“Phát triển y tế cơ sở để chống gia tăng chi phí Bảo hiểm y tế”

Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PT.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PT.
TP - Ðấy là khẳng định của Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh, tại Hội nghị trực tuyến Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến y tế cơ sở, do BHXH Việt Nam cùng Bộ Y tế tổ chức sáng 6/7. Ðây là sự kiện hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam (1/7).

Y tế cơ sở cần làm tốt hơn vài trò của mình

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, sau 25 thực hiện BHYT toàn dân, tới nay đã đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hiện tỷ lệ bao phủ BHXH đã đạt trên 86,9% dân số, với hơn 81 triệu người tham gia. Tuy nhiên, theo bà Minh, đi cùng với bao phủ BHYT cao, cần bao phủ cả dịch vụ y tế và chất lượng nguồn nhân lực. Y tế cơ sở là nơi gần dân và người dân tìm tới đầu tiên, nên vị trí rất quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng KCB vẫn là vấn đề phải suy nghĩ, dù y tế xã đã có bác sĩ, nhưng vẫn nặng về kê đơn, cấp thuốc. “KCB tại tuyến cơ sở là thách thức không nhỏ với BHYT và ngành y tế. Đi một số trạm y tế xã thấy có máy móc rất hiện đại được nước ngoài tài trợ, nhưng đành đắp chiếu vì không ai sử dụng được, rất tiếc”, bà Minh nói.

Hiện cả nước có khoảng 12.000 trạm y tế xã, trong đó có 9.821 trạm đã ký hợp đồng KCB BHYT, với khoảng 21,5 triệu thẻ đăng ký khám ban đầu ở tuyến xã. Tuy nhiên, từ năm 2015 tới nay số người KCB tuyến xã có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2014 tỷ lệ người KCB ở tuyến xã chiếm 28,3% tổng cả nước (bằng các nước phát triển), nhưng hết năm 2017 chỉ còn 19,9%. Thực tế này do chất lượng KCB tuyến y tế cơ sở người dân chưa hài lòng, khi thông tuyến lên huyện người dân đã bỏ qua tuyến xã. Điều này làm tăng tỷ lệ người KCB tuyến trên, đặc biệt tuyến huyện, năm 2015 chỉ chiếm 43%, tới năm 2017 đã lên 51%.

Phát triển y tế cơ sở, theo bà Minh là giải pháp hiệu quả chống gia tăng chi phí BHYT bất hợp lý, đảm bảo cân đối quỹ, quyền lợi người tham gia.  Để làm được điều đó, BHXH đề nghị ngành y tế sớm trang bị nguồn nhân lực tốt cho tuyến y tế xã, tăng cường bác sĩ tuyến huyện, tỉnh về cơ sở xã thăm khám định kỳ. Cùng đó, mạnh dạn phân cấp một số dịch vụ về tuyến xã thực hiện, cùng đó là cơ chế để người dân nếu khám tuyến dưới được BHYT thanh toán, còn nếu sử dụng dịch vụ đó ở tuyến cao hơn sẽ phải bỏ tiền túi chi trả. Đồng thời, với các kết quả xét nghiệm ở tuyến xã cũng được liên thông lên tuyến trên, tuyến trên phải sử dụng kết quả xét nghiệm của tuyến dưới. “Có như vậy mới tránh được tình trạng BHYT thanh toán nhiều lần cho cùng 1 loại xét nghiệm”, bà Minh nói thêm.

Người đứng đầu ngành BHXH cũng đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đồng hành trong quản lý, sử dụng quỹ BHYT, đảm bảo quỹ ổn định. Muốn vậy, theo bà Minh, cần sự đồng hành của lãnh đạo các địa phương, để sử dụng Quỹ BHYT thông minh nhất, đảm bảo chi đúng, chi đủ, tránh lãng phí, lạm dụng, trục lợi. BHXH Việt Nam cũng không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, chuyển tư duy hành chính sang phục vụ, coi người bệnh và các cơ sở y tế là trách nhiệm phải chăm lo...

Ðầu tư mạnh cho y tế cơ sở

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong nửa đầu năm, chi KCB BHYT tại tuyến y tế cơ sở là 1.220 tỷ đồng (chiếm 2,6% tổng chi quỹ), tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, KCB tại tuyến y tế cơ sở đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Chất lượng KCB chưa đạt yêu cầu của người dân; chính sách KCB thông tuyến khiến nhiều người lên tuyến trên; công tác thanh kiểm tra, giám sát hoạt động cơ sở y tế còn hạn chế... Do đó, để tăng hiệu quả hoạt động KCB tại y tế cơ sở, BHXH Việt Nam kiến nghị cần khắc phục các điểm hạn chế trên. Cùng đó, tăng cường KCB ban đầu tại tuyến cơ sở, như thực hiện gói dịch vụ cơ bản, quản lý bệnh mãn tính ở trạm y tế xã; hạn chế KCB thông thường ở các tuyến trên...

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, y tế cơ sở là nơi gần dân nhất, thực hiện chức năng chăm sóc, phòng bệnh với chi phí thấp nhất. Tuy vậy, bà Tiến cũng thừa nhận thực tế, do chất lượng KCB nên người dân chưa tin tưởng y tế cơ sở. Để cải thiện, người đứng đầu ngành y tế cho hay, Bộ Y tế đang thí điểm chăm sóc các bệnh không lây nhiễm, bệnh thông thường (như huyết áp, tiểu đường, hen) ở tuyến cơ sở, tiến tới thực hiện một số xét nghiệm ở tuyến này. Đồng thời, luân chuyển bác sĩ tuyến huyện về thăm khám ở tuyến xã, và đào tạo đội ngũ bác sĩ gia đình...

Bà Tiến dẫn kinh nghiệm một số nước phát triển, để có nguồn lực phát triển y tế cơ sở, một số nước sử dụng các nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt, như rượu, bia, thuốc lá để đầu tư. Tương tự, Việt Nam có quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, thời gian tới Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, đề xuất sử dụng các nguồn quỹ như vậy để đầu tư chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong nửa đầu năm 2018, tổng số lượt KCB BHYT là 84,9 triệu, tăng 9.4 % so với cùng kỳ năm trước. Với tổng số tiền đã chi BHYT là 47.309 tỷ đồng (chiếm 51,91% dự toán cả năm), tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi tiền thuốc/máu chiếm 37% tổng số chi, tiếp đến là chi cho tiền giường (16,8%), xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh (10%)... Có 60/63 tỉnh thành bội chi quỹ, chỉ 3 địa phương cân đối được Quỹ BHYT (TPHCM, Ðồng Nai, Bình Dương). 
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.