Quỹ Bảo hiểm Y tế rỗng ruột vì bị trục lợi

Tại Bệnh viện TP Vinh, các bác sĩ kê đơn vượt chỉ dẫn nhà sản xuất do “quen tay”. Ảnh: Phạm Thanh.
Tại Bệnh viện TP Vinh, các bác sĩ kê đơn vượt chỉ dẫn nhà sản xuất do “quen tay”. Ảnh: Phạm Thanh.
TP - Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) đang bội chi ngày càng lớn, trong 2 năm gần đây thu trong năm đã không đủ bù chi và phải dùng tới quỹ dự phòng. Phóng viên báo Tiền Phong thâm nhập một số bệnh viện, tận thấy việc chi tiêu khám chữa bệnh BHYT để làm rõ hơn nguyên nhân Quỹ BHYT bội chi.

Bài 1: Tìm đủ cách lấy tiền bảo hiểm

Vài năm gần đây, khi giá dịch vụ khám chữa bệnh bằng BHYT liên tục tăng, Quỹ BHYT đã trở thành “mỏ vàng” của nhiều bệnh viện (BV).

Đi viện được Nhà nước nuôi

Để có bệnh nhân, BV Phục hồi Chức năng Nghệ An in nhiều tờ rơi, cử người về các thôn bản miền núi Nghệ An quảng cáo, với nhiều lời giới thiệu hấp dẫn, như: BV nằm ở bãi biển đẹp nhất Cửa Lò, cạnh công viên… là điểm đến nghỉ dưỡng tuyệt vời; là BV đầu tiên của Nghệ An và cả nước xây dựng mô hình “Bệnh viện - khách sạn: Xanh - Sạch - Đẹp”… Bệnh nhân điều trị nội trú được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, được xét nghiệm, cấp thuốc có BHYT chi trả. BV cũng hướng dẫn rõ các loại thẻ BHYT được ưu tiên vượt tuyến (thẻ BHYT khu vực 135) không cần chuyển tuyến.

Nhờ quảng bá rộng rãi, nhiều đoàn người ở các huyện miền núi Nghệ An (như huyện Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tương Dương, Quế Phong, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn...) đã đổ tới. Bệnh nhân tới không cần khám, tất cả được chỉ định nhập viện điều trị dài ngày. Hết quý I/2017, BV này đề nghị thanh toán BHYT hơn 7 tỷ đồng, quý 2 tăng lên 14 tỷ đồng.

Còn tại BV Đa khoa TP Vinh (Nghệ An), qua rà soát bệnh án và hồ sơ kê khai BHYT cũng phát hiện nhiều sai phạm, như: Bác sĩ không có chứng chỉ chuyên môn vẫn thực hiện xét nghiệm, thủ thuật; Chỉ định nội soi tai mũi họng cho hầu hết (60%) bệnh nhi vào viện bất kể mắc bệnh gì; Bác sĩ đi học vẫn kê khai khám chữa bệnh thường xuyên tại viện. Như ngày 22/3/2017, 5 bác sĩ, mỗi người siêu âm trên 100 ca, thậm chí có bác sĩ thực hiện tới 157 ca; Điện não đồ cũng thực hiện tới 2.800 lượt/quý (trung bình 30 ca/ngày/máy)…

Đặc biệt, các bác sĩ tại BV Đa khoa TP Vinh còn “rộng tay” kê nhiều đơn thuốc vượt chỉ định của nhà sản xuất, như thuốc Rezoclav - nhà sản xuất chỉ định liều dùng 3 viên/ngày và dùng không quá 5 ngày, nhưng bác sĩ kê 4 viên/ngày và dùng nhiều hơn 5 ngày.

Một số thuốc kháng sinh nhà sản xuất lưu ý dùng 2 viên/ngày bác sĩ lại kê 3 viên/ngày…

Tại BV Phục hồi Chức năng Nghệ An, bệnh nhân cũng được cho điều trị nội trú toàn bộ, các bác sĩ cũng chỉ định nhiều thủ thuật cho bệnh nhân. Thậm chí, có bệnh nhân có hồ sơ nằm viện nhưng thực tế vắng mặt… Riêng quý IV/2016, Bảo hiểm Xã hội Cửa Lò đã đề nghị không thanh toán (xuất toán) cho BV Phục hồi chức năng Nghệ An số tiền dịch vụ kỹ thuật lên tới hơn 4,4 tỷ đồng, do BV thực hiện các dịch vụ sai quy định.

