Phạt tiền không thể ngăn ngoại tình

Phạt tiền không thể ngăn ngoại tình
Nhiều người cho rằng mức phạt 1-3 triệu đồng với người đi ngoại tình và cả nhân tình của họ là quá nhẹ, không đủ sức răn đe, trong khi đó theo các chuyên gia, hình thức xử phạt này khó khả thi.

Theo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình vừa ban hành, người đang có vợ hoặc chồng mà "kết hôn" hay "sống chung" với người khác sẽ bị phạt tiền từ một đến 3 triệu đồng. Nhân tình của người này cũng bị phạt mức tương đương. Trước thông tin này, không ít người "cười khẩy" cho là mức phạt quá thấp, không đủ sức răn đe.

Anh Hải, nhân viên một công ty in ấn ở Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng, quan hệ bất chính bị phạt tiền là hợp lý vì đây là hành vi vi phạm luật hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, mức phạt 1-3 triệu đồng là hơi nhẹ, không đủ khả năng khiến những người vi phạm giật mình thức tỉnh hay những người có ý định "tòm tem" phải cân nhắc kỹ hơn trước khi hành động.

"Tôi cho rằng nên phạt cao gấp ít nhất 10 lần. Giờ thuê nhà nghỉ vài giờ cũng hết vài trăm nghìn rồi, phạt thế khác gì trò hề", anh Hải nêu ý kiến.

Phạt tiền không thể ngăn ngoại tình ảnh 1

Cùng ý kiến này, chị Xuân (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, có người quen của chị từng tậu cả nhà, xe cho bồ nhí chỉ để một tuần qua tá túc vui vẻ vài lần, nên số tiền vài triệu với họ chẳng có ý nghĩa gì. "Ngoại tình ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm xúc của bạn đời, có thể còn phá nát gia đình, tổn thương con cái... mà phạt vậy thì quá nhẹ", chị Xuân bày tỏ.

Theo chị, nếu chồng mình đã ngang nhiên chung sống với người khác như vợ chồng thì chị sẵn sàng ly hôn ngay chứ không cần nhờ đến pháp luật xử phạt. "Theo quy định chung sống với nhau mới bị xử phạt thì hóa ra ngoại tình theo kiểu rủ nhau hú hí buổi trưa, đi công tác, chơi bời qua đường... không sao cả. Còn những người đã ở cùng nhà, có con với nhau rồi thì chắc họ cũng chẳng vì mất vài triệu mà chấm dứt quan hệ hoặc quay về với gia đình thực sự của mình", chị Xuân nói.

Bản thân những "người trong cuộc" cũng cho rằng, phạt tiền không thể ngăn ngoại tình. Thừa nhận đang có "phòng nhì", anh Quang (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng vấn đề anh lo là ai bắt gặp mình ngoại tình, bằng chứng chứng minh và quá trình xử lý chứ không nằm ở số tiền phạt.

"1-3 triệu đồng quá đơn giản, có khi không đủ để đưa bồ đi nhà hàng hay mua sắm một lần. Nhưng phạt thì phải ra chính quyền, trong khi cái mà cánh đàn ông 'ăn phở' ngại nhất là chuyện bại lộ rồi mất vợ, mất con. Dẫu sao bồ chỉ là chơi bời thôi, chứ đã tính đến chuyện bỏ vợ lấy bồ thì đã ly hôn rồi chứ đợi người khác đến phạt làm gì", anh Quang giãi bày.

Anh cho rằng, với những trường hợp ngoại tình kiểu công khai, thách thức dư luận thì mức phạt 1-3 triệu càng "không nhằm nhò" gì. "Nếu đã liên quan đến tình cảm thì rất khó ngăn cản nếu họ đã muốn tiến tới. Còn nếu muốn giảm số lượng các vụ ngoại tình thì phải tăng mức hình phạt lên", anh nói.

Có chồng trăng hoa, chị Thanh (Hà Đông, Hà Nội) thường cắn răng chịu đựng. "Lần đầu lão có bồ, mình khóc lóc vật vã, chồng thề thốt này kia. Lần sau nước mắt ít hơn nhưng mức độ khinh bỉ tăng lên... Mình không muốn làm to chuyện vì xấu chàng hổ ai, lại sợ các con biết sẽ không còn kính trọng bố chúng, hận đời, hư người", chị Thanh thổ lộ. Chị cho rằng, việc ngoại tình là phạm trù tình cảm nên phải giải quyết bằng tình cảm, hoặc nếu đã dùng đến pháp luật thì phải phạt thật nặng mới có thể khiến người ta sợ mà bỏ ý định xấu.

