Sởi bùng phát do quản lý tiêm chủng gặp khó

Tiêm phòng sởi là phương pháp duy nhất để tạo miễn dịch với bệnh sởi
Tiêm phòng sởi là phương pháp duy nhất để tạo miễn dịch với bệnh sởi
TP - Hiện tất cả các quận huyện tại TPHCM đều có trẻ mắc sởi. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc bùng phát dịch sởi tại thành phố là do việc quản lý tiêm chủng gặp khó. 

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, số ca sởi được báo cáo trong tuần vừa qua là 53 ca, tăng 60% so với 4 tuần trước đó. Số ca sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 256 ca; 24/24 quận, huyện đều có ca bệnh sởi. Các quận huyện có số ca sởi nhiều nhất là Thủ Đức, Q. 7; Q.9; Q. 12; Q. Bình Thạnh và Q. Tân Bình.

Dân nhập cư đông, không khai báo nhân khẩu, một số trường hợp có đăng ký tạm trú nhưng không cư ngụ hoặc cư ngụ nhưng địa chỉ hộ khẩu, tạm trú ở địa phương khác, dẫn đến việc quản lý trẻ tiêm chủng sởi tại TPHCM gặp rất nhiều khó khăn.

Mới đây, trong buổi khảo sát của Sở Y tế TPHCM  về công tác phòng chống dịch tại  trường Mầm non Hoa Bình Minh (phường Bình Chiểu, Quận Thủ Đức ) - nơi vừa xuất hiện chùm ca bệnh sởi với 3 trẻ mắc đoàn kiểm tra ghi nhận trong tổng số 154 học sinh đang học tại trường có tới 60 trẻ chưa tiêm chủng, lịch sử tiêm chủng không rõ hoặc mới chỉ được tiêm mũi 1 chiếm đến 39%.

Theo BS Lê Bá Kông, Trưởng Trạm y tế  phường Bình Chiểu, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn phường đã xảy ra 15 ca bệnh sởi, trong đó trẻ 5 tuổi có số mắc lớn nhất. “Ngoài ra có bé 9 tháng chưa tới ngày tiêm chủng nhưng đã mắc sởi. Trong số này có 1 bé được tiêm mũi 1, còn lại có đến 14 bé không được tiêm vắc xin sởi, tập trung nhiều ở khu phố 5, nơi hầu hết là các khu nhà trọ cạnh khu công nghiệp. Số liệu cho thấy năm 2017, có  680 trẻ không được tiêm chủng vắc xin ngừa sởi. Trạm  y tế đã thực hiện tiêm lại cho 565 trẻ. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ là con em công nhân không được khai báo địa chỉ cư ngụ tại địa phương, do đó Trạm y tế không quản lý được lịch sử tiêm chủng, dẫn đến khả năng mắc bệnh sởi rất cao”, BS Kông cho biết.

Số liệu của Trung tâm y tế dự phòng Quận Thủ Đức cho thấy  tính tới thời điểm hiện tại, trên toàn quận đã có 73% trẻ tiêm sởi mũi 1, 68% trẻ được tiêm sởi mũi 2. “ Vì địa phương có tỷ lệ dân nhập cư đông, không khai báo nhân khẩu. Bên cạnh đó, việc nhiều người đăng kí tạm trú nhưng không cư ngụ hoặc cư ngụ nhưng địa chỉ hộ khẩu, tạm trú ở nơi khác dẫn đến việc quản lý trẻ tiêm chủng sởi gặp rất nhiều khó khăn”, đại diện trung tâm nhận định.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng công tác phòng chống dịch trên địa bàn quận vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. “Kiến thức hiểu biết của giáo viên về dịch bệnh cũng như lịch tiêm chủng của học sinh vẫn chưa đầy đủ. Tôi đề nghị UBND Quận cần nhanh chóng rà soát kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch. Riêng với chiến dịch tiêm bù, tiêm vét, cán bộ y tế cần xác định tiêm đầy đủ cho tất cả trẻ trên địa bàn, không phân biệt có hộ khẩu hay tạm trú…”, ông Hưng nhấn mạnh.

Cách đây không lâu, tại hội nghị tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng và sởi khu vực phía Nam năm 2018, PGS -TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM đã lý giải : Nguyên nhân khiến khu vực Đông Nam Bộ có nguy cơ bùng phát dịch cao chính là do địa bàn này tập trung nhiều khu công nghiệp, tỉ lệ biến động dân cư cao nhưng tỉ lệ đối tượng được quản lý lại thấp. Tại khu vực này, thống kê cho thấy tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi và trên 5 tuổi mắc sởi tăng.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, số ca sởi được báo cáo trong tuần vừa qua là 53 ca, tăng 60% so với 4 tuần trước đó. Số ca sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 256 ca; 24/24 quận, huyện đều có ca bệnh sởi. Các quận huyện có số ca sởi nhiều nhất là Thủ Đức, Q. 7; Q.9; Q. 12; Q. Bình Thạnh và Q. Tân Bình.

MỚI - NÓNG