Sơ cứu tai nạn trong dịp Tết

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi bạn gặp phải những trường hợp nạn nhân bị chấn thương hoặc bị ngưng thở, ngừng tim vì một lý do nào đó.

Đặc biệt vào những ngày xuân, khi mọi thứ đều được “xả càng”, nên có thể số trường hợp cần được xử trí sơ cứu sẽ nhiều hơn. Trước khi đội cấp cứu chuyên nghiệp đến, bạn có thể duy trì sự sống cho nạn nhân hay giúp đỡ nạn nhân bằng những động tác sơ cứu.

Bài 1: Hô hấp nhân tạo

Hô hấp nhân tạo là động tác sơ cứu nhằm cung cấp oxy cho não và các cơ quan quan trọng khác, trong khi chờ đợi sự điều trị tích cực từ đội cấp cứu chuyên nghiệp. Não sẽ chết sau 5 phút thiếu oxy, do vậy động tác này là rất quan trọng nếu được thực hiện sớm nhằm tránh tình trạng thiếu máu nuôi não. Bạn cần xác định nạn nhân tỉnh hay mê bằng cách lay, gọi, hỏi thật to.

Nếu nạn nhân mê, bạn gọi ngay cấp cứu hoặc nhờ ai đó gọi. Nhưng nếu bạn chỉ có một mình và nạn nhân từ 1-8 tuổi thì nên thực hiện hô hấp nhân tạo trong 2 phút trước khi gọi cấp cứu. Bạn thực hiện các bước sau:

Airway(thông đường thở): đặt nạn nhân trên nền cứng, quì cạnh cổ và vai bệnh nhân. Mở đường thở của nạn nhân bằng thủ thuật ngửa đầu nâng cằm. Kiểm tra nạn nhân có thở không? Bằng cách nghe hơi thở, nhìn lồng ngực di động. Nếu nạn nhân không thở, thực hiện ngay giúp thở miệng-miệng hoặc miệng-mũi.

Breathing(thở): giúp thở miệng, mũi. Thực hiện cái đầu tiên và nhìn xem lồng ngực nạn nhân có phồng lên? Nếu không, thực hiện tiếp lần thứ hai sau khi mở đường thở bằng thủ thuật ngửa đầu và nâng cằm. Sau đó thực hiện ép ngực.

Circulation (giúp máu lưu thông): ấn ngực đi xuống 3,8 - 5cm. Ấn 2 lần/ giây hoặc 100 lần/phút. Khi bạn làm động tác này sẽ giúp tim bơm máu đi để đưa máu đến não và các cơ quan quan trọng khác.

Sau ấn ngực, bạn làm thủ thuật ngửa đầu, nâng cằm nạn nhân để thổi hơi. Thổi 2 hơi liên tiếp. Bịt mũi nạn nhân, thổi 1 hơi trong 1 giây, xem lồng ngực có phồng lên? Nếu có, thổi tiếp hơi thứ hai, nếu không, ngửa đầu nạn nhân và thổi hơi thứ hai. Mỗi chu kỳ gồm 30 lần ấn ngực và 2 lần thổi hơi.

Nếu sau 2 phút, nạn nhân vẫn không cử động, bạn nên tiếp tục hà hơi thổi ngạt cho đến khi đội cấp cứu chuyên nghiệp đến.

Bài 2: chấn thương đầu

Khi gặp nạn nhân bị chấn thương đầu có các dấu hiệu sau, các bạn cần gọi đội cấp cứu chuyên nghiệp: chảy máu đầu mặt nhiều, thay đổi nhận thức hơn vài giây, có quầng xanh đen ở quanh mắt và sau tai, ngưng thở, hôn mê, mất cân bằng, yếu hay không sử dụng được tay hoặc chân, đồng tử hai bên không đều, ói mửa nhiều lần, nói khó.

Sau khi đã gọi cấp cứu, các bạn có thể sơ cứu nạn nhân bằng cách:

- Giữ nạn nhân nằm yên trong bóng mát, đầu và vai hơi nâng lên. Không di chuyển nạn nhân khi không cần thiết, tránh cử động cổ nạn nhân.

- Cầm máu bằng cách dùng băng gạc vô trùng hoặc quần áo sạch đè vào vết thương. Chú ý không đè trực tiếp vào vết thương nếu nghi ngờ vỡ sọ, khi đó có thể dùng băng gạc hay quần áo sạch quấn quanh vết thương thay vì đè trực tiếp.

- Theo dõi nhịp thở và báo động ngay nếu nạn nhân ngưng thở và bắt đầu làm hô hấp nhân tạo trong khi chờ đợi đội cấp cứu tới.

Bài 3: Nạn nhân bị trật khớp

Trong mấy ngày Tết, những tai nạn bất ngờ thường hay xảy ra. Trong đó những chấn thương vùng tay chân chiếm số lượng lớn. Bạn làm gì nếu chẳng may có người quen hay người thân chỉ vì một chút rượu bia mà té ngã bị trật khớp?

Trật khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào. Nếu nghi ngờ có trật khớp, nên gọi ngay cấp cứu. Trong khi chờ đợi chở đi cấp cứu, bạn có thể làm những việc sau đây:

- Đừng di chuyển khớp.

- Cố định ở tư thế mà khớp đang ở vị trí đó. Ví dụ trật khớp khuỷu, nạn nhân sẽ có tư thế khuỷu gấp. Bạn dùng một miếng vải hay cái áo cố định khuỷu vào thân người. Nói chung trật khớp vùng tay, có thể cố định bằng cách cột tay vào thân người, dùng chính thân người làm vật cố định nâng đỡ cho tay. Nếu là ở chân, thì có thể cột hai chân lại với nhau, dùng chân lành làm nẹp cố định cho chân bị tai nạn.

