Phòng, chống tác hại rượu bia: Kêu gọi hành động vì người trẻ!

Sống có trách nhiệm – uống rượu bia là không lái xe (Ảnh:anninhthudo.vn)
Sống có trách nhiệm – uống rượu bia là không lái xe (Ảnh:anninhthudo.vn)
Một trong những vấn đề được ưu tiên nhất để giảm tác hại của rượu bia là giáo dục và truyền thông nhằm giảm tính sẵn có của rượu bia, phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai tiếp cận với rượu bia. Vì thế, để thay đổi thói quen hàng trăm năm nay của người dân, hướng tốt nhất trong tiếp cận là tác động vào thế hệ trẻ, giảm tiếp cận của giới trẻ với sản phẩm.

Đây là một trong những hướng tiếp cận mà Bộ Y tế đã đặt ra ngay sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 tới.

Trẻ vị thành niên Việt Nam dễ tiếp cận rượu bia

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ sáu đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%.

Đặc biệt, tỷ lệ có uống rượu bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14-17 tuổi) rất cao với 47,5% và trong độ tuổi 18-21 là 67%. Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013, có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất một lần.

Có một thực tế rõ ràng, trẻ vị thành niên Việt Nam không khó tiếp cận rượu, bia. Tình trạng rượu thủ công được bán không kiểm soát. Hầu hết các gia đình đều có hũ rượu ngâm các loại lá, thuốc để uống. Trẻ con đi mua bia, rượu dễ như đi mua đồ dùng phổ thông. Thậm chí, nhiều gia đình còn khuyến khích con em mình thể hiện bản lĩnh nam nhi bằng cách phải “nhấp môi” vài chén trong những bữa tiệc vui, giỗ chạp của gia đình.

Nguyên nhân của sự gia tăng sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên, theo kết quả các nghiên cứu trên thế giới, có một phần quan trọng là do tác động của quảng cáo, khuyến mại về rượu bia đang ngày càng phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay.

Theo các chuyên gia, để trẻ tiếp xúc với đồ uống có cồn sớm góp phần làm gia tăng tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng rượu bia qua các năm. Việc vị thành niên, thanh niên sử dụng rượu, bia gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Ngoài những hậu quả chung như ngộ độc, tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, gan, tăng nguy cơ phạm tội… còn khiến trẻ lạm dụng các chất gây nghiện khác.

Theo Nghiên cứu của học viện cảnh sát tại 11 tỉnh năm 2015 thì phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70% và nguyên nhân của việc số đối tượng vi phạm pháp luật do sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn chủ yếu nằm trong độ tuổi 16 đến 30 do đây là lứa tuổi còn trẻ, chưa có suy nghĩ và dễ lôi kéo, kích động dẫn đến thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp năm lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống, đó là khả năng nghiện rượu cao gấp bốn lần và khả năng tham gia bạo lực thể chất cao gấp sáu lần sau khi uống; khả năng gây tai nạn xe cộ cao gấp hơn sáu lần do uống rượu bia; khả năng bị chấn thương gấp gần năm lần sau uống.

Giảm tiếp cận của giới trẻ với sản phẩm rượu, bia

Những quy định rõ về độ tuổi được phép mua, sử dụng rượu bia và quy định nhằm kiểm soát quảng cáo, khuyến mại rượu bia trên các phương tiện truyền thông đại chúng là các giải pháp vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống tác hại của sử dụng rượu bia đối với thanh thiếu niên Việt Nam.

Việc kiểm soát hoặc cấm hiệu quả việc quảng cáo rượu, bia có thể làm giảm mức tiêu thụ, đặc biệt là ở giới trẻ và góp phần làm giảm tai nạn giao thông và bạo lực. Tăng giá bán rượu, bia cũng làm hạn chế cơ hội tiếp cận của người đang sử dụng nói chung và lớp trẻ. Đây là cách mà Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia tiếp cận trong quá trình xây dựng luật.

Tuy nhiên, trong khi chúng ta có được những quy định về cấm quảng cáo giờ vàng, cấm quảng cáo rượu, bia tại một số điểm công cộng, cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi… nhưng có những điều chúng ta vẫn chưa tiệm cận được khuyến nghị của thế giới, đó là tiến tới tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế cơ hội tiếp cận của người sử dụng.

Việc Luật bỏ ngỏ quy định quảng cáo trên không gian mạng làm cho Luật phần nào mất đi tính nghiêm minh. Hiện nay, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mạng Internet để mua bán rất lớn, trong khi đó, các quảng cáo rượu bia hiện nay được các nơi bán quảng cáo với nhiều hình thức mới, rượu bia được bán online không phụ thuộc vào thời gian và vị trí địa lý… Rõ ràng, cơ hội tiếp cận rượu, bia của trẻ em Việt chưa hề được thu hẹp nhiều khi có Luật Phòng chống tác hại rượu, bia ra đời.

ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ngoài các địa điểm công cộng được quy định trong Luật, Nghị định đề xuất có thêm một số điểm mới sẽ cấm bán rượu, bia, để hạn chế tính sẵn có của rượu bia tại những nơi công cộng như cấm tại rạp chiếu phim và công viên - nơi vui chơi giải trí của giới trẻ.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, để tăng hiệu quả tuyên truyền về tác hại của rượu bia, Ủy ban đã đề nghị Bộ GD-ĐT bổ sung thêm nội dung này vào hệ thống kiến thức giáo dục pháp luật và kỹ năng bảo đảm ATGT cho học sinh trong chương trình chính khóa.

Muốn hạn chế sử dụng rượu bia, hãy tập trung những biện pháp để bảo vệ những người trẻ để hình thành một thế hệ mới nêu cao tinh thần “uống có trách nhiệm”.

MỚI - NÓNG