Phải thay cả khớp vai vì theo thày lang bó lá

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh thực hiện một ca phẫu thuật khớp vai.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh thực hiện một ca phẫu thuật khớp vai.
TPO - Tin theo lời thầy lang chữa bệnh, bà C. đi đắp thuốc, bó lá chữa gãy trật khớp vai suốt 1 tháng. Đến Bệnh viện Việt Đức, tình trạng của bà trở nên quá nặng phải phẫu thuật thay khớp vai, nếu không bệnh nhân có nguy cơ bị tàn phế.

Con của bệnh nhân là ông Nguyễn Văn Tăng cho biết, mẹ ông bị ngã khi đi lại trong vườn nhà cách đây gần 2 tháng. Gia đình đưa bà C. 78 tuổi ở Văn Lâm, Hưng Yên vào Bệnh viện huyện để chụp chiếu, bác sĩ cho biết, bà bị gãy cổ xương cánh tay phải và chỉ định bó bột. Tuy nhiên gia đình và bệnh nhân ngại bó bột và quyết định “xin” cho  bà về theo lời mách bảo của hàng xóm đi đắp lá thuốc nam.

Sau hơn 1 tháng đắp lá bó thuốc, bà C vẫn không thuyên giảm, đau tăng lên, khớp vai ngày càng kém vận động.  Gia đình lại đưa bà vào nhập bệnh viện ở huyện nhà, bác sĩ cho biết bà C. bị gãy trật khớp, bó thuốc khiến khớp bị di lệch, chèn vào ổ không đúng vị trí, và cho chuyển bà lên điều trị tại Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức.

PGS TS Nguyễn Mạnh Khánh – người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân C. cho biết, bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng tổn thương rất nặng, đau ở khu vực khớp vai,  chức năng khớp vai không có, bệnh nhân không thể dạng vai, nâng vai, xoay vai do trật khớp, gãy xương. Sau chụp chiếu, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị gãy trật khớp vai, gãy cổ xương cánh tay, chỏm xương cánh tay trật khỏi khớp vai. Đặc biệt, bệnh nhân cao tuổi, đến viện muộn, do tự điều trị bằng thuốc nam lại nhà khiến phần mềm của bệnh nhân bị co dính.

PGS Khánh cho hay, nếu bệnh nhân đến sớm,  trật khớp vai thông thường có thể nắn lại, với trường hợp này, có thể là do hậu quả của bó lá không đúng.  Bác sĩ cho biết, bệnh nhân vừa trật khớp vai vừa gãy, lại đến viện muộn sau gần 2 tháng xảy ra tai nạn , không thể mổ đặt lại xương,  nên không còn lựa chọn nào khác ngoài phẫu thuật thay khớp vai nhân tạo.

Trong quá trình phẫu thuật cho bà C, chỏm xương cánh tay gãy trật, di lệch hẳn vào bên trong thành ngực, chúng tôi phải hết sức thận trọng mới  mới lấy được hết các phần chỏm xương bị vỡ, sau đó thay 1 chỏm nhân tạo mới vào. PGS Khánh cho biết, ở  vùng khớp vai, xung quanh có nhiều cơ quan mạch máu,  nếu phẫu thuật viên xâm nhập sâu quá sẽ  làm tổn thương đám rối thần kinh cánh tay hoặc làm tổn thương nhánh của động mạch nách.  Tất cả sẽ để lại hậu quả bệnh nhân sẽ bị  liệt hoặc gây thiếu máu chi.

PGS Khánh chia sẻ, tại  Viện chấn thương chỉnh hình, chúng tôi đã gặp và xử lý nhiều trường hợp bệnh nhân bó lá thuốc nam chữa bệnh xương khớp, và đây là một trong những trường hợp điển hình để lại hậu quả rất nặng nề cho người bệnh. Người không có hiểu biết, trình độ khi nắn chỉnh khớp không đúng dễ bị di lệch sai vị trí khớp, khiến bệnh không khỏi mà bệnh còn nặng thêm.

Theo PGS Khánh, nếu sau tai nạn, bệnh nhân đến viện sớm  và tuân thủ điều trị  của bác sĩ  thì việc phẫu thuật dễ dàng và bệnh nhân nhanh chóng hồi phục hơn. 

MỚI - NÓNG