Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống hiệu quả

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Có quá nhiều phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột cống cổ, cột sống thắt lưng. Người bệnh rất muốn biết nên chọn phương pháp nào và vào giai đoạn nào của bệnh lý.

Trước hết ta nên biết, nguyên nhân chính gây ra thoát vị đĩa đệm cột sống là do quá trình lão hóa sinh lý và các rối loạn của một số bệnh lý trong nhiễm khuẩn, bệnh về khớp, rối loạn chuyển hóa cùng với các vi sang thương xảy ra hàng ngày trong cuộc đời hoạt động của mỗi con người. 

Có thể nói thoát vị đĩa đệm là hậu quả của bệnh thoái hóa xương-sụn cột sống mà tổn thương sớm nhất diễn ra ở nhân nhầy đĩa đệm. Một số lớp của vòng sợi bị đứt, gãy, rách hoặc mất khả năng co giãn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân nhầy dịch chuyển khỏi vị trí sinh lý của nó. Sự dịch chuyển này có thể gây ra chèn ép bao màng cứng, chèn ép rễ thần kinh hoặc chèn ép tủy. 

Thoát vị đĩa đệm cột sống thường kèm theo sự thoái hóa có tính chất hệ thống của các dây chằng, các khớp nhỏ, mâm sụn và thân đốt sống tạo nên các gai sống. Vì vậy, điều trị nhằm hai mục đích là bảo tồn và giải phóng sự chèn ép lên các cấu trúc thần kinh của cột sống.

Điều trị bảo tồn: hiểu rõ nguyên nhân và những biến đổi mô sinh học trong thoái hóa cột sống, chúng ta thấy việc điều trị bảo tồn và dự phòng các nguyên nhân trên là một điều không thể coi nhẹ, ngay cả một số bệnh nhân đã được can thiệp bằng ngoại khoa. Có thể nói, phần lớn các bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nhẹ có thể điều trị ổn định bằng phương pháp bảo tồn. 

Tuy vậy, các phương pháp điều trị bảo tồn như: nghỉ ngơi, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, dùng thuốc, châm cứu, thể dục, vật lý trị liệu, phong bế thần kinh, chích xơ, nắn bóp… không phải tất cả lúc nào cũng cho ta một kết quả mong muốn, đặc biệt là ở những bệnh nhân có thoái hóa cột sống nặng với các ổ thoát vị lớn gây hội chứng chèn ép bao màng cứng, tủy và rễ thần kinh, có hội chứng rối loạn thần kinh thực vật. 

Khi các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại kết quả, đó là lúc bệnh nhân có thể được chỉ định can thiệp ngoại khoa. Trong can thiệp ngoại khoa, y học chia ra làm hai phương pháp: xâm lấn và ít xâm lấn hay còn gọi là vi sang thương.

Mổ hở: phương pháp kinh điển được thực hiện từ năm 1934 và đến nay vẫn được áp dụng nhiều, có chỉ định rộng rãi. Ngoại trừ những bệnh lý kèm theo mà trong mổ hở chống chỉ định kể cả phần chống chỉ định trong gây mê. 

Tuy nhiên, phương pháp mổ hở cũng chứa nhiều rủi ro và biến chứng. Mổ hở sẽ phá hủy một phần cấu trúc bình thường của cột sống, làm yếu cột sống, sẹo sau phẫu thuật có thể gây co kéo dây thần kinh, tâm lý của người bệnh thường là sợ phải phẩu thuật. 

Thật vậy, với thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, không phải chỉ có bệnh nhân ngại phẫu thuật, mà ngay cả các phẫu thuật viên còn ít kinh nghiệm vẫn ngại cầm dao kéo trong phẫu thuật này và thường nói với người bệnh về kết quả là 50 - 50. Cùng với sự phát triển khoa học trong lĩnh vực y tế, một số phương pháp can thiệp ít xâm lấn hơn được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Các can thiệp ít xâm lấn (hay còn gọi là vi sang thương) gồm:

Tiêu nhân nhầy bằng hóa dược; cắt hút đĩa đệm qua da; cắt bỏ đĩa đệm nội soi; giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da; tiêu nhân nhầy bằng Ozon; nhiệt điện trong đĩa đệm; tạo hình nhân tủy bằng sóng radio.

Điều trị bằng laser: sử dụng laser trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống là một can thiệp ngoại khoa không phẫu thuật, hay còn gọi là phương pháp vi sang thương. Đây là một trong những phương pháp vi sang thương, mà đích đến chỉ là chỉ can thiệp trực tiếp vào nhân nhầy làm giảm bớt thể tích nhân nhầy, biến đổi cấu trúc của nó, làm cho nhân nhầy co hồi lại, giải phóng sự chèn ép lên các cấu trúc thần kinh. 

Các can thiệp này không cần gây mê, không làm phá vỡ cấu trúc của cột sống, không tạo sẹo gây chèn ép rễ thần kinh, can thiệp nhẹ nhàng lên cột sống, sau can thiệp bệnh nhân có thể về nhà ngay. Rõ ràng thủ thuật có độ an toàn cao, ít biến chứng và hiệu quả đạt trên 80 - 85%. Khoảng 80% các chỉ định can thiệp ngoại khoa có thể thực hiện được bằng kỹ thuật vi sang thương - laser. 

Tuy vậy, mỗi phương pháp vi sang thương cũng đều có những chỉ định và chống chỉ định của nó. Kết quả điều trị chủ yếu dựa vào sự lựa chọn phương pháp, các thông số tối ưu của phương pháp, lựa chọn bệnh nhân và sự thuần thục tay nghề của mỗi bác sĩ. Từ năm 1999 tới nay, PGS.TS.BS. Trần Công Duyệt đã trực tiếp thực hiện thủ thuật giảm áp đĩa đêm cột sống bằng laser qua da cho hơn 5.000 bệnh nhân với kết quả thu được tương đồng với các tác giả khác trên thế giới.

Ưu điểm của phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser: thực hiện dưới gây tê; hậu phẫu nhẹ nhàng; bệnh nhân được ngoại trú, không phải lưu viện; không tạo sẹo, không gây xơ dính thần kinh, không làm mất độ vững chắc của cột sống; thời gian hạn chế vận động ngắn; có thể làm bổ sung lại và không cản trở phẫu thuật hở, nếu cần; có thể thực hiện một lúc ở nhiều tầng, nhiều vị trí cách xa nhau; độ an toàn cao, có thể thực hiện cho các bệnh nhân có tình trạng tim mạch, gan, thận, đái tháo đường và tình trạng sức khỏe chung kém mà việc mổ hở có thể trở ngại không thực hiện được hoặc bị hạn chế bởi gây mê.

Mỗi phương pháp can thiệp vi sang thương cũng như mổ hở đều có những ưu thế và hạn chế của nó. Vấn đề là người bệnh cần được tư vấn rõ sự ưu thế và hạn chế của mỗi phương pháp, giúp cho người bệnh có niềm tin vào phương pháp mà mình đã chọn.

PGS.TS.BS. TRẦN CÔNG DUYỆT

Theo Sức khỏe & Đời sống
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.