Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Khẩn trương nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng bệnh COVID-19

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Khẩn trương nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng bệnh COVID-19
TPO - Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tổ chức, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, ngay từ những ngày đầu có dịch bệnh COVID-19, các Bộ, cơ quan liên quan, các nhà khoa học đã khẩn trương nghiên cứu và đã phân lập, nuôi cấy được virus gây bệnh, sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm, từng bước hoàn chỉnh phác đồ điều trị… góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh do SARS-CoV-2 gây ra ở nước ta thời gian qua.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao: Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức, nghiên cứu và sản xuất vắc-xin phòng bệnh do SARS-CoV-2 gây ra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Mới đây, Công ty TNHH Một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) - Bộ Y tế cho biết, đã bước đầu nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin COVID-19 và tiêm thử nghiệm thành công trên chuột.

Theo đó, ngay từ khi Việt Nam ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tháng 1/2020, các nhà khoa học của công ty đã hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vắc-xin phòng bệnh COVID-19 dựa trên công nghệ vector virus. Đến nay, nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus SARS-CoV-2. Kháng nguyên của virus SARS-CoV-2 trong thành phần vắc-xin khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2, tạo miễn dịch phòng bệnh. Đây là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất vắc-xin.

TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 cho biết: “Loại vắc xin mà chúng tôi hướng đến là loại sử dụng protein. Công nghệ này tuy khó khăn ở bước đầu để tạo ra protein đáp ứng miễn dịch nhưng các bước sau thì sẽ đi nhanh hơn so với công nghệ tổng hợp gene.Việc này giúp rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất vắc-xin, dễ nâng quy mô sản xuất và giảm giá thành, đáp ứng tốt nhu cầu về vắc-xin trong trường hợp khẩn cấp khi xuất hiện các tác nhân gây bệnh mới, nguy hiểm như COVID-19. Tuy nhiên, do yêu cầu nghiêm ngặt trong quy trình phát triển vắc-xin nên dù nhanh nhất và thuận lợi nhất thì cũng phải mất 12 tháng mới có kết quả”.

Khi một người được tiêm vắc-xin, hệ thống miễn dịch của người đó sẽ được kích hoạt và nhận biết các tác nhân xâm nhập vào cơ thể - bao gồm vi khuẩn và virus, đồng thời sản xuất ra kháng thể để chống lại các tác nhân này. Nếu sau đó con người lại tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh này, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ nhanh chóng nhớ lại cách tiêu diệt chúng và bảo vệ cơ thể không mắc bệnh.

Các nhà khoa học sử dụng virus sống, đã được làm yếu đi hoặc đã chết, hoặc một phần của mầm bệnh, bào chế vắc-xin rồi đưa vào cơ thể, "lừa" cơ thể xây dựng hệ miễn dịch mà không bị mắc bệnh.

MỚI - NÓNG