Sốt xuất huyết đang diễn biến vô cùng bất thường

Quá tải bệnh nhân mắc SXH điều trị tại các BV. Ảnh: Như Ý
Quá tải bệnh nhân mắc SXH điều trị tại các BV. Ảnh: Như Ý
TPO - Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp trên cả nước, trong đó có Hà Nội được coi là điểm nóng với tần suất mỗi ngày thêm 130 bệnh nhân mắc mới. Nhiều bệnh nhân nặng với biến chứng bất thường khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân SXH.

Những biến chứng bất thường

Tính từ đầu năm, toàn thành phố ghi nhận 4.147 trường hợp, trong đó có một trường hợp tử vong tại quận Đống Đa vào tháng 5 và mới nhất là một trường hợp tại phường Cống Vị, quận Ba Đình tử vong ngày 14/7.

Bác sĩ Đoàn Thu Trà, Phó Khoa Truyền nhiễm chia sẻ mặc dù rất nhiều bệnh nhân nặng đến nhập viện trong tình trạng sốc, trụy mạch, tụt huyết áp … nhưng đều được cấp cứu và điều trị ổn định, chưa có trường hợp nào tử vong. Bác sĩ Trà cho biết: “Có rất nhiều bệnh nhân nặng ở các tỉnh chuyển tới, như 1 trường hợp ở Hải Phòng, xét nghiệm tiểu cầu chỉ còn 7 G/L- tuy nhiên người bệnh không có hiện tượng xuất huyết tự nhiên nên chúng tôi quyết định chưa truyền tiểu cầu mà để theo dõi sát sao. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định, tiểu cầu đang bắt đầu tăng gần trở về mức bình thường, hết tràn dịch ổ bụng và có thể xuất viện trong chiều nay”.

Cũng theo bác sĩ Trà, nếu SXH ở những ngày đầu và chưa có những dấu hiệu cảnh báo thì chỉ cần theo dõi, uống thuốc hạ sốt, bù nước đường uống hoặc truyền các dung dịch đẳng trương như Ringer lactate hoặc Natri clorua 0,9% nếu có chỉ định… Chỉ khi có những dấu hiệu cảnh báo như hạ tiểu cầu, xuất huyết, tổn thương chức năng thận, chức năng gan, mệt mỏi, nôn, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt mới cần nhập viện để điều trị và theo dõi sát sao. Tuy chưa cần nhập viện nhưng khi bị SXH, người bệnh cũng cần được làm các xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu hàng ngày để bác sĩ có thể đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tránh tình trạng người bệnh phải vào viện quá muộn, gây những biến chứng đáng tiếc.

Tại Phòng Nhiễm khuẩn tổng hợp (Khoa Truyền nhiễm), nơi chuyên điều trị các bệnh nhân SXH cũng có những bệnh nhân là sản phụ, có thai hoặc sau sinh. Bác sĩ trà khuyến cáo, với bệnh nhân đang mang thai bị SXH, cần được theo dõi chặt chẽ hơn nhiều bởi nhiều biến chứng có thể xảy ra như ra huyết, đẻ non, xảy thai. Hiện khoa đang có 2 thai phụ bị SXH. Đối với những trường hợp này, cần kiểm tra công thức máu, tiểu cầu hàng ngày cũng như kết hợp với Khoa Sản của bệnh viện để theo dõi diễn biến tình trạng thai nhi, đôi khi cần dùng thuốc giảm co bóp, giữ thai cho bệnh nhân, kết hợp điều trị SXH và phòng ngừa nguy cơ xảy thai, đẻ non.

TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: “Biến chứng của SXH năm nay chúng tôi hay gặp là bệnh nhân có tổn thương thận và tổn thương gan, xét nghiệm có creatinin máu tăng và tăng men gan. Đặc biệt, mọi năm rất ít gặp SXH ở người cao tuổi nhưng năm nay có 1 bệnh nhân 85 tuổi từ Thanh Hóa ra Hà Nội chơi với con cũng bị SXH. Cụ sốt cao liên tục, xét nghiệm men gan lúc đó trên 600 IU/L (gấp hơn 15 lần so với bình thường) và tiểu cầu cũng hạ thấp, chỉ còn 19 G/L. Tuy nhiên, với sự theo dõi chặt chẽ và điều trị khẩn trương ngay từ đầu nên người bệnh đã ổn định và được ra viện, không phải truyền khối tiểu cầu và chức năng gan cũng đã trở về bình thường.

