Nương nhờ nhà vợ

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Anh chị là mối tình đầu của nhau. Khoảng thời gian yêu nhau không hề ngắn ngủi, nên cứ tưởng đã hiểu nhau rất rõ. Gia đình hai bên đều ở Hà Nội, nhưng anh học đại học xa nhà, thỉnh thoảng mới về thăm chị.

Quen nhau bảy năm mà quả thực anh không biết rõ về nhà vợ. Chị cũng không bao giờ kể về việc làm ăn hay kinh tế gia đình. Vài lần được chị dẫn về chơi, anh thấy gia cảnh nhà chị cũng bình thường, không có vẻ gì là giàu sang nên cứ nghĩ chẳng có khoảng cách gì để phải phân vân lúc tính chuyện trăm năm. Lấy nhau rồi mới thấy, hóa ra nhà vợ rất giàu và rất thích can thiệp vào việc của con cái. 

Mặc dù anh biết đó là sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần giúp con cháu có cuộc sống tốt hơn, nhưng các cụ vẫn có câu “của cho không bằng cách cho”. Cách cư xử của gia đình vợ luôn khiến người khác thấy anh kém cỏi, không tự lo được cho gia đình nên dựa dẫm vào nhà vợ. Là đàn ông, ai chẳng có lòng tự ái. 

Ban đầu vì nể trọng bố mẹ vợ, nên anh nghe lời chị và nhịn cho qua. Nhưng chẳng ai nhịn nhục được mãi nên dần nảy sinh mâu thuẫn không thể tìm được hướng giải quyết. Lòng tin trong nhau cũng mất đi, anh luôn thấy ngột ngạt. Thiên hạ bảo anh có phúc lắm mới được nhờ nhà vợ. Anh thì thấy phúc ít mà họa lại nhiều.

Anh mở công ty buôn bán vật liệu xây dựng nho nhỏ, tuy không quá phát đạt, nhưng công việc thuận lợi nên kinh tế gia đình không đến nỗi khó khăn. Chị làm kế toán, lương chỉ đủ chi tiêu vặt và mua sắm mỹ phẩm, váy áo cho mình. 

Mọi chi phí con cái học hành, công việc lớn bé trong nhà anh vẫn chu toàn, không để vợ phải bận tâm nhiều. Tính anh tự lập từ bé, dù gia đình hai bên đều ở Hà Nội nhưng anh quyết thuê nhà ở riêng. Anh đang tính, sẽ cố gắng làm ăn tích cóp vài năm, thiếu thì vay thêm, mua một căn nhà chung cư tiện nghi cho vợ con đỡ khổ thì năm ngoái, bên ngoại gọi về họp gia đình, nói sẽ mua cho anh chị một căn hộ đàng hoàng ngay trung tâm thành phố để tiện việc học hành của các cháu. Anh nhất quyết không nhận, nhưng chị bảo “tội gì” rồi nhanh chóng thuê người chuyển đồ đạc về nhà mới.

Từ khi có nhà mới, mọi sinh hoạt có vẻ thoải mái hơn, lại đỡ được khoản tiền thuê nhà kha khá. Chị mừng lắm, nhưng lòng anh vướng bận vô cùng. Nhà vợ thì vô tư lẫn vô tâm. Bất kỳ dịp nào có đông đủ họ hàng, mẹ vợ cũng mang chuyện sắm nhà cho con rể ra khoe, còn trách hờ anh không biết làm ăn nên để vợ con thiếu thốn.

 Bao lần anh phải muối mặt trước mọi người. Ngay cả hàng xóm mới cũng có lần vỗ vai bảo anh “số hưởng”. Thành ra nhiều cuộc vui, giỗ tết hay họp mặt gia đình, anh ngồi im, chẳng dám nói câu gì. Bực bội lắm, nhưng anh không thể thẳng thắn bày tỏ với bố mẹ vợ. Phần vì há miệng mắc quai, phần vì không muốn hỗn hào, bởi dù sao cũng là kẻ chịu ơn. Mà nếu anh nói, thể nào cũng xảy ra xích mích, phận làm rể, anh chẳng muốn gây không khí căng thẳng làm gì.

Anh đã nhiều lần nhắc vợ lựa lời mà nói cho mẹ hiểu. Nhưng chị luôn trả lời: “Thôi mà, anh cứ kệ mẹ. Mẹ nói vui miệng chứ chẳng có ý ác. Anh nghĩ ngợi làm gì cho đau đầu”. 

Điên tiết, anh gay gắt thì chị thủng thẳng đáp: “Mẹ nói không đúng sao? Anh không lo được bố mẹ mới phải lo. Bố mẹ mua cho cái nhà tiền tỉ còn không tiếc, vậy mà mới nói có mấy câu anh đã giận dỗi là sao? Người ta nói khéo léo thì được cả mà dại dột thì chả có gì”.

Chị coi thể diện của chồng là việc chẳng đáng bận tâm. Bố mẹ sắm sửa gì chị cũng vui vẻ gật đầu dù chồng ngồi lặng câm giữa nhà. Sau nhiều lần như vậy, anh thấy vợ xa lạ quá, như không phải người anh từng yêu, càng chẳng phải người đầu ấp tay gối bấy lâu nay. 

