Quản lý an toàn thực phẩm: Cha chung không ai khóc

Quản lý an toàn thực phẩm: Cha chung không ai khóc
TP - Một diễn đàn quan trọng do Bộ NN&PTNT tổ chức, nhưng Thứ trưởng phụ trách chỉ dự được một lúc. Có tới 50% người dân được hỏi không tin độ an toàn của rau an toàn (RAT), trong khi văn bản quản lý lại rối rắm khó thuyết phục... Thông tin tại diễn đàn về an toàn thực phẩm (ATTP) ngày 25/11, tại Hà Nội.

> Hoang mang tin đồn hoa quả Trung Quốc phá nội tạng
Chở một tấn nội tạng bẩn về Bắc Ninh tiêu thụ

Dân chưa tin rau an toàn

Ông Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược PTNT (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 7 năm gần đây, số vụ ngộ độc thực phẩm không giảm, nhưng số người chết vì ngộ độc có giảm.

Tỷ lệ rau mất an toàn trên thị trường còn khá cao. ảnh: hoàng mạnh
Tỷ lệ rau mất an toàn trên thị trường còn khá cao.
ảnh: hoàng mạnh.

“Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ATTP lo ngại, các dư chất độc hại chưa biểu hiện như ngộ độc cấp tính, mà ngấm dần về lâu dài”- ông Thắng nói. Theo ông, kết quả giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho thấy, trên rau muống, rau cải, đậu đỗ... tỷ lệ vượt ngưỡng cho phép vẫn trên 10%, trong khi một số nước trong khu vực như Singapore chỉ khoảng 2-3%.

Khảo sát mới đây, trung bình người dân ở Hà Nội và TP HCM tiêu thụ khoảng 85 kg rau/năm, nhưng lượng RAT chỉ chiếm khoảng 15%. Vì sao RAT sử dụng ít?, ông Thắng cho hay, trên 50% người tiêu dùng được khảo sát không tin vào chất lượng RAT, gần 43% chưa biết cửa hàng bán RAT và trên 60% nơi bán RAT không thuận lợi cho họ mua; và khoảng 37% cho rằng RAT quá đắt so với rau thường.

Trong khi đó, nông dân sản xuất RAT còn manh mún, nhiều quy định rối rắm. Quy trình sản xuất chứng nhận, tái chứng nhận như Viet GAP, Global GAP... mất tới 1.000-2.000 USD/ha, sản phẩm làm ra giá bán không cao hơn làm theo quy trình thông thường.

Lấy ví dụ ở Hà Nội, ông Thắng chỉ ra, cửa hàng bán RAT nhỏ, chưa bao phủ. Khi doanh nghiệp có kênh phân phối bán lẻ, có đầu ra thì không tìm được nguồn cung có uy tín, ngược lại khi không có đầu ra, nông dân tự giải quyết lượng RAT dư thừa. Theo khảo sát, trong số 50 cửa hàng bán RAT, sau 2 năm thì có 12 cửa hàng đã biến mất.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nói rằng, tỷ lệ rau gọi là an toàn ở nước ta quá khiêm tốn, và bức tranh ATTP trên rau còn quá nan giải. Ông nói: “Tôi hình dung, như các nước EU, một vụ dưa chuột xảy ra ngộ độc, lập tức 27 nước họ quay lưng.

Còn ở Việt Nam, các bếp ăn công nghiệp ngộ độc hàng trăm người không xa lạ, liệu họ có quay lưng không? Vậy các nhà quản lý phải tìm lối thoát, đưa ra quy định dựa căn cứ điều kiện của ta, để dân còn thực hiện, chứ không thể đưa ra các tiêu chuẩn sánh với Mỹ, hay với Thái Lan thế này, thế kia được”.

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Trồng trọt cho biết, có quá nhiều văn bản, rối rắm, phức tạp tính khả thi thấp, người sản xuất không tiếp thu hết được. “Có cái như Viet GAP, GlobalGAP đến hàng chục tiêu chí, nông dân dù được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, có khi trên hội trường nghe được 10, ra cửa còn 5, nhưng về nhà còn 2 là may”.

Quản lý kiểu “cha chung không ai khóc”

Nhiều quy định sản xuất theo quy trình GAP gây khó khăn cho nông dân
Nhiều quy định sản xuất theo quy trình GAP gây khó khăn cho nông dân.
 

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho hay, liên quan đến ATTP có tới 4 Bộ luật, tới 17 thông tư hướng dẫn và có 3 bộ liên quan là NN&PTNT, Công Thương, Y tế.

Một vấn đề mà 3 bộ ban hành văn bản hướng dẫn sẽ khó đồng bộ. Việc quản lý các chất phụ gia, thực phẩm, tồn dư hóa chất, thuốc BVTV, thuốc thú y cũng còn nhiều bất cập. “Nếu mua hóa chất, phụ gia mà ra chợ Kim Biên (TPHCM - PV) hỏi là có ngay, thì chúng ta chưa thể nói quản lý ATTP tốt được”- ông Tiệp nói.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), bức xúc: “Ở Việt Nam, việc quản lý ATTP liên quan tới ba bộ. Ông Bộ trưởng Nông nghiệp nói lại sợ ông Bộ trưởng Công Thương mất lòng, ông Bộ Công Thương lại sợ Bộ trưởng Y tế mất lòng. Dường như các quy định xuất phát từ quyền lợi của các cơ quan này, chứ không phải từ người dân”.

Theo ông Dũng, nếu ATTP để một bộ nói, một cơ quan quản lý, những chuyện lùng nhùng trên sẽ bớt đi nhiều. Ông Dũng nói: “Tại sao nông dân trồng rau một bên để bán, một bên để ăn? Những số liệu về tỷ lệ ATTP các cơ quan đưa ra cũng không ăn nhập, mỗi ông một con số? Ta ngồi ở Hà Nội kiểm soát thì lấy mẫu tại chợ ở Hà Nội, chứ lấy mẫu rau ở nông thôn, tôi nghĩ mức độ an toàn cũng sẽ khác”.

Ông Dũng cho hay, điều lạ là ở ta, cái gì tốt thì bán, kém chất lượng hơn thì ta dùng, trong khi tư duy các nước khác như Nhật, thì ngược lại.

“Như cá tầm của Trung Quốc, trong nước họ không dùng, mà mang sang cho Việt Nam xơi. Mình cũng nói là không phân biệt giữa rau trong nước và ngoài nước, nhưng trên thực tế lại khác. Bao giờ chưa đổi tư duy của cơ quan quản lý nhà nước, cứ dựa trên tình huống là trên thực tế thế này, ta dàn xếp thế nào cho yên, sẽ không bao giờ thay đổi được cả”.

Khi thấy Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, người được giao phụ trách vấn đề ATTP chỉ dự diễn đàn một lúc, rồi xin phép rời hội nghị sớm, ông Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ: “Một diễn đàn quan trọng mà Thứ trưởng phụ trách chỉ ngồi được một lúc là đi, tôi rất buồn. Vấn đề ATTP này ít nhất cũng phải nói đến tai ông Bộ trưởng”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG