Quyền thừa kế của trẻ thụ tinh trong ống nghiệm?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Nếu sau khi chồng tôi chết, tôi mới sinh con từ thụ tinh trong ống nghiệm tinh trùng của anh ấy thì việc ghi nhận cha sẽ thực hiện như thế nào? Quyền thừa kế của con tôi ra sao?

Chồng tôi đang bị bệnh hiểm nghèo. Tôi muốn gửi tinh trùng của anh ấy vào cơ sở khám chữa bệnh để sau khi anh qua đời sẽ sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Vợ chồng tôi có thể thực hiện được nguyện vọng này không? Việc ghi nhận cha của đứa trẻ được thực hiện thế nào? Quyền thừa kế của con tôi ra sao?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, việc gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Người chồng hoặc người vợ trong những cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh;

- Người có nguyện vọng muốn lưu giữ cá nhân;

- Người tình nguyện hiến tinh trùng, hiến noãn, hiến phôi;

- Cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân lưu giữ phôi còn dư sau khi thụ tinh trong ống nghiệm thành công.

Khoản 2 Điều 21 Nghị định 10 cũng quy định: “Trường hợp người gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi bị chết mà cơ sở lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi nhận được thông báo kèm theo bản sao giấy khai tử hợp pháp từ phía gia đình người gửi thì phải hủy số tinh trùng, noãn, phôi của người đó, trừ trường hợp vợ hoặc chồng của người đó có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản”.

Theo đó, nếu bạn muốn sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sau khi chồng bạn chết thì bạn phải “có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản” tinh trùng của chồng bạn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 10 nói trên, việc vợ chồng bạn muốn lưu giữ tinh trùng của chồng bạn cần được thực hiện “tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm…”.

Về vấn đề xác định cha cho con bạn

Theo khoản 4 Điều 21 Nghị định 10: Người vợ hoặc người chồng sử dụng tinh trùng, noãn, phôi của người vợ hoặc người chồng bị chết…“làm phát sinh các quan hệ ngoài quan hệ hôn nhân gia đình thì thực hiện theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật dân sự”.

Như vậy, nếu con bạn được sinh ra từ tinh trùng của chồng bạn để lại sau khi qua đời thì theo các quy định của pháp luật hiện hành, kể từ thời điểm chồng bạn chết, quan hệ hôn nhân giữa hai người sẽ chấm dứt (Điều 65 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014). Vì thế, việc nhận cha cho con cũng như việc thừa kế của đứa trẻ sẽ bị ràng buộc bởi các quy định sau đây:

- Trước hết, việc xác định cha cho các con bạn được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của luật: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân…”

Như vậy, nếu con bạn được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chồng bạn chết thì về nguyên tắc, chồng bạn được xác định là cha của con bạn.

Trường hợp con bạn sinh ra sau 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân (thời điểm chồng bạn chết) sẽ không được coi là con chung trong thời kỳ hôn nhân của bạn và chồng bạn. Vì vậy, nếu muốn xác định cha cho con bạn thì bạn phải làm thủ tục xác nhận cha cho con (khoản 3 Điều 102). Sau khi làm thủ tục xác nhận cha, chồng bạn mới được pháp luật thừa nhận là cha của con bạn.

Về vấn đề thừa kế

Theo quy định tại Điều 635 Bộ luật Dân sự 2005: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết”. Như vậy, nếu bạn làm thụ tinh ống nghiệm từ tinh trùng của chồng bạn sau khi anh ấy chết thì con bạn không được thừa kế tài sản của chồng bạn.

Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thanh Bình


Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG