Phát hiện sớm dấu hiệu tự kỷ: Giảm gánh nặng bệnh tật

Phát hiện sớm dấu hiệu tự kỷ: Giảm gánh nặng bệnh tật
TP - Bệnh nhân N.Q.Huy (34 tháng tuổi) được mẹ bế vào phòng khám gặp bác sĩ, nhưng trong suốt 15 phút đó, cậu bé luôn ngọ nguậy, nghịch phá, thi thoảng hét lên ầm ĩ, đòi cái nọ, cái kia và đánh vào mặt mẹ.

> Can thiệp sớm, trẻ tự kỷ có thể đi học
> Trẻ mắc bệnh tự kỷ đang tăng nhanh

Chị Tâm, mẹ bệnh nhi cho biết cậu bé biết đi khi chưa tròn 1 tuổi nhưng đến giờ vẫn chỉ ê a liên mồm chứ không nói được câu nào hoàn chỉnh. Thậm chí chỉ nói được từ đơn, còn từ ghép rất hạn chế.

Thấy con chậm nói, lại có biểu hiện khác lạ so với bạn bè cùng lứa, chị Tâm cho con đi học nhà trẻ với hy vọng có bạn bè con sẽ nhanh biết nói. Vậy nhưng Huy luôn là học sinh cá biệt trong lớp vì thói quen đánh bạn bè và ném đồ chơi lung tung.

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Phó trưởng Khoa tâm bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết với những biểu hiện như trên cùng kết quả trắc nghiệm tâm lý có thể khẳng định bệnh nhi mắc bệnh tự kỷ. Đây là căn bệnh không thể chữa khỏi nhưng lại cần điều trị lâu dài để tránh những hậu quả đáng tiếc khi trẻ lớn lên.

Thời gian gần đây số trẻ đến khám bệnh tự kỷ gia tăng đáng kể. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do cha mẹ đã đọc được thông tin về bệnh nên quan tâm và đưa trẻ đi khám khi thấy biểu hiện nghi ngờ của bệnh.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều trẻ được đưa đến khám khi bệnh đã nặng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của trẻ và gia đình. Vì thế bác sĩ Hương cho biết có những thời điểm được gọi là “cờ đỏ” để phát hiện bệnh ở trẻ dưới 24 tháng tuổi.

Theo đó, khi thấy trẻ có những biểu hiện như: Không bập bẹ nói khi 12 tháng tuổi, không có cử chỉ vẫy tay, chỉ tay, bắt tay, nhìn mắt, cười đáp khi 12 tháng tuổi, không nói được từ đơn khi 16 tháng, không nói được câu 2 từ khi 24 tháng hoặc mất kỹ năng giao tiếp ở bất kỳ lứa tuổi nào thì cần đưa trẻ đi điều trị bệnh tự kỷ.

Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển sớm ở trẻ em và diễn tiến suốt đời. Trẻ tự kỷ có những biểu hiện bất ổn từ lúc 7- 8 tháng tuổi, khi những đứa trẻ khác đã biết vui mừng, ôm lấy mẹ khi được ẵm, còn em bé tự kỷ thì lại thờ ơ, phản ứng cảm xúc không phù hợp với môi trường.

Trẻ ít nhìn ánh mắt, không chơi với bạn, gọi tên không quay đầu lại, không khoe, không chia sẻ quan tâm với người khác. Trẻ thường có các dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ; có các động tác định hình thô sơ, đơn điệu như chơi với hai bàn tay, một cọng dây, tờ giấy, hay kiễng chân khi đi… Nhiều trẻ còn kèm theo các rối loạn hành vi như gây hấn, kích động, tự đánh, cắn vào mình.

Bác sĩ Hương cho biết những dấu hiệu của bệnh tự kỷ thường có thể phát hiện từ khi trẻ 7-8 tháng tuổi. Tuy nhiên, cần ít nhất 6 tháng khám, bao gồm các công đoạn như khai thác kỹ tình trạng và những biểu hiện của trẻ từ lúc mới sinh, theo dõi trẻ, thực hiện các bài test và khám kỹ nhiều lần thì bác sĩ mới có thể đưa ra
kết luận.

Hiện nay bệnh tự kỷ chưa có phương pháp nào chữa khỏi mà chỉ có thuốc điều trị rối loạn đi kèm như tăng động, hung tính, động kinh.

Việc điều trị cho trẻ tự kỷ mang ý nghĩa nâng đỡ, giúp trẻ đa dạng hóa kỹ năng, tự chăm sóc bản thân và dễ hòa nhập hơn.

Bác sĩ cũng có thể can thiệp sớm bằng những trị liệu hành vi, dạy ngôn ngữ và giao tiếp, trị liệu vận động và điều hòa cảm giác, tự phục vụ, chơi tương tác, kỹ năng xã hội, tư vấn gia đình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.