹp bao quy đầu bệnh lý là hẹp thực sự vì có sẹo xơ, hình thành sau viêm nhiễm hoặc do cố gắng quá mạnh để nong bao quy đầu trước đó.

Trong 4 biện pháp điều trị hẹp bao quy đầu hiện hành, 2 biện pháp đầu mang tính bảo tồn, ít gây đau đớn, 2 biện pháp sau là can thiệp ngoại khoa, gây xâm lấn, khiến trẻ đau đớn và có thể đi kèm tai biến:

- Kéo căng da quy đầu bằng tay mỗi ngày

- Kéo da quy đầu bằng tay kết hợp bôi thuốc mỡ chứa steroid

- Tiểu phẫu nong bao quy đầu bằng dụng cụ

- Phẫu thuật (cắt bao quy đầu, mở rộng bao quy đầu, cắt bỏ vòng hẹp)

Nghiên cứu tại các nước Anh, Pháp, Mỹ và ngay tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho thấy, điều trị bảo tồn cho những trường hợp bị hẹp bao quy đầu ở trẻ em là biện pháp rẻ tiền, dễ thực hiện, giúp tránh tai biến do phẫu thuật và các biến chứng lâu dài.

Phương pháp này hiệu quả không kém các phương pháp can thiệp bằng phẫu thuật; hơn nữa trẻ không bị đau, không bị sang chấn về tinh thần hay sang chấn tại chỗ như khi nong hoặc cắt bao quy đầu.

Để nhận thấy có cần nong tách bao quy đầu không, các BS khuyên cha mẹ chỉ cần chú ý da bao quy đầu mềm mại, có thể di động dễ dàng khi bạn kéo bao quy đầu về phía gốc. Nếu kéo mạnh sẽ thấy được miệng sáo – miệng niệu đạo (lỗ tiểu) của quy đầu.

Khi ấy quy đầu có thể lộ ra 1 phần nhỏ hay gần hết bạn có thể thấy được ranh giới giữa quy đầu và niêm mạc bao quy đầu. Có thể nhìn thấy, sờ thấy dưới da bao quy đầu là những hạt tròn, mềm, mầu trắng do cặn nước tiểu vón cục lại. Lỗ của da bao quy đầu mềm, mỏng. 
Mặt khác, đa phần trẻ em là hẹp bao quy đầu sinh lý, nếu vệ sinh, chăm sóc bao quy đầu tốt thì trẻ sẽ có thể  “tự hết hẹp”.

Do đó nong tách bao quy đầu là không cần thiết nếu trẻ không bị viêm dính bao quy đầu.

Việc bạn chăm sóc, vệ sinh cơ quan sinh dục, bao quy đầu hàng ngày chính là kích thích để  “dương vật tự nong rộng miệng bao quy đầu”.
Khi nong tách cần đến các cơ sở y tín, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu hoặc nam khoa có uy tín, được đào tạo bài bản để được khám và tư vấn cụ thể.

Khi đưa trẻ đi khám, học và hỏi cách chăm sóc bao quy đầu đúng cách, nếu trẻ lớn, có khả năng tự chủ cha mẹ có thể là người động viên, khích lệ trẻ tự biết cách chăm sóc bao quy đầu.

Chú ý:

- Với bé trai dưới 4 tuổi: không nên cố gắng nong bao quy đầu bằng tay vì có thể gây dính và sẹo xơ, dẫn tới hẹp bao quy đầu thứ phát.

- Với bé trai trên 4 tuổi, hoặc nhỏ hơn 4 tuổi nhưng có kèm các biểu hiện bất thường như tiểu khó (khi tiểu bé phải rặn, đỏ mặt hoặc khóc lóc, bao quy đầu phồng lên…) hoặc da quy đầu thường viêm nhiễm tấy đỏ thì nên lần lượt áp dụng hai biện pháp trên trước khi chuyển sang các biện pháp can thiệp ngoại khoa.

Trường hợp các biện pháp bảo tồn không mang lại kết quả, bác sĩ có thể tiến thành tiểu phẫu nong bao quy đầu hoặc phẫu thuật cắt bao quy đầu.

MỚI - NÓNG