Sai lầm của mẹ đối với trẻ biếng ăn

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Thấy con biếng ăn, các bà mẹ sốt sắng, lo lắng… thái quá cho con, nhưng cũng có thể là hại với con.

Tại các phòng khám nhi, phòng khám dinh dưỡng, số lượng trẻ đến khám vì biếng ăn ngày càng gia tăng, trong khi đời sống ngày càng nâng cao. Vì sao có nghịch lý này?

Theo số liệu thống kê từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì có khoảng 5% trẻ em ngay khi sinh ra đã lười bú, nhưng đến 2-3 tuổi, tỷ lệ trẻ biếng ăn lại tăng lên tới 30-40%. Những con số này phần nào cho thấy bé biếng ăn do môi trường nuôi dưỡng nhiều hơn do tự thân. Dưới đây là những sai lầm mà nhiều cha mẹ mắc phải:

Gắng thêm miếng nữa: Mẹ cười, con khổ

“Cố thêm miếng nữa nào” là câu khích lệ của bất cứ cha mẹ nào và thấy con cố thêm được là một niềm vui. Nhưng với những trẻ suy dinh dưỡng, kém hấp thu thì việc ăn no, ăn gắng càng gây ra tình trạng khó tiêu hóa, khó hấp thu.

Nhiều người khác lại “tiếc” thức ăn và công cho ăn nên cố kéo dài thời gian để con ăn thêm được một chút. Thế nên có những bữa ăn của trẻ kéo dài tới hàng tiếng đồng hồ. Thực chất việc kéo dài bữa ăn quá 30 phút sẽ khiến những phần thức ăn sau đó không còn tác dụng. Thức ăn để lâu nên bị nguội, tanh càng khiến bé sợ. Bạn hãy can đảm để bé đói một, hai bữa vì trẻ con tự điều chỉnh được nhu cầu ăn uống.

Cuộc chiến ăn uống: Mẹ thắng là hại con

Nạt nộ, dọa dẫm để con ăn là “chiêu” của nhiều bà mẹ. Sự thực vì sợ hãi bé có thể há miệng cố nuốt. Nhưng khi trẻ vừa ăn vừa khóc hay sợ hãi thì các enzym tiêu hóa được tiết ra ít hơn khiến trẻ hấp thu kém hơn. Cũng vì “chiến sự” này nên lần sau, vừa tới bữa ăn, trẻ đã có phản ứng sợ nên không muốn ăn, lâu dần còn hình thành sự biếng ăn tâm lý. Vì thế trong trường hợp này bạn tránh dùng bài dọa dẫm mà khuyến khích con ăn bằng việc cho bé ăn theo mình, hoặc cho con ăn theo bạn.

Ngược lại, cho trẻ vừa ăn vừa nô nghịch, vừa xem ti vi… khiến bé không tập trung nên vị giác, xúc giác không làm việc, dạ dày không “tích cực” tiết enzym tiêu hóa. Vì vậy tốt nhất bạn nên tập cho ăn nghiêm túc từ nhỏ, khi ăn phải ngồi ở ghế hoặc bàn ăn, không đi chơi, không chơi trò.

Cơm sinh tố: Dễ nuốt nhưng không được nhiều

Trẻ ở từng độ tuổi có cách chế biến khác nhau để phù hợp với sự phát triển của hệ tiêu hóa. Đến 2 tuổi mà con bạn vẫn ăn toàn đồ xay nhuyễn thì sẽ hình thành phản xạ lười nhai và theo tự nhiên bé sẽ chán những đồ nuốt. Vị giác của bé cũng kém đi nếu phải ăn cháo quá lâu. Cách xay và nấu cháo tổng hợp sẽ khiến cháo có mùi nồng, khó ăn. Vì vậy bạn hãy cho bé tập nhai đúng độ tuổi, các loại thực phẩm nên nấu thành món riêng như cho người lớn. Bạn nên đặt trên bàn nhiều loại thức ăn cho trẻ chọn.

Bồi bổ nhiều, con càng chậm

Tâm lý thường tình của phụ huynh là con mình suy dinh dưỡng thì cố gắng cho bé ăn các loại thực phẩm cao năng lượng, giàu protein như thịt bò, thịt gà, tôm… 

Nhưng ăn quá nhiều protein sẽ dẫn đến dư thừa. Protein không được tiêu hóa sẽ sinh ra nhiều chất trung gian gây độc hại cho ruột, đồng thời tạo gánh nặng lên gan thận khiến cho bé càng mệt mỏi. Vì vậy cần thay đổi thực đơn hàng ngày, cho bé ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm để cân bằng dinh dưỡng.

MỚI - NÓNG