Phép thuật của trầm hương

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
“Cao ly sâm tốt mấy cũng chẳng màng - Trầm hương dù mất vị, bạc ngàn cũng mua”.

Nhận dạng cây thuốc

Hiện nay, trầm hương là một trong những cây thuốc Nam quý nằm trong Sách Đỏ Việt Nam cần được bảo tồn. Trầm hương sinh ra từ gỗ thân già mục của cây trầm gió chuyển hóa mà thành; nhiều khi do một loại nấm gây mục nát thân cây trầm gió rồi chuyển hóa tạo nên. Là loại cây to cao tới 30-40m, vỏ nâu xám. Lá mọc so le, xanh bóng, có lông. Cuống dài 4-5mm cũng có lông, mặt trên thành rãnh. Cụm hoa hình tán hay chùm, mọc ở kẽ lá. Hoa màu trắng tro, quả khô.

Lâu nay người ta chỉ biết rằng cây càng già (từ 10-20 năm trở lên), gỗ cây sẽ biến thành một chất bóng như đá sỏi, có những vết nhăn, gồ ghề trông giống như cánh con chim ưng. Tuy nhiên, cũng có những mẩu gỗ không có các điểm trên mà chỉ có một màu nâu đỏ đều. Có những miếng gỗ chỉ có những điểm màu lam nhạt. Hình dáng, kích thước trầm hương thì muôn hình vạn trạng. Có khi là miếng gỗ, có khi là những cục hình trụ.

Ma lực của trầm hương

Trầm có mùi thơm hơi hắc, đặc biệt khi đốt sẽ cho mùi thơm tinh dầu trầm không thể lẫn lộn với một loại hương thơm nào khác. Những vật phẩm chế tác từ kỳ có hương thơm gần như là mãi mãi. Tinh dầu thơm của trầm kết hợp với tinh dầu xạ hương (lấy từ túi thơm của con cầy hương) sẽ tạo ra một mùi hương rất đặc biệt, rất mạnh và quyến rũ. Trầm hương còn được Đông y coi là một vị thuốc rất quý, giúp bổ dương, bổ thận khí, chữa yếu sinh lý ở đàn ông, trợ tim, trị tiêu chảy, chống nôn...

Theo lương y Lương Phú Đạt, một người chuyên khám bệnh, bốc thuốc gần 40 năm tại Phòng khám trị bệnh theo Y học cổ truyền, 167 Giải Phóng, cho biết: “Trầm hương có công dụng nổi bật là bổ khí, nhưng tùy vào liều lượng mà công dụng chữa bệnh của nó khác nhau. Mỗi nhà thuốc Đông y chuyên một vị thuốc khác nhau, nhưng hiện nay rất ít gia đình cha truyền con nối đưa trầm hương vào bài thuốc của mình, vì nó hiếm và đắt. Hiện nay đa số là trầm gỗ nâu thôi”.

Dạo quanh một vòng các nhà thuốc Đông y phố Lãn Ông, bà Tuyết Minh chủ một nhà thuốc cho biết rằng: “Một lạng trầm tính ra cũng tương đương với một lượng vàng, rất quý hiếm, phải thực sự cần thì người thầy thuốc mới dám cho trầm hương vào việc trị bệnh. Trầm có vị đắng, khí giáng xuống (chìm xuống). Trầm giúp bổ nguyên dương, bổ thận khí, trợ sức cho công năng của tỳ thận. Ngoài ra, nó còn có tác dụng trợ tim, mạnh tim, lợi tiêu hóa, trị tiêu chảy, chống nôn; tác dụng rất hay trong trường hợp hen suyễn thở dốc”.

Phép thuật của trầm hương ảnh 1

Một số bài thuốc từ trầm hương:

Trị chứng xúc động mạnh gây khó thở: Bột trầm hương và nhân sâm (mỗi thứ 2 chỉ), đem hãm với một chén nước sôi khoảng 10 phút, lấy nước để uống. Phương thuốc này rất hiệu nghiệm trong trường hợp bị xúc động mạnh, khí nghịch lên trên gây khó thở.

Trị chứng nấc, nôn ói: Bột trầm hương, nhục đậu khấu, hạt tía tô (mỗi thứ 2 chỉ). Cách chế biến cũng đem hãm như trên rồi lấy nước uống, có tác dụng trị chứng nấc, nôn ói do bị lạnh, khí nghịch.

Hỗ trợ nam giới: Bột trầm hương, nhân sâm, quế nhục, ngũ vị tử và chích thảo (cam thảo đã sao) đem hãm với nước sôi để uống. Bài này dùng cho những trường hợp nam giới bị lạnh ở bụng dưới; tay, chân thường xuyên lạnh; khả năng sinh dục bị suy yếu.

Lưu ý: Tuy có khá nhiều công dụng thần kì, nhưng người có chứng âm hư hỏa vượng (đang sốt, khô gầy) tuyệt đối không được dùng trầm.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG