Qua một đêm, thêm hơn 17 nghìn người phải cách ly chống dịch

Qua một đêm, thêm hơn 17 nghìn người phải cách ly chống dịch
TPO - Sáng 21/8, Bộ Y tế cho biết không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19. Hiện tại, Việt Nam có 1.007 bệnh nhân.

Đến nay Việt Nam có tổng cộng 666 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 525 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 100.569, tăng hơn 17 nghìn người so với 18h hôm qua.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 hiện có 114 bệnh nhân có ít nhất 1 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Số ca tử vong hiện là 25 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đến nay đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...

Số ca điều trị khỏi hiện là 542 ca. Từ 25/7 đến hết ngày 20/8, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 15 tỉnh, thành phố (các trường hợp mới được phát hiện này chủ yếu đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng gồm: Đà Nẵng (367), Quảng Nam (96), Đắk Lắk (03), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Ngãi (05), Hà Nội (12), Thái Bình (01), Đồng Nai (02), Hà Nam (01), Bắc Giang (06) và Lạng Sơn (04), Thanh Hóa (01), Quảng Trị (07), Hải Dương (12), Khánh Hòa (01).

Bộ  Y tế  cho biết, đến nay, ổ dịch tại Hải Dương cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với địa phương khẩn trương triển khai công tác truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng,… để nhanh chóng dập dịch. Kinh nghiệm từ Hải Dương cho thấy, ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng, nếu chính quyền địa phương cần phối hợp với cơ quan y tế triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, thì sau khoảng hơn 1 tuần chúng ta có thể kiểm soát tình hình.

Về tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam, đến thời điểm hiện tại các trường hợp nghi ngờ ở hai địa phương này đã được truy vết và cách ly, lấy mẫu triệt để, tiến hành xét nghiệm với số lượng mẫu lớn… Trong những ngày gần đây số ca mắc mới đã giảm rõ rệt. Có thể nói tình hình dịch ở hai địa phương này đã được kiểm soát.

Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tiến hành phân tích, dự báo tình hình lây lan, khả năng kiểm soát, phát hiện thật sớm, khoanh vùng nhanh để giảm thiểu mức độ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. (Thái Hà)

3 người khỏi COVID-19, trong đó có cụ ông 76 tuổi, tổn thương phổi nặng

Chiều ngày 21/8 có 3 bệnh nhân đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương được công bố khỏi bệnh COVID-19 gồm: BN459, BN676, BN989.

Các bệnh nhân trên đều có kết quả 4 lần âm tính, hiện tại đều tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, không ho, dấu hiệu sinh tồn ổn định.

Đến chiều 21/8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn điều trị cho 33 bệnh nhân COVID-19.

Đáng chú ý trong số bệnh nhân khỏi bệnh hôm nay, BN459 là cụ ông được Bộ Y tế công bố nhiễm SARS-CoV-2, trú tại Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ, Hà Nội. Hồi đầu tháng 8, bệnh nhân tổn thương phổi nặng, đồng thời bội nhiễm vi khuẩn gram âm đường ruột gây nhiễm khuẩn huyết. Sau khi điều trị theo đúng phác đồ, sử dụng thêm thuốc để tránh tái phát, người bệnh mới dần ổn định hoàn toàn, các chỉ số trở về bình thường.

BN459 đã có 4 lần xét nghiệm âm tính vào các ngày 11/8, 16/8 và 19/8 (riêng ngày 19/8 ngoài xét nghiệm tại bệnh viện, mẫu bệnh phẩm của người bệnh cũng được gửi xét nghiệm chéo tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương).

Hiện bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, phổi thông khí tốt, không rale, toàn trạng ổn định, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh theo quy định mới của Bộ Y tế.

Ngoài BN459, trong ngày 21/8, 2 trường hợp mắc COVID-19 khác điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được ra viện, gồm BN676 (nam, 13 tuổi, ở Thị trấn Đình Lập – Đình Lập – Lạng Sơn) là thành viên trong gia đình có 4 người mắc COVID-19 ở Lạng Sơn, cùng đi du lịch Đà Nẵng từ ngày 21/7 đến 25/7. Các thành viên còn lại trong gia đình này chưa khỏi bệnh, vẫn đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện;

BN989 (nam, 35 tuổi, ở Sơn Hóa – Tuyên Hóa – Quảng Bình), thuộc đoàn 219 công dân Việt về từ Guinea Xích Đạo chiều 29/7, được cách ly ngay sau nhập cảnh.

Được biết, hai bệnh nhân nói trên hiện toàn trạng ổn định, không ho sốt, không khó thở. Những người này cũng đã có 4 lần xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2, gồm cả lần kiểm tra chéo với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để chắc chắn kết quả trước khi công bố khỏi bệnh.

Những trường hợp này sẽ tiếp tục cách ly trong 14 ngày tiếp theo. (Thuận Phương)

Tăng cường chỉ định xét nghiệm, phát hiện sớm người nhiễm SARS-CoV-2

Bộ Y tế vừa có chỉ đạo các Sở Y tế, các bệnh viện phải thường xuyên theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế có các triệu chứng bệnh cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, đặc biệt lưu ý người đã tiếp xúc với người bệnh có nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi nặng, khoa hồi sức, cấp cứu, thận nhân tạo, lão khoa, ung thư, tim mạch.

Đồng thời tăng cường chỉ định xét nghiệm sàng lọc và khẳng định, phát hiện sớm người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 đối với người bệnh đến khám và người bệnh nội trú có biểu hiện nghi ngờ; đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính kể cả trường hợp người bệnh có tiền sử dịch tễ không rõ ràng để phát hiện và cách ly kịp thời theo quy định tại hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, điều phối hợp lý các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn trong tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR để đạt hiệu quả cao nhất, tiết kiệm, tránh chồng chéo, lãng phí.

Bộ Y tế, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc thực hiện, báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) các khó khăn, vướng mắc để được xem xét, giải quyết. (Quảng An)

MỚI - NÓNG