Sôi động thị trường thuốc giải rượu cấp tốc

Nhiều trang mạng đua nhau quảng cáo các loại thuốc giải rượu bia
Nhiều trang mạng đua nhau quảng cáo các loại thuốc giải rượu bia
TP - Mức xử phạt lái xe uống rượu, bia tăng nặng, dân nhậu đua nhau tìm mua các sản phẩm giải rượu bia “cấp tốc” khiến thị trường sôi động. 

“Ăn theo”  Nghị định 100

Vào trang tìm kiếm gõ từ khóa “Thuốc giải rượu bia”, chỉ trong thời gian 0,23 giây xuất hơn 12.600 kết quả. Các sản phẩm giải rượu này gồm đủ loại, như trà, kẹo, nước hoặc viên giải rượu bia.

Các trang bán sản phẩm giải rượu bia này thường có những lời quảng cáo có cánh, khiến dân nhậu dễ tin như: “Kẹo giải hết nồng độ cồn” hay “Thuốc giảm nồng độ cồn cấp tốc”… Tùy từng loại, thuốc giải rượu bia có giá thành từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Đa phần các loại này được giới thiệu có nguồn gốc từ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Âu, Mỹ.

Gọi vào số điện thoại đường dây nóng 0963204xxx của một trang bán thuộc giải rượu bia có tác dụng “hết nồng độ cồn”, người tư vấn đon đả: “Bên em có bán kẹo giải rượu, đồng thời có công dụng làm giảm và hết nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở. Sau khi nhai khoảng 10 phút, kẹo này bắt đầu làm giảm nồng độ cồn”. Nhân viên tận tình hướng dẫn, khách hàng nên nhai một viên trước khi uống rượu bia, giữa trận nhậu nhai tiếp một viên và lúc kết thúc uống rượu bia nhai thêm viên nữa để phát huy tác dụng tốt nhất.

Cũng theo nhân viên tư vấn trên cho biết, hiện viên kẹo giải rượu này bán khá đắt hàng vì có nhiều người hỏi mua và đặt hàng. “Sản phẩm bên em là hàng xách tay, có nguồn gốc Hàn Quốc, chiết xuất từ thảo mộc tự nhiên nên rất an toàn, có giá 162.000/ hộp (một hộp 3 viên). Nếu anh giới thiệu được khách mua với số lượng lớn, bên em có hoa hồng”, nhân viên tư vấn này nói.
Thị trường sản phẩm thuốc giải rượu “ăn theo” Nghị định 100/2019/NĐ-CP sôi động nhất là trên facebook với hàng loạt tài khoản cá nhân và fanpage rao bán.

Theo khảo sát của PV ở một số hiệu thuốc tân dược trên địa bàn Hà Nội, hoạt động buôn bán thuốc giải rượu bia cũng khá sôi động. Tại một cửa hàng bán thuốc tư nhân trên đường Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa), chủ cửa hàng cho biết, sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, người hỏi mua thuốc giải rượu bia, tăng gấp 2 - 3 lần so với trước. “Tôi có bán thuốc giải rượu bia dạng viên và nước.

Thuốc viên có giá 25.000 đồng/vỉ, còn dạng nước uống có giá 50.000 đồng/chai”, chủ cửa hàng thuốc này nói. Tương tự, chủ một cửa hàng bán thuốc tân dược trên đường Trần Hưng Đạo (quận Hai Bà Trưng) cho hay, mấy ngày nay, khách hàng hỏi mua thuốc giải rượu bia làm giảm nồng độ cồn tăng lên, nhưng cửa hàng chỉ bán thuốc hỗ trợ giải rượu bia, không bán thuốc có khả năng làm giảm hoặc hết nồng độ cồn trong máu hay hơi thở.

Không “biệt dược” giảm nồng độ cấp tốc

Các chuyên gia cho rằng, dân nhậu cần cân nhắc khi sử dụng các loại thuốc giải rượu bia trên thị trường để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”. Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội cho biết, thực tế, trên thị trường chưa có bất kỳ sản phẩm nào giúp chống say rượu hoặc giải rượu nhanh.

Các loại thuốc muốn giải được rượu bia phải mất một khoảng thời gian nhất định, thường vài tiếng sau khi sử dụng mới có tác dụng. Nhiều loại thuốc giải giúp người uống rượu bia giảm bớt mệt mỏi, chứ không có tác dụng với nồng độ cồn. “Các loại thuốc giải rượu bia không thể làm hết nồng độ cồn như nhiều người lầm tưởng. Một số bài thuốc dân gian giải rượu phải có thời gian dài. Dù có uống ngay lúc đó đi chăng nữa cũng không thể đẩy hết mùi rượu”, ông Siêm nói.

Mới đây, đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cũng khẳng định: Tại Việt Nam chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành có công dụng giải rượu thần tốc hay thổi bay nồng độ cồn. Theo cơ quan này, ngay cả trên thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này. Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hóa, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.

Về một số phương pháp giải rượu như sử dụng viên kẹo được quảng cáo, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, không có loại thuốc nào có thể giải rượu như đồn thổi trên mạng. Nếu bệnh nhân bị ngộ độc methanol thì chỉ có biện pháp duy nhất là phải lọc máu khi bệnh nhân suy đa tạng, rối loạn chuyển hóa. Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, không nên sử dụng những sản phẩm được quảng cáo có tác dụng giải rượu vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Thái Hà


MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".