Rét đậm, nhiều người nguy kịch vì viêm phổi, hen

ĐIều trị cho bệnh nhân tại BV Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Internet
ĐIều trị cho bệnh nhân tại BV Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Internet
TPO - Rét đậm rét hại trong tuần qua đã khiến lượng bệnh nhân nhập viện tăng 15 - 20% so với ngày thường. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và phải thở máy.

Theo PGS.TS Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai, thời tiết lạnh kèm mưa ẩm là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đợt kịch phát của bệnh nhân hen phế quảnbệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tại Trung tâm, mỗi năm tiếp nhận khoảng 7.000 bệnh nhân hô hấp nhập viện, trong đó có tới 30% bệnh nhân COPD.

"Đặc biệt những ngày đông rét mướt như hiện nay, có những ngày lên đến 15 - 20 bệnh nhân COPD nhập viện, đa phần là những cơn kịch phát diễn biến rất nặng, phải thở máy. Trong tuần rét vừa qua, có khoảng 170 - 190 bệnh nhân COPD nhập viện điều trị"- chuyên gia hô hấp cho biết.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong thời tiết rét mướt như hiện nay, bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý giữ ấm cơ thể, mặc áo ấm, tất ấm, khăn quàng ấm và tuyệt đối không đi thể dục ngoài trời lúc 5 - 6 giờ sáng.

PGS.TS Chu Thị Hạnh cũng chỉ rõ, bệnh nhân COPD có rất nhiều sai lầm trong điều trị khiến cho tình trạng bệnh ngày một trầm trọng hơn, chẳng hạn: không tuân thủ điều trị, hoặc tuân thủ điều trị nhưng sử dụng thuốc lại không đúng cách, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, chưa chú ý đến phục hồi chức năng hô hấp và nhất là vẫn tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ khiến bệnh không được cải thiện.

Cụ thể: Không tuân thủ điều trị, chỉ dùng thuốc đều trong đợt kích phát bệnh, khi bệnh đỡ rồi lại hay quên và cũng không tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Đó là một trong những sai lầm rất phổ biến của bệnh nhân COPD khiến bệnh nhân trở nặng, chi phí điều trị tốn kém. Trong khi đó, bệnh COPD phải điều trị cả đời, người bệnh phải chung sống và dùng thuốc dự phòng hàng ngày để phòng bệnh, tuyệt đối không được lơ là.

Với bệnh COPD cần tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, thuốc lào chủ động hoặc thụ động (ngồi trong có người hút thuốc); Tiếp tục đun bếp củi, bếp than... tuy nhiên rất nhiều người vẫn tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ này. Đặc biệt trong mùa rét như hiện nay, nhiều gia đình sử dụng bếp than sưởi ấm mà không hề biết rằng, ngoài nguy cơ bị ngộ độc khí CO thì đây cũng là tác nhân gây nên các đợt cấp của COPD.

PGS. Hạnh tư vấn, bệnh nhân COPD cần thực hiện tiêm phòng cúm, sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch trong mùa lạnh. Bởi khi bị cúm, nhiễm vi khuẩn, vi rút, không khí lạnh là một dạng stress gây khởi phát cơn cấp.

MỚI - NÓNG