Sốt xuất huyết đang diễn biến vô cùng bất thường ảnh 1

Bệnh nhân Nguyễn Bích Hạnh nhà ở 274 Định Công(Hà Nội) cho biết:nhập viện 2 ngày nay với biểu hiện Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C ,đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã.

Ca tử vong thứ 15 vì SXH trên cả nước là trường hợp bị xuất huyết não tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Đây là bệnh nhân nam giới, 51 tuổi ở phường Vạn Phúc, Cống Vị, Ba Đình. Trước đó tại một bệnh viện bệnh nhân được chẩn đoán SXH, chụp CT não phát hiện xuất huyết não được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sáng sớm ngày 12/7. Đến rạng sáng ngày 14/7 bệnh nhân tử vong vì xuất huyết não quá nặng, ngoài tầm kiểm soát. PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện cho biết:“Chúng tôi đã mời cả các chuyên gia về ngoại cùng tham gia chẩn đoán cho bệnh nhân và cho kết quả tình trạng của bệnh nhân là xuất huyết não nhưng không thể can thiệp được vì bệnh nhân rối loạn chảy máu không thể cầm. Thực sự là thấy bệnh nhân chết mà không có cách nào để cứu”.

Diễn biến phức tạp

TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, trung bình mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân SXH đến khám, trong đó khoảng 20 bệnh nhân SXH nặng phải nhập viện điều trị nội trú. Cũng theo TS Cường, miền Bắc có số lượng bệnh nhân tăng nhanh do thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng diện rộng xen kẽ các đợt mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Bên cạnh đó, tình hình đô thị hóa, mật độ dân cư tăng cao với biến động di dân lớn, nhiều nhà trọ, công trường xây dựng trong khi điều kiện vệ sinh kém, làm gia tăng các ổ chứa nước đọng tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng. Mặt khác, người dân chưa chủ động phối hợp trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi; một số nơi vẫn từ chối hợp tác với chính quyền và cán bộ y tế.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay,  so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay dịch SXH xuất hiện sớm ở Hà Nội. Mọi năm dịch thường tăng cao vào tháng 7-8, năm nay tăng ngay tháng 5-6. Dự báo dịch còn diễn biến phức tạp, hiện là đợt cao điểm.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đóc Sở Y tế Hà Nội: "Diễn biến dịch bệnh SXH tại Hà Nội trong năm nay phức tạp do chu kỳ dịch có sự thay đổi bất thường, không theo chu kỳ dịch những năm trước thể hiện ở số ca mắc tăng nhanh và cao sớm so với chu kỳ dịch những năm trước từ 2-3 tháng. Dịch được ghi nhận trên diện rộng và xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp có quy mô xã, phường với số bệnh nhân cao".

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới T.Ư nhận định: “Cho đến nay tác nhân gây bệnh SXH không có gì thay đổi. Tuy nhiên, do thay đổi về môi sinh, thay đổi về lối sống và đặc biệt thay đổi về vi khí hậu làm cho trái đất nóng lên, vệ sinh môi trường không được đảm bảo, tạo nhiều cơ hội cho muỗi vằn sinh sôi và phát triển.Trong khi đó, bệnh SXH lại chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cơ hội để muỗi truyền bệnh từ người mắc bệnh sang người lành rất dễ dàng làm thay đổi diện mạo dịch tễ của bệnh. Hơn nữa, SXH không gây ra miễn dịch bền vững, bệnh lại có nhiều thứ nhóm khác nhau. Vì vậy, dịch SXH xuất hiện ở tất cả mọi lứa tuổi và có xu hướng tăng lên ở người lớn”.

MỚI - NÓNG