- Đừng cố gắng nắn khớp. Bạn có thể làm cho tình hình xấu đi nếu bạn không biết cách nắn.

- Chườm lạnh lên khớp bị trật nhằm tránh sưng phù. Không nhất thiết là phải chườm đá trực tiếp lên da, mà nên chườm qua lớp băng hay áo mà bạn đang dùng để cố định chi bị trật khớp.

- Một số khớp bị trật có nguy cơ tổn thương mạch máu cao như khớp gối. Bạn nên hỏi thăm nạn nhân xem có bị lạnh chân, tê hay nhìn thấy chân tím hay không, vì đây là những dấu hiệu báo hiệu tình trạng mạch máu có thể bị tổn thương.

Bài 4: Nạn nhân có vết thương chảy máu

Trong suốt cuộc đời, ít hay nhiều bạn cũng đã từng bị vết thương chảy máu, có thể là do đứt tay, do bị chấn thương… Bạn sẽ làm gì cho mình hay cho nạn nhân trước khi quyết định vào bệnh viện? Một vài hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn xử lý vết thương trước khi quyết định gọi cấp cứu:

- Cầm máu bằng cách đè nhẹ lên vết thương bằng gạc sạch hoặc quần áo sạch. Đè liên tục trong 20-30 phút. Đừng hé vết thương xem cầm máu hay chưa, vì sẽ làm chảy máu trở lại do cục máu đông chưa kịp hình thành.

- Làm sạch vết thương: rửa vết thương bằng nước sạch. Xà phòng làm kích thích vết thương, do đó nên tránh. Nếu dị vật còn sót trong vết thương thì dùng nhíp rửa bằng alcohol lấy ra. Rửa nhiều nước sẽ tránh được nguy cơ uốn ván. Xung quanh vết thương có thể rửa bằng xà phòng.

- Bôi kem có chứa kháng sinh hay dầu mù u sau khi đã rửa sạch vết thương. Kem hay dầu không làm cho vết thương lành mau hơn nhưng sẽ giữ ẩm cho vết thương, giúp quá trình lành vết thương dễ dàng hơn.

- Băng vết thương bằng băng đã tiệt trùng. Bạn nên thay băng khi băng ướt hay bị dơ.

- Bạn nên đi chích ngừa uốn ván nếu vết thương sâu, dơ, và lần chích ngừa uốn ván cuối cùng cách 5 năm. Đừng coi thường những vết thương do đạp gai hay những vật tương tự, vì chúng có thể chứa những vi trùng uốn ván. - Một số vết thương tưởng chừng vô hại nhưng có một số cấu trúc quan trọng như gan, thần kinh nằm sát da nên đôi khi có thể những cấu trúc này bị tổn thương. Ví dụ vết thương vùng bàn ngón tay có thể làm đứt gân gập hay duỗi ngón tay. Bạn nên đi đến bệnh viện để được khám và được xử trí đúng.

- Nếu bạn thấy vết thương mình bị đau ngày càng nhiều, tấy đỏ, sưng nề, chảy dịch hay không lành sau một thời gian, đó là dấu hiệu của sự nhiễm trùng. Đừng chần chừ mà nên đến bệnh viện để được chăm sóc tốt hơn.

Bài 5: Dị vật trong mũi, tai

Trong các ngày Tết, thường gặp tình huống ở trẻ nhỏ là chơi bỏ vật nào đó vào trong mũi. Trong trường hợp đó, bạn càng nên bình tĩnh lấy dị vật ra. Không nên hốt hoảng, không nên la mắng làm trẻ sợ hãi thêm. Hãy nhớ những điều sau đây khi tiến hành lấy dị vật:

- Đừng móc dị vật bằng que tăm bông hay bất cứ vật gì khác.

- Đừng cố gắng hít dị vật vào bằng cách hít sâu, thay vào đó nên thở bằng miệng cho đến khi dị vật được lấy ra.

- Thở ra nhẹ để cố gắng giải phóng dị vật nhưng đừng cố gắng thở mạnh hoặc lặp đi lặp lại. Nếu dị vật chỉ ở 1 bên mũi thì đè nhẹ mũi bên không có dị vật và thở nhẹ ra.

- Nếu thấy dị vật và có thể lấy ra thì lấy ra nhẹ nhàng, không nên cố gắng lấy dị vật khi không lấy được hoặc không thấy.

- Gọi cấp cứu khi không lấy được dị vật.

Dị vật trong tai

- Nếu bạn nhìn thấy dị vật và có thể lấy ra bằng kẹp thì có thể lấy ra nhẹ nhàng.

- Nếu không thấy, bạn có thể dùng trọng lực bằng cách nghiêng đầu và lắc nhẹ đầu cho dị vật rớt ra.

- Nếu nghi ngờ dị vật là côn trùng, bạn có thể dùng ít dầu ăn chế vào trong tai để côn trùng nổi lên và có thể lấy ra. Nhưng đừng dùng dầu khi dị vật là những vật khác. Không dùng phương pháp này nếu nghi ngờ thủng màng nhĩđau, chảy máu, chảy dịch từ tai.

- Bạn đừng lấy dị vật bằng que tăm bông hoặc vật khác vì như vậy, bạn vô tình sẽ đẩy dị vật đi xa hơn và tổn thương cấu trúc của tai.

BS. Tăng Hà Nam Anh

Theo Theo SKĐS
MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.