Chị không hiểu, không đồng cảm và càng không chia sẻ được với chồng những điều mà lẽ ra một người vợ phải đủ nhạy cảm, tinh tế để nhận thấy, nên từ lâu anh không có thói quen chia sẻ với chị điều gì. Không giải tỏa được bực bội trong người, anh đâm ra sợ ngôi nhà mình đang sống. 

Sau giờ làm việc, anh thường hay ngủ lại ở công ty hoặc la cà với bạn bè. Rồi vì chán nản, cô độc, anh tìm sự sẻ chia ở một người phụ nữ khác. Chị dĩ nhiên không biết, vì chị không có thói quen để ý tâm tư tình cảm chứ đừng nói là công việc hay các mối quan hệ của chồng. Niềm vui của chị là mua sắm, tán gẫu với bạn bè sau giờ làm việc, thỉnh thoảng đi du lịch với đồng nghiệp, thời gian còn lại thì dành cho hai đứa nhỏ.

Đến tận khi anh nói “chúng mình ly hôn đi”, chị vẫn ngơ ngác không hiểu tại sao. Chị xỉ vả anh đã nghèo còn sĩ, đã chẳng ra gì còn bồ bịch lăng nhăng. Chị nói, lấy anh chị được những gì, một căn nhà tử tế để mời đồng nghiệp đến chơi cũng không có, nên mới phải nhận nhà của bố mẹ đẻ mua từ tiền tích cóp dưỡng già. 

Những lời nói của chị như xát muối vào lòng anh. Nào phải anh ngu dốt đớn hèn gì, anh cũng đâu để vợ con phải khổ. Anh cũng nỗ lực vì phận sự “đàn ông xây nhà” mà vun vén đấy thôi. Mọi người có thể không hiểu nhưng chị là vợ anh, đã không gánh vác cùng chồng, không đồng cam cộng khổ, vậy mà mấy lời đó sao cũng có thể dễ dàng thốt ra. Sống với nhau bấy lâu hóa ra chị chẳng coi anh ra gì, xem ra anh trong mắt gia đình vợ chẳng khác gì chó chui gầm chạn.

Nương nhờ nhà vợ ảnh 1

Bố vợ nghe tin con rể muốn ly hôn thì hỏi:

- Con gái tôi xinh đẹp, giỏi giang, thử hỏi nó có lỗi gì? Vậy anh còn muốn gì ở phía chúng tôi?

Mẹ vợ ngọt nhạt dỗ dành anh như dỗ con nít:

- Vợ chồng có gì bảo nhau. Cuối năm bố mẹ sắm ô tô cho mà đi làm, mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu. Chúng mày là cứ sướng quá hóa rồ. Chả có chuyện gì cũng muốn lôi nhau ra tòa là cớ làm sao?

Đến ngay cả bố mẹ đẻ cũng trách anh sao nỡ đối xử với con gái người ta như thế, trong khi người ta tốt với mình. Anh như muốn phát điên khi không tìm được tiếng nói chung với người thân. Chị không chịu ly hôn, gia đình hai bên vừa gây áp lực vừa mềm mỏng hàn gắn. 

Anh chọn giải pháp ly thân, rời khỏi căn nhà đang ở để cảm thấy dễ thở hơn. Anh thà sống trong nhà thuê để làm những việc mình thích, nói những điều thấy cần và phấn đấu cho những điều mình mong mỏi. Anh không muốn sau này con cái anh lớn lên chúng phải nghe cái điệp khúc “cho nhà” từ ông bà ngoại. Chúng sẽ nghĩ bố thật kém cỏi, lúc ấy anh làm sao có thể khuyến khích con những mơ ước tốt đẹp trong đời. Anh sống và làm việc vất vả chẳng phải cũng chỉ để trở thành một ông bố tốt đó sao?

Anh không biết cuộc hôn nhân này còn có thể cứu vãn được không, nhưng anh biết chắc là mình đang hối tiếc. Ngày xưa yêu nhau, do học xa nhà, anh chị đã không có nhiều thời gian tìm hiểu kỹ về nhau. 

Vài tháng gặp nhau một lần không đủ để tạo ra những mâu thuẫn cần có trong đời sống để từ đó bộc lộ tính cách của nhau. Thế nên anh không biết chị là người sống ỷ lại và ham hưởng thụ. Với tính cách ấy, không thể tránh được sự rạn vỡ trong hôn nhân. Không chỉ là chuyện lần này, mà cả cuộc sống về sau, anh thấy khó có thể tin tưởng chị. Anh cũng hối tiếc rằng, nếu tìm hiểu kỹ hơn, biết gia đình nhà vợ giàu có, biết tính cách bố mẹ vợ như thế, chắc chắn anh sẽ không bao giờ tiến đến hôn nhân với chị. Ai ham giàu chứ anh thì không. Ai muốn nương nhờ nhà vợ chứ anh ngán ngẩm vô cùng.

Theo Phunuonline
MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.