Tương tự, các bác sĩ tại BV Y học Cổ truyền Nghệ An cũng bị phát hiện thực hiện nhiều thủ thuật chưa đúng quy định, không cần thiết, trùng lặp. Đặc biệt, BV sản xuất “thuốc tự bào chế” và kê đơn rộng rãi, số tiền đề nghị BHYT thanh toán lên tới hơn 1,2 tỷ đồng (chiếm 45% chi phí thuốc của BV). Tuy nhiên, theo Bảo hiểm Xã hội Nghệ An, cơ sở pháp lý của việc dùng thuốc tự bào chế tới nay vẫn chưa rõ ràng.

Do thương người và quen tay

Nhờ tuyên truyền tốt, các đoàn người tới BV Phục hồi Chức năng Nghệ An chủ yếu do hội người cao tuổi, hội phụ nữ tổ chức, mỗi đoàn bình quân 25-30 người. Tất cả tới BV này đều được chỉ định điều trị nội trú dài ngày. Năm 2016 và nửa đầu năm 2017, bình quân mỗi bệnh nhân nằm điều trị tại BV gần 17 ngày, chi phí 8,6 triệu đồng/bệnh nhân, cao gấp đôi trung bình cả nước. Đồng thời, BV chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật cùng cơ chế, chức năng cho 1 bệnh; có bệnh nhân 1 bệnh nhưng được chỉ định làm tới 9 thủ thuật trong vài ngày; có bệnh nhân đau thần kinh đầu lại được chỉ định điều trị chân. Ngoài ra, nhiều thủ thuật trị liệu theo quy định phải kéo dài 20 phút, nhưng bệnh viện chỉ thực hiện 5-10 phút…

Bà Thái Thị Xuân, Giám đốc BV Phục hồi Chức năng Nghệ An cho biết, BV thường có khoảng 500 bệnh nhân mỗi ngày, tất cả đều điều trị nội trú. “Bác sỹ ở BV luôn tận tình vì bệnh nhân, có đoàn đi từ quê tới đã 1-2 giờ sáng, chúng tôi vẫn cử người làm thủ tục cho nhập viện hết. Cũng có người sáng sớm phải về theo đoàn nên bác sĩ tranh thủ làm thủ thuật ngay trong đêm. Để được tới BV, ở địa phương họ phải trải qua bình bầu, phải thuộc gia đình văn hóa, tiêu biểu mới được đi. Cả đời họ chỉ đi viện một lần, chẳng nhẽ chúng tôi khám rồi trả về, làm vậy không có tình cảm với người dân”, bà Xuân nói. Theo bà Xuân, BV làm nhiều thủ thuật là do bệnh nhân yêu cầu. Vì khi BV đưa danh sách các thủ thuật người bệnh họ đăng ký hết, có thủ thuật bác sĩ không chỉ định nhưng bệnh nhân vẫn xin làm. “Họ xin làm thủ thuật chẳng nhẽ mình lại từ chối”, bà Xuân nói thêm.

Bác sĩ Hồ Văn Thăng, Phó Giám đốc BV Đa khoa TP Vinh thừa nhận, mỗi ngày, một bác sĩ siêu âm tối đa được khoảng 50 ca, thống kê nhiều có thể do ghi nhầm. Về dùng thuốc quá chỉ định, theo ông Thăng, có thể do bác sĩ “quen tay”, kiểu 4 viên chia 2 lần mỗi ngày, nên vượt so với chỉ dẫn của nhà sản xuất.

(còn nữa)

Trước việc “lôi kéo” người dân của BV Phục hồi Chức năng Nghệ An, ngày 29/5 và 20/6/2017, Bảo hiểm Xã hội huyện Tương Dương (Nghệ An) đã làm việc với UBND xã Lưu Kiền và Tam Thái để xác minh. Tại các buổi làm việc, Hội người cao tuổi xã Lưu Kiền và Tam Thái đã xác nhận tổ chức cho các hội viên tới BV Phục hồi Chức năng Nghệ An để điều dưỡng, an dưỡng, không phải khám chữa bệnh. Trước đó, Hội người cao tuổi xã Lưu Kiền đã tổ chức đoàn gồm 28 người, xã Tam Thái lập đoàn 21 người tới BV Phục hồi Chức năng Nghệ An an dưỡng nhiều ngày.

MỚI - NÓNG