Phẫu thuật giảm béo, lợi và hại

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Phẫu thuật giảm béo là phẫu thuật dạ dày hoặc ruột hoặc cả hai để giúp bệnh nhân béo phì giảm cân thông qua việc hạn chế lượng thức ăn hoặc hạn chế khả năng hấp thụ một số thực phẩm mà bệnh nhân ăn. 

Phương pháp này thực ra là phương pháp chữa bệnh, được chỉ định cho những bệnh nhân béo phì chứ hoàn toàn không phải phẫu thuật thẩm mỹ. Bên cạnh tác dụng giảm béo thần tốc, thì nó cũng có những nguy cơ biến chứng nhất định. 

Hiệu quả giảm cân kỳ diệu

Các phương pháp thường là cắt bớt dạ dày hoặc ruột, đặt bóng trong dạ dày, hoặc dùng đai thắt dạ dày. Sau những phẫu thuật này, bệnh nhân sẽ được tiếp tục “hưởng thụ” cuộc sống khá thoải mái, nếp sinh hoạt, ăn uống ít có thay đổi mà vẫn giảm cân. 

Tuy nhiên, phẫu thuật giảm béo chỉ dành cho những bệnh nhân cần phải giảm lượng lớn cân nặng. Với những người tuổi từ 18-65, có chỉ số BMI (cân nặng chia cho bình phương chiều cao) trên mức 40 (với người châu Âu) và trên 35 (người châu Á).

Phương pháp này cũng chỉ được tiến hành với bệnh nhân quá béo mà không thể giảm cân với các phương thức chữa bệnh khác hoặc bệnh béo phì đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, với các biến chứng như tim mạch, huyết áp cao, đái tháo đường... Người bệnh phải hiểu đây là phương pháp chữa bệnh cần thiết chứ không phải phương pháp thẩm mỹ. 

Ở những bệnh nhân béo phì nặng, phẫu thuật giảm béo mang lại kết quả vượt trội so với các phương pháp không phẫu thuật về khả năng giảm cân và tính ổn định. Tùy thuộc vào loại hình phẫu thuật, bệnh nhân có thể giảm khoảng 50-60% trọng lượng cơ thể dư thừa và sau đó duy trì khả năng giảm cân khoảng 40% sau vài năm. 

Tại Mỹ, hiện có hơn 200.000 ca phẫu thuật béo phì thực hiện mỗi năm và phẫu thuật giảm cân có thể giúp giảm nguy cơ tử vong xuống đến 40%. Phẫu thuật giảm béo mang lại hiệu quả trong việc chữa hoặc cải thiện nhiều bệnh lý từ chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (95-98%), bệnh buồng trứng đa nang, viêm khớp thoái hóa.

Tốt nhất là khả năng chữa hoặc cải thiện bệnh tiểu đường ở những bệnh nhân béo phì. Điều này đơn giản do bệnh tiểu đường ở bệnh nhân béo phì là rất phổ biến nên dễ đáp ứng với phẫu thuật.

Nhưng cũng nhiều nguy cơ

Tuy vậy, nhược điểm lớn nhất của phẫu thuật giảm béo là phải “động dao kéo”, vì vậy có thể dẫn đến những tai biến trong phẫu thuật. Đối với phương pháp cắt ruột, dạ dày, đây còn là một quy trình không thể đảo ngược, những phần dạ dày, ruột đã cắt sẽ không thể lấy lại được trong khi đôi lúc chính các phẫu thuật viên cũng không định lượng chính xác lượng dạ dày, ruột cắt đi phù hợp với từng bệnh nhân.

Phương pháp đặt bóng sau khi tiến hành cũng bộc lộ nhược điểm là phần bóng đè vào niêm mạc dễ gây loét dạ dày hoặc sau một thời gian, dạ dày giãn ra, quả bóng đặt vào vô ích, bệnh nhân lại tiếp tục ăn nhiều trở lại.

Đặt đai giảm béo được coi là kỹ thuật ít biến chứng nhất, được thực hiện bằng thủ thuật nội soi đơn giản. Các bác sĩ sẽ dùng một chiếc đai đặt ở phần trên của dạ dày, tạo thành một túi nhỏ đựng thức ăn, khiến cho người bệnh thấy no nhanh hơn, không còn có nhu cầu ăn nhiều. Ưu điểm của phương pháp này là có thể điều chỉnh kích thước của đai thắt. Thậm chí khi bệnh nhân đã trở về được trọng lượng mong muốn có thể tháo đai ra. 

Phẫu thuật béo phì muốn thành công cũng đòi hỏi bệnh nhân phải áp dụng một chế độ ăn uống khoa học và duy trì thói quen lành mạnh suốt đời. Tại Việt Nam, việc phẫu thuật giảm béo gần như chưa được phổ biến mà mới chỉ áp dụng ở bệnh viện hàng đầu là Bệnh viện Việt Đức. Sở dĩ vậy, theo các bác sĩ, nếu phổ biến rộng rãi thì với chi phí chỉ khoảng trên 50 triệu đồng, rất có thể phương pháp này sẽ bị khách hàng và các cơ sở y tế, thẩm mỹ lạm dụng, coi là một phẫu thuật thẩm mỹ.

Theo Theo ANTĐ
MỚI - NÓNG