"Giờ chỉ mong chồng biết điều đừng quá lộ liễu, công khai để thiên hạ chê cười, con cái coi thường. Chưa bao giờ mình nghĩ tới việc tố cáo để người ta đến bắt chồng nộp phạt. Đến nước đấy rồi thì chắc chả bao giờ nhìn mặt nhau được nữa", bà mẹ hai con chia sẻ.

Trước đó, việc phạt người đã có gia đình mà chung sống như vợ chồng với người khác được áp dụng theo Nghị định 87 (ban hành năm 2001), với mức 100.000- 500.000 đồng. Đầu tháng 3 năm nay, Bộ Tư pháp đề xuất tăng mức phạt lên 200.000 đến 1.000.000 đồng. Tại thời điểm đó, kết quả khảo sát nhanh của VnExpress.net cho thấy 86% số người được hỏi cho rằng mức phạt tiền như vậy quá nhẹ và cần nặng hơn, chỉ 4% đánh giá phạt như vậy là hợp lý và 10% cho rằng nên giảm bớt.

Nhà tâm lý Hoàng Nhân, Trung tâm tham vấn tâm lý Hoàng Nhân cho rằng, ngoại tình là câu chuyện của đời sống nội tâm, tùy theo nhận thức của cộng đồng, của gia tộc mà đã có nhiều thiết chế giám sát và trừng phạt, có thể nói là rất nặng, xét về mặt tinh thần, với người mắc lỗi.

Theo ông, quy định của pháp luật đưa ra mức phạt là mang tính tượng trưng, cho thấy Nhà nước thể hiện ý chí không khuyến khích chuyện ngoại tình, nhưng cũng không thể cấm. Thực tế, trong những trường hợp này, hòa giải và khuyên bảo để người ta nhận ra cái gì nên và không nên mới hay chứ không phải là phân xử đúng sai và phạt.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt (TP HCM) cho rằng, ngoại tình thuộc lĩnh vực tâm lý, tình cảm, việc đưa ra luật xử phạt không có tác dụng ngăn ngừa hay giảm bớt tình trạng này.

"Rào cản lớn nhất với người ngoại tình là đạo đức, sự cắn rứt lương tâm, trách nhiệm với con cái, đối mặt nguy cơ đổ vỡ gia đình... nhưng họ đều vượt qua vì sức hấp dẫn quá lớn từ những mối quan hệ ngoài luồng. Như vậy, vài trăm, vài triệu làm sao đủ sức ngăn cản họ", bà Tâm nói.

Theo bà, ngoại tình hay không phải do bản thân mỗi người, tùy thuộc vào nền văn hóa, nguồn gốc gia đình, giá trị sống, nhân cách cá nhân, không có điều luật hay hình phạt nào cấm cản được họ. Ngay cả những lời khuyên, các "bí quyết" giúp bà vợ giữ chồng khỏi ngoại tình đôi khi cũng là không tưởng, vì mỗi người là chủ thể hành vi của mình. Cả hai chỉ có thể cố gắng giữ hòa khí gia đình, làm sao cả vợ lẫn chồng thấy đó là tổ ấm yêu thương cần phải giữ gìn để tự kiềm chế mình trước những cám dỗ.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn luật tố tụng dân sự - hôn nhân gia đình, ĐH Luật TP HCM thì cho rằng, việc xử phạt các trường hợp chung sống với người khác khi đã có gia đình là cần thiết. "Bất cứ công dân nào khi bị phạt cũng phản ứng nhưng có phạt sẽ giảm bớt hành vi vi phạm, buộc họ phải suy nghĩ về việc làm của mình và hạn chế chúng. Cũng như vi phạm luật giao thông, khi bị phạt anh sẽ phải có ý thức chấp hành cao hơn", ông Tiến nói.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, quy định phạt 1-3 triệu đồng như hiện nay sẽ khó khả thi và không giá trị. Bởi thực chất quy định này đã có trong luật từ rất lâu, nhưng từ trước đến nay rất ít người ngoại tình, chung sống với người khác như vợ chồng bị phạt, trừ một số ít trường hợp bị xử lý hình sự (vì theo quy định phải từng bị phạt hành chính mới đến bước xử lý hình sự). Do đó việc tăng số tiền phạt không giải quyết được vấn đề, mà quan trọng là quy định này có được thực hiện thực sự hay không.

"Theo quy định thì chủ tịch xã/phường là người có thẩm quyền phạt các trường hợp này. Nhưng các vụ việc này muốn phạt phải có bằng chứng và thu thập khá mất thời gian, ít ai làm được", ông Tiến nói và cho rằng để luật khả thi thì cần chỉ rõ những hành vi nào được coi là ngoại tình, xác định rõ thế nào là chung sống như vợ chồng và thực sự xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm.

Theo Vương Linh
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG